Trong công văn tới Văn phòng Chính phủ cùng nhiều cơ quan, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã đưa ra kiến nghị tháo gỡ một số vướng mắc cho xuất khẩu hải sản.
Theo đó, VASEP cho biết, đã nhận được văn bản số 25/CV-XNK/2024 ngày 3/4/2024 của Công ty TNHH Highland Dragon (thành viên VASEP) v/v khó khăn, vướng mắc liên quan đến chứng nhận trên Health Certificate của nguyên liệu nhập khẩu từ New Zealand chế biến XK đi EU theo Quyết định 5523/QĐ-BNN-CCPT ngày 21/12/2023 của Bộ NNPTNT. Công ty Highland Dragon có lô hàng thành phẩm sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu từ New Zealand vừa không được Trung tâm vùng 4 (thuộc Cục NAFIQPM) tiếp nhận thẩm định cấp H/C ngày 03/4/2024 do nội dung trong giấy chứng nhận ATTP (hồ sơ nguyên liệu nhập khẩu) không phù hợp với mục XI-chương trình XK thủy sản vào EU theo Quyết định 5523/QĐ-BNN-CCPT.
Liên quan đến Quyết định 5523/QĐ-BNN-CCPT (ban hành chương trình xuất khẩu thủy sản và sản phẩm thủy sản sang liên minh EU) và vấn đề cụ thể “nguyên liệu thủy sản từ New Zealand (quốc gia có thỏa thuận với EU)” để chế biến XK vào EU, VASEP xin có một số ý kiến như sau:
Châu Âu và New Zealand (NZ) có thỏa thuận song phương về các biện pháp vệ sinh áp dụng đối với trao đổi thương mại động vật sống và sản phẩm động vật, được qui định tại Quyết định số 97/132/EC (ký ngày 17/12/1996) và một số các quyết định bổ sung, hướng dẫn bao gồm cả chi tiết tại Quyết định EU 2015/1084 (ký ngày 18/02/2015).
Các lô hàng thủy sản xuất khẩu từ New Zealand (NZ) sang EU được thực hiện theo Quyết định 97/132/EC kể trên với mẫu giấy chứng thư ATTP (H/C) kèm lô hàng được thống nhất giữa EU và NZ. Các lô hàng thủy hải sản mà các DN Việt Nam nhập khẩu từ NZ cũng kèm theo giấy H/C này;
Trước tháng 2/2024 kể về trước, khi Quyết định 5523 chưa hiệu lực, đã rất nhiều lô hàng tương tự mà DN nhập nguyên liệu từ NZ để chế biến XK sang EU đã được cơ quan thẩm quyền của Bộ NNPTNT (các đơn vị thuộc Cục NAFIQPM) kiểm tra, thẩm định và cấp H/C xuất khẩu sang EU.
Tuy nhiên, kể từ tháng 2/2024 đến nay khi Quyết định 5523 có hiệu lực, các lô hàng tương tự này đã không được cấp chứng thư H/C xuất khẩu vào EU.
Cho nên, VASEP kiến nghị với Bộ NN&PTNT có văn bản chỉ đạo tới các địa phương đẩy mạnh việc thực hiện tốt và đầy đủ các quy định về thẩm định - chứng nhận điều kiện ATTP tàu cá, cảng cá, chợ cá…(theo TT38/2018) và cam kết ATTP cho tàu cá dưới 15m theo TT 17/2018.
VASEP kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét, trên cơ sở công nhận, thừa nhận lẫn nhau và thực tiễn của vấn đề, chấp nhận mẫu H/C của các quốc gia có Thỏa thuận với EU. Xem xét giải quyết cấp H/C cho các lô hàng thành phẩm có nguyên liệu nhập khẩu trước ngày Quyết định 5523 có hiệu lực.
Bên cạnh là vướng mắc về giấy chứng nhận khai thác (C/C) kèm lô nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam, không đủ thông tin theo quy định của Bộ NN&PTNT, nên không đủ điều kiện để cấp Giấy xác nhận Cam kết (Processing Statement) khi xuất khẩu vào Nhật Bản. Doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu từ nước thứ 3 (ví dụ Philippine) và tái xuất đi Nhật Bản. Philipine cấp giấy chứng nhận khai thác (C/C) cho lô nguyên liệu này khai thác từ tàu cá nhỏ theo quy định và được Nhật Bản chấp thuận (Giấy C/C không có ngày khai thác và không có thời gian khai thác).
Tuy nhiên, doanh nghiệp dùng C/C kể trên để làm thủ tục đề nghị cấp Giấy xác nhận cam kết (Processing Statement) tại cơ quan của Cục NAFIQPM (Bộ NN&PTNT) để xuất thành phẩm vào Nhật Bản, thì không được chấp thuận vì giấy C/C trên không đủ thông tin theo quy định Việt Nam. Do đó, lô hàng không được cấp Giấy xác nhận cam kết để xuất khẩu sang Nhật Bản.
Dó đó, VASEP kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét, điều chỉnh phù hợp quy định giấy C/C đối với thị trường Nhật Bản theo như quy định của Nhật Bản đối với tàu cá nhỏ (dưới 12m).
Vướng mắc về thời gian cấp Giấy xác nhận nguyên liệu khai thác (S/C) của các cảng cá, nhiều trường hợp, kéo dài gây ảnh hưởng lớn tới sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện nay, việc cấp S/C sau khi doanh nghiệp đưa nguyên liệu về nhà máy ở nhiều nơi đang kéo dài và mất rất nhiều thời gian, thậm chí hàng tháng hoặc nhiều lô đến 2-3 tháng, gây ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp.
VASEP kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét thay đổi quy định về cách tiếp cận trong việc xác nhận giấy Xác nhận nguyên liệu S/C tại cảng cá trong quy trình xác nhận truy xuất nguồn gốc IUU hiện nay. Đó là cấp giấy S/C ngay cho chủ hàng khi chủ hàng đã hoàn thành việc bốc dỡ nguyên liệu từ tàu có sự giám sát của nhân viên cảng về chủng loại, khối lượng... tại cảng cá. Việc này là mấu chốt giải quyết nhiều bất cập, nút thắt hiện nay trong quá trình truy xuất nguồn gốc, kiểm soát IUU.
Linh Anh