Từ khi EC đưa ra cảnh báo “thẻ vàng IUU” vào tháng 10/2017 liên quan đến khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Việt Nam đã có những chuyển biến đáng ghi nhận. Các tỉnh có biển đã tích cực vào cuộc, huy động cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của ngư dân, góp phần làm giảm mạnh số vụ vi phạm trong những năm gần đây. Nếu giai đoạn 2015–2020, trung bình mỗi năm có hơn 120 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, thì từ 2021 đến nay, con số này đã giảm rõ rệt. Đặc biệt, từ năm 2018, không còn tàu cá Việt Nam đánh bắt trái phép tại các quốc đảo Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, báo cáo mới nhất từ Tổng vụ các vấn đề về Biển và Hải sản của EC (DG-MARE) chỉ ra rằng vẫn còn một số tồn tại cần xử lý triệt để trước khi có thể xem xét gỡ bỏ “thẻ vàng”. Trong đó, nổi bật là các vấn đề liên quan đến quản lý tàu cá, kiểm soát hoạt động tại cảng, việc ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình (VMS), và đặc biệt là các trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn ra, như 9 tàu với 36 ngư dân Việt Nam bị bắt giữ bởi Thái Lan, Malaysia và Indonesia từ đầu năm 2025 đến nay.
![]() |
Việt Nam còn “cơ hội vàng” trước thanh tra lần thứ 5 của EC về thẻ vàng IUU |
EC đã yêu cầu Việt Nam gửi báo cáo tiến độ khắc phục trước ngày 15/9/2025. Việc tổ chức thanh tra lần thứ 5 sẽ phụ thuộc vào kết quả báo cáo này và những bước tiến cụ thể trong việc khắc phục các tồn tại.
Trong bối cảnh xuất khẩu thủy sản đang phục hồi tích cực – kim ngạch quý I/2025 đạt gần 2,3 tỷ USD, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái – thì việc gỡ “thẻ vàng IUU” không chỉ là một yêu cầu kỹ thuật mà còn là điều kiện then chốt để Việt Nam mở rộng và giữ vững thị trường EU cũng như nhiều thị trường tiềm năng khác.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến, từ nay đến hết tháng 8/2025 là “thời cơ vàng” để Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ và hành động thực chất. Ông nhấn mạnh 4 nhiệm vụ trọng tâm phải được hoàn thành trước thời điểm gửi báo cáo: (1) Quản lý đội tàu, (2) Kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển và tại cảng, (3) Truy xuất nguồn gốc thủy sản, và (4) Thực thi pháp luật nghiêm minh.
Đặc biệt, đối với các hành vi vi phạm tại vùng biển nước ngoài, cần thiết lập danh sách tàu cá, ngư dân có nguy cơ cao để theo dõi chặt chẽ, áp dụng biện pháp nghiệp vụ, bố trí lực lượng tuần tra trên biển giáp ranh và tại các khu vực cửa biển trọng điểm. Đồng thời, Việt Nam cần phối hợp điều tra và xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
Nếu tận dụng tốt thời gian chuẩn bị và triển khai quyết liệt các giải pháp trọng tâm, Việt Nam hoàn toàn có khả năng gỡ bỏ “thẻ vàng IUU" trong đợt thanh tra cuối năm 2025, qua đó củng cố vị thế ngành thủy sản trên thị trường quốc tế, đảm bảo phát triển bền vững và minh bạch.
Tính đến ngày 6/1/2025, qua rà soát, thống kê nắm được tổng số đội tàu cá cả nước là 84.536 chiếc, trong đó, cập nhật trên VN-Fishbase là 83.648 chiếc (đạt 98,9%), đã cấp giấy phép khai thác thủy sản còn hạn cho đội tàu từ 15 mét trở lên 25.942/28.728 chiếc, đạt 90,3%. Tàu cá có chiều dài 15 m trở lên hoạt động khai thác thuỷ sản đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 100% (23.312 chiếc). Công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác được thực hiện chặt chẽ hơn trước. Đến nay cả nước chưa phát hiện các trường hợp vi phạm IUU đối với các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Trong năm 2024, các địa phương đã khởi tố 32 vụ hình sự và đưa ra xét xử công khai 10 vụ liên quan đến hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, hợp thức hóa hồ sơ; liên quan hành vi tháo, gửi thiết bị giám sát hành trình (VMS), hợp thức hóa sơ vi phạm IUU; chế tạo, sử dụng trái phép vật liệu nổ… Tổng số tiền xử phạt hành vi vi phạm chống IUU là gần 100 tỷ đồng. Việc kiểm soát sản phẩm thủy sản khai thác nhập khẩu từ nước ngoài được thực hiện đầy đủ theo quy định quốc tế và khuyến nghị của EC. |