Thứ năm 19/09/2024 11:27
Hotline: 024.355.63.010
Thời cuộc
Sao kê từ thiện được công bố, xuất hiện hành vi phông bạt, làm màu số tiền từ thiện cần nghiêm trị

Xấu hổ với kiểu “phông bạt” tiền từ thiện, cần nghiêm trị hành vi lừa đảo từ thiện

17/09/2024 14:45
Ủy ban Trung ương MTTQVN đăng sao kê từ thiện thiệt hại bão số 3, lộ hành vi "phông bạt", "làm màu" số tiền từ thiện, hành vi trục lợi từ thiện, cần nghiêm trị.
aa

Chiều 15/9, Ủy ban Trung ương MTTQVN tiếp tục đăng tải 9.194 trang sao kê tiền từ thiện ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3 của người dân, các đơn vị, doanh nghiệp… qua MTTQVN, được đông đảo quần chúng nhân dân đồng tình. Tính đến 17h ngày 16/9/2024, các tổ chức, cá nhân đã chuyển về tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương với tổng số tiền là 1.236 tỷ đồng. Trong danh sách sao kê có trường hợp ủng hộ 2.000 đồng, 10.000 đồng, 20.000 đồng, vài triệu cho đến có người đóng góp hàng trăm triệu đồng.

Tình nghĩa đồng bào thể hiện qua từng đồng tiền của người dân hướng đến bà con bị lũ lụt, đang sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Một vài ngàn cho đến cả trăm triệu đồng cũng đều quý như nhau, nhưng rất đáng tiếc, qua sao kê cũng có những người cố tình “phông bạt”, “làm màu” với những số tiền sai sự thật, rất đáng xấu hổ. Nghiêm trọng hơn còn xuất hiện những hành vi trục lợi từ thiện cần phải bị nghiêm trị.

Sao kê, để dân gíám sát, lan tỏa những hành động tốt đẹp

Không chỉ cập nhật sao kê, MTTQVN cũng công khai số tiền chuyển đến các địa phương bị thiệt hại nặng qua cơn bão số 3. Tính đến ngày 16/9, MTTQVN đã phân bổ 1.035 tỷ đồng vận động được đến 26 tỉnh thành chịu thiệt hại do bão Yagi.

Từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 93 (10/2021) về việc vận động và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện, để điều chỉnh các hoạt động này, Ủy ban MTTQ đã làm đúng theo luật định, công khai các khoản đóng góp của người dân, công khai số tiền chuyển đến các địa phương, đã góp phần minh bạch các khoản đóng góp để toàn xã hội và nhân dân giám sát.

Bà Tô Thị Bích Châu - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN, cho biết, việc sao kê như vậy đem lại hiệu quả trong giai đoạn Covid-19. Từ kinh nghiệm đó, MTTQVN phối hợp với các ngân hàng kịp thời thống kê chính xác, đầy đủ danh sách tổ chức, cá nhân ủng hộ.

Việc này giúp cho nhân dân, dư luận nắm được số tiền MTTQ tiếp nhận mỗi ngày và đảm bảo số tiền sẽ được chuyển đúng, đủ đến địa phương, người dân. "Đây cũng là hình thức để MTTQVN vinh danh các nhà hảo tâm, lan tỏa những hành động tốt đẹp đến với xã hội", bà Châu nói.

Từ thiện, sau đại dịch Covid-19 đã trở thành vấn đề nhạy cảm, khi một số cá nhân vận động từ thiện thiếu minh bạch. Do vậy, việc MTTQVN công khai sao kê tài khoản đóng góp và cả số tiền chi ra là rất cần thiết và đúng đắn. Sự minh bạch trong từng khoản quyên góp không chỉ khẳng định uy tín của tổ chức mà còn củng cố niềm tin của cộng đồng và các nhà hảo tâm.

“Phông bạt” số tiền từ thiện: Hành vi đáng xấu hổ

Điều đáng buồn là qua việc sao kê, cũng lộ ra những hành vi phảm cảm, thậm chí có thể vi phạm pháp luật của một số ít người. Vụ "Liên đoàn Xiếc gửi 10.000 đồng ủng hộ bão lũ", gây xôn xao mạng xã hội, buộc công an phải vào cuộc. Ngày 13/9, Phòng An ninh Chính trị, nội bộ Công an TP. Hà Nội đã xác minh và mời N.M.Đ. (21 tuổi, sinh viên một trường đại học tại Hà Nội) đến làm việc để làm rõ hành vi liên quan vụ "tập thể anh em Rạp Xiếc Trung ương ủng hộ 10.000 đồng" cho đồng bào bị bão lụt.

Tường trình của anh Đ với công an, từ năm 2022, bản thân với một số bạn học lập một nhóm chat trên Facebook với tên gọi "Rạp xiếc trung ương" nhằm mục đích học tập và không liên quan gì đến Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Khi có thông báo ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3, anh Đ. đã tự chuyển khoản ủng hộ 10.000 đồng với nội dung kèm theo "tap the ae rap xiec trung uong ung ho" nhưng không thông báo, trao đổi với các thành viên nhóm.

Khi dư luận xã hội phản ứng, anh Đ. đã chủ động gọi điện thoại đến Liên đoàn Xiếc Việt Nam để xin lỗi. Công an TP. Hà Nội đã lập biên bản nhắc nhở, răn đe đối với sinh viên N.M.Đ. Đây là hành vi bôi nhọ, xuyên tạc, sai sự thật. Vụ việc đã làm ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

Một hiện tượng kỳ quái khác là sau bản sao kê của Ủy ban MTTQVN, nhiều trường hợp bị phát hiện “photoshop” số tiền ủng hộ, “làm màu”, khai khống lên hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, trong khi thực tế chỉ chuyển khoản vài nghìn đồng. Đó là hành vi đáng xấu hổ, cần lên án, vì việc từ thiện là phải từ tâm, người dân có bao nhiêu, đóng góp bấy nhiêu tùy theo khả năng của mình, đều được trân quý.

TikToker Việt Anh Pí Po (tên thiệt là Phùng Việt Anh) là trường hợp “làm màu” đáng lên án. Tài khoản này có hơn 1,3 triệu người theo dõi, đã chia sẻ hình ảnh đã chuyển khoản 20 triệu đồng đến MTTQVN, nhưng cư dân mạng phát hiện anh chuyển khoản trong sao kê là 1 triệu đồng.

Xấu hổ với kiểu “phông bạt” tiền từ thiện; cần nghiêm trị hành vi lừa đảo từ thiện
Một TikToker khiến cộng đồng mạng phẫn nộ vì khoe "khống" số tiền ủng hộ. Ảnh chụp màn hình.

Bị dư luận kịch liệt lên án, TikToker đã có video nói lại sự việc và xin lỗi và đã chuyển lại số tiền 20 triệu đồng đến MTTQ. “Hành động xấu hổ này của tôi đáng bị lên án và nhận được nhiều bài học cho bản thân. Tôi xin lỗi vì hành động kệch cỡm và “phông bạt” này... Xin lỗi mọi người, dù rất khó tôi vẫn mong mình có cơ hội sửa sai” - TikToker này lên tiếng.

Những hành vi tương tự vẫn xuất hiện, như trường hợp Fanpage “Hội seeding” của “Anh trai vượt ngàn chông gai” cũng “phông bạt”, ủng hộ vài trăm nghìn đồng nhưng khai khống hàng chục triệu đồng!

Có người chỉ chuyển cho MTTQVN có 30.000 đồng như D.H.H., lại chỉnh sửa chỉnh sửa con số chuyển khoản lên đến 30 tỷ đồng! Một tài khoản khác trên Threads tên D.A cũng tuyên bố đã đóng góp 100 triệu đồng, nhưng sự thật chỉ là 10.000 đồng.

Thậm chí “người nổi tiếng” cũng chơi “phông bạt” như cựu vận động viên Phạm Như Phương chuyển khoản 500 nghìn đồng nhưng "khoe" lên mạng đã ủng hộ hàng trăm triệu đồng. Khi cộng đồng mạng phát hiện, Phạm Như Phương “cãi chày cãi cối”: “Mọi người ơi, mình không thể biết đây có phải mình hay không, vì có thể có những người tên giống mình và cùng một nội dung, hoặc có những người ghét mình và làm giống một nội dung…" Tuy nhiên, những chia sẻ của cựu vận động viên này càng gây thắc mắc với cộng đồng. Nhiều ý kiến bày tỏ Phạm Như Phương ủng hộ bao nhiêu cũng được, dù là 50.000 nghìn đồng hay 500 triệu đồng thì tấm lòng giúp đỡ bà con bị thiệt hại trong bão đều rất đáng quý nhưng chơi “phông bạt” là đáng lên án.

Xấu hổ với kiểu “phông bạt” tiền từ thiện; cần nghiêm trị hành vi lừa đảo từ thiện
Phạm Như Phương "khoe" ủng hộ hàng trăm triệu đồng nhưng thực tế là 500 nghìn đồng.

Còn nhiều kiểu “làm màu”, “phông bạt khác để đánh bóng tên tuổi cá nhân trên nỗi đau của đồng bào.

Từ thiện phải xuất phát từ tâm lòng, từ tâm. Trong những nội dung sao kê, có những em học sinh chỉ góp vài chục ngàn nhưng để lại những dòng chữ chân chất, vẫn được cộng đồng yêu thương, chia sẻ.

Trục lợi từ thiện: Cần nghiêm trị

Lợi dụng lời kêu gọi cứu trợ của các cơ quan chức năng, một số đối tượng xấu đã mạo danh Hội Chữ thập đỏ, các tổ chức từ thiện uy tín, gọi điện thoại đến nhiều người kêu gọi quyên góp nhằm chiếm đoạt số tiền của người dân ủng hộ đồng bào gặp thiên tai. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật, cần phải nghiêm trị.

Tại Sóc Trăng, theo Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh tỉnh này, cơ quan này đã tiếp nhận nhiều thông tin từ người dân về các số điện thoại lạ gọi đến kêu gọi quyên góp, ủng hộ người dân bị thiệt hại do bão số 3 gây ra. Công an Sóc Trăng đã khuyến cáo mọi người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không gửi tiền quyên góp, ủng hộ vào các tài khoản không rõ nguồn gốc.

Những trang mạng lừa đảo cũng xuất hiện với những trang có tên miền tương tự như “kênh tin tức”, “tin nóng”, “tin 24 mới nhất”…, sao chép hình ảnh, thông tin từ báo chí để câu view kiếm tiền từ các nền tảng quảng cáo. Để kiếm tiền từ quảng cáo, các trang này đăng nhiều tin hình ảnh bão lũ, kèm theo đường dẫn ở phần bình luận dẫn đến các kênh khác...

Xấu hổ với kiểu “phông bạt” tiền từ thiện; cần nghiêm trị hành vi lừa đảo từ thiện
Trang giả mạo Hội chữ thập đỏ Quảng Ninh để lừa đảo kêu gọi quyên góp ủng hộ người dân bị thiên tai.

Hoạt động của các trang này khá tinh vị, khi tổ chức hàng trăm fanpage, nhiều nhóm, hàng trăm nick ảo nhằm tăng tương tác, tạo "mồi nhử" người đọc. Họ sao chép toàn bộ hình ảnh, nội dung từ báo chí chính thống rồi đặt tít giật gân hơn, thổi phồng thông tin để mời mọc người đọc nhấp chuột vào đọc. Khi đó, có thể bị dẫn đến một website toàn quảng cáo đủ kiểu từ cờ bạc, cá độ đến các loại thuốc, thực phẩm chức năng...

Chưa hết, nguy hiểm hơn là những trang web giả các cơ quan chức năng để lừa đảo từ thiện. Sau khi cầu Phong Châu bị sập, trên mạng xã hội đã xuất hiện fanpage giả mạo Ủy ban MTTQ huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ để lừa đảo kêu gọi quyên góp. Fanpage này sử dụng hình ảnh, thông tin giống các trang chính thống của Ủy ban MTTQ huyện Lâm Thao kêu gọi những người hảo tâm quyên góp, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để chiếm đoạt.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Lâm Thao, ông Nguyễn Mạnh Toàn khẳng định, đó là trang giả mạo. MTTQ huyện Lâm Thao không có fanpage này.

Mấy ngày trước, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã lên tiếng cảnh báo tình trạng fanpage mạo danh Hội Chữ thập đỏ Quảng Ninh lừa đảo, kêu gọi quyên góp ủng hộ người dân vùng bão. Các trang này sử dụng hình ảnh, thông tin giống trang chính thống để kêu gọi những người hảo tâm quyên góp, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để chiếm đoạt.

Thậm chí trang của Ủy ban Trung ương MTTQVN cũng bị làm giả để lừa đảo. Ngày 13/9, theo thông tin từ MTTQVN, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều website, trang thông tin lấy danh nghĩa là MTTQVN để huy động, kêu gọi ủng hộ các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bão số 3.

Các cơ quan chức năng đang xử lý các hành vị trục lợi vi phạm pháp luật này. Người dân cần cảnh giác với những hành động lừa đảo này. Ban Vận động cứu trợ trung ương đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước khi ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra cần trực tiếp liên hệ với Cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQVN, hoặc Ủy ban MTTQVN 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cả nước để tìm hiểu thông tin, số tài khoản chuyển khoản.

Bài liên quan
Tin bài khác
TP.HCM: 200 doanh nghiệp FDI đối thoại đề xuất cách vận hành thông minh nhất

TP.HCM: 200 doanh nghiệp FDI đối thoại đề xuất cách vận hành thông minh nhất

Nhằm taọ điều kiện kinh doanh một cách thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài (FDI), UBND TP.HCM và Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã tổ chức cuộc đối thoại cho 200 doanh nghiệp FDI và các lãnh đạo khu vực phía Nam.
Người nuôi trồng thuỷ sản Hà Tĩnh chủ động gia cố lồng bè, ao hồ ứng phó mưa bão

Người nuôi trồng thuỷ sản Hà Tĩnh chủ động gia cố lồng bè, ao hồ ứng phó mưa bão

Trước diễn biến mới của tình hình mưa bão, người nuôi trồng thuỷ sản tại Hà Tĩnh đang khẩn trương thực hiện các phương án đảm bảo an toàn hồ nuôi, gia cố lồng bè trên sông nhằm ứng phó với mưa bão.
Fed thực hiện đợt cắt giảm lãi suất “lớn” đầu tiên sau 4 năm

Fed thực hiện đợt cắt giảm lãi suất “lớn” đầu tiên sau 4 năm

Fed đã gây bất ngờ cho Phố Wall khi quyết định giảm lãi suất 0,5. Chỉ số S&P 500 và Dow Jones lập tức phản ứng và đạt mức kỷ lục mới.
Bộ Chính trị cho ý kiến về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Bộ Chính trị cho ý kiến về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Bộ Chính trị vừa nhất trí đề xuất xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Điều gì sẽ xảy ra khi Fed cắt giảm lãi suất

Điều gì sẽ xảy ra khi Fed cắt giảm lãi suất

Ngày thứ Tư (18/9), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên kể từ năm 2022. Mặc dù được dự báo từ trước, nhà đầu tư toàn cầu vẫn đang chuẩn bị cho những tác động của việc này.
lp-bank
tms-group
sanghai-fair
ubnd-xa-hoa-son