Quảng Ninh là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề của bão số 3. |
Quảng Ninh là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề của bão số 3 vừa qua. Cụ thể, bão số 3 gây ra thiệt hại về kinh tế khoảng gần 24.000 tỉ đồng. Ngoài ra, Quảng Ninh còn có 25 người chết, hơn 1.600 người bị thương; 70% cây xanh đô thị bị gãy, đổ; 165 tàu, phương tiện thủy bị chìm; hơn 102.800 nhà dân bị tốc mái; 251 nhà bị đổ sập; 4.942 nhà bị ngập; 2.637 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; trên 7.500 ha lúa bị ngập; hơn 500.000 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; gần 90.000 ha rừng bị thiệt hại…
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tổ chức Hội nghị lần thứ 55 để cho ý kiến, chủ trương về một số nội dung trình kỳ họp thứ 21 của HĐND tỉnh khóa XIV thuộc thẩm quyền Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Kỳ họp thứ 21 - kỳ họp bất thường của HĐND tỉnh khóa XIV sẽ diễn ra vào ngày 23/9 nhằm xem xét, quyết nghị đối với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó có các cơ chế, chính sách đặc thù để khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau cơn bão số 3.
Cụ thể, HĐND tỉnh Quảng Ninh xem xét, quyết nghị về chính sách nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn; chính sách miễn giảm học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh năm học 2024-2025; chính sách hỗ trợ một phần chi phí trục vớt phương tiện thủy đăng ký tại tỉnh Quảng Ninh bị chìm đắm do cơn bão số 3 và chính sách hỗ trợ thiệt hại về nhà ở do bão số 3.
Trên cơ sở báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, các ý kiến thảo luận tại hội nghị đều khẳng định đây là những nội dung thật sự cần thiết, cấp bách, cần phải được ban hành trong thời gian sớm nhất. Qua đó tạo điều kiện để người dân giảm bớt một phần khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thống nhất chủ trương ban hành các cơ chế, chính sách nêu trên để khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời cũng thống nhất điều chỉnh, bổ sung phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh năm 2024 để dành 1.000 tỉ đồng cho khắc phục hậu quả bão. Trong đó thực hiện cơ cấu lại nhiệm vụ chi triệt để, tiết kiệm chi thường xuyên để dành 500 tỉ đồng thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh.