Hiện nay, ngư dân Việt Nam đang bước vào giai đoạn cao điểm khai thác cá ngừ vằn (từ tháng 7 đến tháng 9), nhưng nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng thu mua cá từ ngư dân do không đảm bảo kích cỡ tối thiểu theo quy định. Theo Nghị định 37, cá ngừ vằn được khai thác phải đạt kích thước từ 0,5 mét trở lên, trong khi đó, hầu hết cá ngừ vằn hiện tại không đáp ứng được yêu cầu này. Việc này đã khiến các cảng cá ngừng xác nhận nguồn nguyên liệu cho các lô hàng cá ngừ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động khai thác của ngư dân và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Cá ngừ vằn chiếm tới 85% sản lượng cá ngừ khai thác ở Việt Nam, là nguyên liệu chủ yếu cho sản xuất các sản phẩm chế biến và đóng hộp, đặc biệt để xuất khẩu sang các thị trường như EU, nhờ những ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), bao gồm Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Tuy nhiên, quy định hiện tại đang gây khó khăn cho ngư dân, đặc biệt là ngư dân miền Trung, và khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ mất thị trường lớn như EU do không thể tích trữ đủ nguyên liệu để sản xuất vào cuối năm.
Sắp hết mùa cá ngừ vằn, VASEP kiến nghị Thủ tướng ra chỉ đạo khi chờ sửa Nghị định 37. |
Một điểm đáng lưu ý là cá ngừ vằn là loài di cư, nhưng trong khi tàu cá Việt Nam bị ràng buộc bởi quy định về kích thước, thì các tàu cá của các nước lân cận lại được phép khai thác cá ngừ vằn mà không gặp trở ngại nào. Thậm chí, Ủy ban Nghề cá Trung Tây Thái Bình Dương (WCPFC) cũng như các tổ chức quản lý nghề cá khu vực khác không quy định cụ thể về kích thước khai thác mà chỉ quản lý theo hạn ngạch. Ngay cả Liên minh châu Âu cũng không có quy định về kích thước tối thiểu đối với cá ngừ vằn, trong khi tàu cá của Tây Ban Nha và các nước EU vẫn khai thác cá ngừ vằn dưới 1 kg một cách hợp pháp.
Theo ngư dân miền Trung, để tuân thủ quy định về kích thước tối thiểu, họ phải đầu tư lớn để thay đổi ngư cụ, điều chỉnh kích thước mắt lưới và kiểm soát kỹ lưỡng hơn khi khai thác. Tuy nhiên, ngay cả khi thay đổi ngư cụ, việc sàng lọc cá ngừ vằn theo đúng yêu cầu vẫn gặp nhiều khó khăn. Kết quả là nhiều tàu cá khi vào cảng không được cấp biên bản bốc dỡ do vi phạm về kích cỡ khai thác, khiến nguy cơ ngư dân ngừng việc đi biển tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của họ.
Đối với các doanh nghiệp, việc thiếu nguyên liệu trong nước dẫn đến việc phải chuyển sang nhập khẩu, làm giảm sức cạnh tranh do bị áp thuế cao. Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, trong tháng 8/2024, giá trị xuất khẩu cá ngừ chỉ đạt gần 90 triệu USD, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ năm trước, nhưng giá trị xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ đóng hộp giảm liên tục, đặc biệt xuất khẩu sang EU đã giảm 15%.
Vì tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của vấn đề liên quan đến sinh kế sản xuất kinh doanh bình thường của ngư dân và doanh nghiệp, VASEP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Nghị định 37 tại một số nội dung trong thời gian sớm và phù hợp nhất. Đặc biệt, VASEP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét và có văn bản chỉ đạo điều chỉnh, giải quyết vấn đề trên trong thời gian chờ sửa Nghị định do mùa vụ cao điểm của cá ngừ vằn chỉ đến cuối tháng 9.