Trong năm nay, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội thảo luận vào Kỳ họp tháng 10 và thông qua vào Kỳ họp tháng 5/2025. Một trong những điểm nổi bật của dự thảo này là việc tăng dần thuế suất đối với rượu, bia từ năm 2026, với mức thuế lên đến 100% vào năm 2030.
Cụ thể, dự thảo đưa ra hai phương án đánh thuế đối với rượu bia, trong đó Bộ Tài chính ưu tiên phương án 2. Theo đó, rượu có độ cồn từ 20 độ trở lên sẽ chịu thuế 80% vào năm 2026 và tăng dần lên 100% vào năm 2030, trong khi rượu dưới 20 độ sẽ bị đánh thuế từ 50%, sau đó tăng lên tối đa 70%.
Đối với bia, thuế suất cũng sẽ tăng từ 80% đến 100%.
Theo TS. Nguyễn Minh Thảo, mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt là điều chỉnh hành vi tiêu dùng, từ đó tác động đến sản xuất và hướng tới bảo vệ sức khỏe, môi trường. Đồng thời, mục tiêu sau cùng là thu ngân sách Nhà nước. Dựa trên mục tiêu này, bà Thảo ủng hộ việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia để điều chỉnh hành vi tiêu dùng, đặc biệt là đối với các sản phẩm có hại cho sức khỏe khi lạm dụng.
Tuy nhiên, bà Thảo cũng lưu ý rằng bất kỳ chính sách nào khi ban hành đều cần được đánh giá toàn diện từ nhiều khía cạnh, và cho rằng quá trình đánh giá tác động của dự thảo lần này còn sơ sài, chưa làm rõ được những ảnh hưởng thực sự của quy định mới.
Theo bà Thảo, các nhà đầu tư khi quyết định đầu tư vào một lĩnh vực tại Việt Nam thường có tầm nhìn dài hạn, thậm chí vài chục năm. Việc thay đổi chính sách đối với một ngành sẽ tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp trong ngành đó, đồng thời ảnh hưởng đến các ngành liên quan.
Từ góc nhìn khách quan, bà Thảo cho biết: “Việc tăng thuế Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm rượu, bia có thể tác động gián tiếp tới 24 ngành hàng trong nền kinh tế. Hiện nay, Cơ quan soạn thảo vẫn chưa đưa ra được đánh giá tác động của việc tăng thuế tới các ngành kinh tế khác, bao gồm cả dịch vụ lưu trú, ăn uống… “.
Do đó, các nhà đầu tư trong những lĩnh vực khác cũng sẽ xem xét rủi ro thông qua chính sách này. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư của nền kinh tế, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá tác động toàn diện để đưa ra chính sách hợp lý, củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Bà Thảo ủng hộ việc áp dụng lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn từ năm 2027, nhưng lưu ý rằng việc tăng thuế hàng năm sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc dự báo và thích nghi. Bà đề xuất xem xét tăng thuế vào năm 2027 và sau đó tăng tiếp vào năm 2029.
Để đảm bảo cơ sở khoa học cho việc tăng thuế, chuyên gia đề xuất cần đánh giá khả năng chịu đựng của doanh nghiệp và xác định mức độ thu hẹp sản xuất mà vẫn duy trì việc làm và góp phần vào tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, cần xác định ngưỡng mà doanh nghiệp có thể chịu đựng trước khi đối mặt với nguy cơ ngừng hoạt động hoặc phá sản, từ đó tính toán mức tăng thuế và lộ trình tăng hợp lý. Đồng thời, chuyên gia cũng kiến nghị Nhà nước thực hiện thêm các biện pháp bổ sung, trong đó việc tăng cường tuyên truyền là đặc biệt quan trọng. Mục tiêu là giúp người tiêu dùng nhận thức rõ tác hại của việc lạm dụng rượu bia, từ đó tự điều chỉnh hành vi tiêu dùng để bảo vệ sức khỏe.
Báo cáo từ Hiệp hội Bia, rượu và nước giải khát Việt Nam, cho biết các nhà máy sản xuất bia, rượu đang đóng góp cho ngân sách Nhà nước trên 60.000 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, ngành này có tới hàng triệu lao động đang làm trực tiếp trong các nhà máy và các chuỗi ngành hàng liên quan (logistics, dịch vụ…).
An Thảo