Trung Quốc chi tiền cho công cụ sản xuất chip nhiều hơn Hàn Quốc và Mỹ cộng lại trong nửa đầu năm 2024. Đây được xem là nỗ lực lớn của Trung Quốc nhằm nội địa hoá nguồn cung cấp chip, giảm thiểu rủi ro về các hạn chế xuất khẩu tiếp theo của phương Tây, theo Hiệp hội chip toàn cầu SEMI.
Trung Quốc, thị trường thiết bị bán dẫn lớn nhất thế giới, đã chi kỷ lục 25 tỷ USD cho các công cụ sản xuất chip trong 6 tháng đầu năm, theo SEMI. Trung Quốc vẫn duy trì mức chi mạnh mẽ cho đến tháng 7 và có thể trên đà đạt kỷ lục cả năm.
Đầu tư vào thiết bị bán dẫn là một chỉ bán quan trọng về nhu cầu thị trường trong tương lai và là thước đo triển vọng của ngành.
Hoạt động mua sắm ồ ạt của Trung Quốc đã tăng tốc kể từ khi Washington siết chặt xuất khẩu công nghệ bán dẫn vào tháng 10/2022. Theo SEMI, chi tiêu hàng năm của Trung Quốc cho ngành bán dẫn đã tăng vọt từ 28 tỷ USD vào năm 2022 lên 36,6 tỷ USD vào năm 2023, dự kiến con số này sẽ vượt quá 35 tỷ USD trong năm nay.
“Chúng tôi thấy Trung Quốc tiếp tục mua tất cả thiết bị mà họ có thể cho các cơ sở sản xuất chip mới trưởng thành của họ”, Clark Tseng, Giám đốc cao cấp về tình báo thị trường của SEMI cho biết. “Những lo ngại về khả năng hạn chế xuất khẩu hơn nữa cũng thúc đẩy họ thu mua để đảm bảo thiết bị nhiều hơn”.
Nhà phân tích này cho hay, khoản đầu tư kỷ lục của Trung Quốc vào thiết bị sản xuất chip không chỉ được thúc đẩy bởi các nhà sản xuất hàng đầu mà còn nhờ vào động lực từ các nhà sản xuất nhỏ và vừa.
“Có ít nhất hơn 10 nhà sản xuất chip hạng 2 cũng đang tích cực mua công cụ mới, từ đó thúc đẩy chi tiêu chung của Trung Quốc”, ông này nói.
Những khoản đầu tư này đã giúp Trung Quốc duy trì vị thế là thị trường lớn nhất thế giới về thiết bị sản xuất chip. Hầu như tất cả các nhà máy sản xuất chip mới của Trung Quốc đều tập trung vào các nút sau, vì các công ty Trung Quốc khó có được các công cụ tiên tiến cần thiết để sản xuất chip trên các công nghệ quy trình tiên tiến.
Trung Quốc là thị trường lớn duy nhất tăng chi tiêu cho các công cụ sản xuất chip so với năm trước mặc dù kinh tế toàn cầu đang suy thoái. Ngược lại, Đài Loan, Hàn Quốc và Bắc Mỹ đều giảm đầu tư vào thiết bị sản xuất wafer (là một tấm mỏng để làm đế chip, được làm từ silicon) trong cùng kỳ.
Động thái gia tăng chi tiêu cũng tác động đáng kể đến các nhà sản xuất công cụ sản xuất chip. Theo đó, nhà sản xuất thiết bị bán dẫn của Hà Lan ASML đã chứng kiến doanh thu từ việc bán cho khách hàng Trung Quốc tăng từ 17% trong quý IV năm 2022 lên 49% trong quý II năm nay. Hai nhà cung cấp Tokyo Electron và Screen Holdings đều có hơn 40% tổng doanh thu từ Trung Quốc trong quý II và dự kiến doanh số sẽ tiếp tục tăng.
Dữ liệu cũng cho thấy, trong quý II, doanh số bán thiết bị chế tạo chip sang Trung Quốc đạt 12,21 tỷ USD, so với 4,52 USD sang Hàn Quốc, 1,61 tỷ USD sang Nhật Bản...
Tờ Nikkei Asia đưa tin chi tiêu của Trung Quốc cho các cơ sở bán dẫn mới dự kiến sẽ bình thường hóa trong hai năm tới.
Tuy nhiên, chi tiêu toàn cầu cho thiết bị bán dẫn dự kiến sẽ tăng, đặc biệt là ở Đông Nam Á, châu Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, khi các khu vực này chuyển sang tăng cường năng lực sản xuất chip của khu vực trong những năm tới.