Thứ bảy 14/09/2024 18:10
Hotline: 024.355.63.010
Thời cuộc

Phát triển theo chuỗi giá trị liên kết: Hướng đi bền vững cho nông nghiệp Việt Nam

29/08/2024 17:02
Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản một cách tốt nhất và nâng cao giá trị cho nông sản Việt thì việc phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản là vấn đề sống còn trong tái cơ cấu nông nghiệp.
aa
Việc phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản là vấn đề sống còn trong tái cơ cấu nông nghiệp
Việc phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản là vấn đề sống còn trong tái cơ cấu nông nghiệp. Ảnh: Internet

Xây dựng sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là xu thế tất yếu

Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị hiện nay được coi là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp. Hình thức này đảm bảo cho các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Do đó, việc xây dựng sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị hiện nay đang là xu thế tất yếu.

Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản một cách tốt nhất và nâng cao giá trị cho nông sản Việt thì việc phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản là vấn đề sống còn trong tái cơ cấu nông nghiệp. Điều này nhằm đáp ứng cho thị trường quốc tế đang tiếp tục mở rộng cho Việt Nam với gần 20 FTA đã ký kết và đàm phán, cũng như đáp ứng nhu cầu cho thị trường trong nước với quy mô hơn 100 triệu dân.

Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và phát triển thị trường.
Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và phát triển thị trường.

Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập bên lề Diễn đàn "Thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp tại Việt Nam" được tổ chức sáng ngày 29/8, ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và phát triển thị trường cho biết: "Chuỗi giá trị nông nghiệp Việt Nam gần đây đã có những bước phát triển vượt bậc, xây dựng được hơn 2.500 chuỗi lớn. Có rất nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam đã được cải thiện đáng kể về mặt chất lượng để tham gia chuỗi giá trị. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm nay có khả năng tăng so với năm trước, năm ngoái là 53 tỷ USD thì năm nay có thể sẽ từ 55 tỷ USD trở lên".

Chuỗi giá trị đang trong quá trình phát triển, tuy nhiên theo ông Tiệp nhận định, còn một số điểm nghẽn. "Một thực tế đang gặp phải hiện nay trong liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp là vướng mắc giữa người sản xuất với doanh nghiệp. Điều này thì Bộ Nông nghiệp cũng đã nhìn thấy và đang tổ chức các đề án để phát triển vùng nguyên liệu, các sản phẩm nông sản chủ lực như cà phê, gạo, tôm, cá,… Chỉ khi chúng ta phát triển được nguồn nhiên liệu chuẩn, đồng đều về mặt chất lượng thì sẽ xây dựng được nhãn hiệu và phát triển được thành thương hiệu. Chỗ này thì vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng", ông Tiệp chia sẻ.

Để nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, ông Tiệp đề xuất cần đổi mới sản xuất nông nghiệp thông qua việc tăng cường hợp tác, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp. Theo ông, doanh nghiệp phải liên kết sâu từ khi người nông dân trồng, chăn nuôi và hỗ trợ kỹ thuật cho người ta, cùng giám sát với người ta thì đương nhiên sẽ bền vững hơn rất nhiều, bền vững không chỉ là tác động kinh tế mà còn bền vững về cả mặt kỹ thuật, đảm bảo năng suất chất lượng và hiệu quả trong liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp.

Ông Tiệp cũng thông tin thêm, hiện có rất nhiều chủ doanh nghiệp trẻ đầu tư vào nông nghiệp, họ tổ chức sản xuất tốt, đưa ra các sản phẩm chất lượng, có thể thu thập đóng gói ngay tại trang trại và bán hàng qua thương mại điện tử. Thông thường, chuỗi truyền thống là phải qua chế biến, qua bán buôn bán lẻ nhưng đến giờ đã có những chuỗi ngắn hơn, từ trang trại sản xuất đã có thể bán thẳng cho người tiêu dùng. Ở đó người ta sản xuất, thu hoạch, đóng gói và giao hàng thẳng đến người tiêu dùng. Điều này giúp người nông dân không chỉ sản xuất mà gắn kết trực tiếp với thị trường, xu hướng này sẽ phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Quy mô hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng tại Việt Nam còn hạn chế

Cũng tại Diễn đàn, TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia đã chia sẻ bức tranh tổng quát về thực trạng tài trợ chuỗi cung ứng nông sản Việt Nam.

Theo ông Lực, quy mô hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng tại Việt Nam còn rất nhỏ trong khi kim ngạch xuất nhập khẩu tăng khá (khoảng 10%/năm giai đoạn 2013-2023). Năm 2023, các ngân hàng thương mại chỉ tài trợ thương mại cho 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu; trong đó, tài trợ chuỗi cung ứng chỉ chiếm 2%. Ngoài ra, các đơn vị cung cấp chủ yếu vẫn là các ngân hàng thương mại, các công ty tài chính chưa tham gia nhiều.

Sản phẩm tài trợ chuỗi cung ứng (SCF) có nhiều rào cản đối với người nông dân khi tiếp cận. Đó là các ngân hàng thương mại thường yêu cầu phải có tài sản đảm bảo, trong khi các sản phẩm tài trợ thương mại gồm tài trợ cho các khoản phải thu, tài trợ hóa đơn, tài trợ lô hàng… còn ít được áp dụng do tính chất rủi ro.

Ảnh minh họa
TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia chia sẻ tại Diễn đàn.

Nhằm khắc phục những vướng mắc trên, ông Lực đề xuất một số giải pháp đối với cơ quan quản lý:

Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hành lang pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới (cơ chế sanbox cho Fintech, cho vay ngang hàng, cơ chế chia sẻ dữ liệu...v.v).

Thứ hai, tổng kết đánh giá và có phương án tiếp theo đối với bảo hiểm nông nghiệp.

Thứ ba, tiếp tục phát triển thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Thứ tư, hoàn thiện hệ thống thông tin, dữ liệu dự báo về thị trường, giá cả nông sản nhằm giúp nông dân và doanh nghiệp có định hướng sản xuất, tiêu thụ ổn định.

Thứ năm, cần có chiến lược tiếp thị và mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, tập trung xây dựng thương hiệu, tận dụng FTA thế hệ mới; quyết tâm tháo gỡ thẻ vàng EU.

Cuối cùng, UBND các tỉnh, TP đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng và quyền sở hữu tài sản trên đất (đặc biệt là tài sản như nhà kính, nhà lưới, ao nuôi...).

Về phía các DN nông nghiệp, ông Lực cũng đề xuất doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu về các giải pháp tài trợ chuỗi cung ứng và các lợi ích; tăng cường minh bạch hóa thông tin để có thể tiếp cận các sản phẩm SCF nói riêng và dịch vụ tài chính nói chung; chủ động nghiên cứu để chuyển hướng sang nông nghiệp xanh, phát triển bền vững để có thể tiếp cận nguồn vốn trong và ngoài nước cho lĩnh vực này.

Vai trò các hợp tác xã trong quá trình sản xuất nông nghiệp

Có thể nói, trong hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp tại Việt Nam, vai trò của hợp tác xã là không thể phủ nhận. Các hợp tác xã (HTX) có vai trò cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho thành viên.

Hiện nay cả nước đang có trên 4.000 hợp tác xã tham gia liên kết theo chuỗi giá trị (chiếm gần 13% tổng số hợp tác xã) với các hình thức liên kết chuỗi giá trị phát triển đa dạng theo các công đoạn trong chuỗi giá trị nông sản.

Hiện nay cả nước đang có trên 4.000 hợp tác xã tham gia liên kết theo chuỗi giá trị (chiếm gần 13% tổng số hợp tác xã)
Hiện nay cả nước đang có trên 4.000 hợp tác xã tham gia liên kết theo chuỗi giá trị (chiếm gần 13% tổng số hợp tác xã).

Tại diễn đàn, ông Ngô Sỹ Đạt - Giám đốc Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp, cũng đã đề cao vai trò các hợp tác xã trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Hợp tác xã có thế mạnh là có mạng lưới rộng khắp cả nước, tạo ra sản phẩm nông sản có giá trị, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Hợp tác xã là đầu mối tiếp nhận chuyển giao khoa học kỹ thuật, chính sách của Nhà nước và các nguồn khuyến nông, công trình hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh, bảo hiểm cho nông dân, hỗ trợ vùng khó khăn, miền núi, dân tộc thiểu số.

Ông Đạt cũng thông tin thêm, hiện có 2.169 hợp tác xã nông nghiệp làm chủ thể sản phẩm OCOP; hơn 1.000 hợp tác xã nông nghiệp có hoạt động du lịch cộng đồng, tạo việc công ăn việc làm và thu nhập cho các thành viên (thu nhập trung bình 52 triệu đồng/năm), góp phần ổn định chính trị - xã hội địa phương . Ngoài ra, đến nay có gần 10% hợp tác xã nông nghiệp có phụ nữ tham gia hội đồng quản trị, giám đốc hợp tác xã.

Đề cập đến giải pháp thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp, ông Sỹ Đạt đề xuất, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến việc đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực hợp tác xã, tiếp tục hỗ trợ chương trình khởi nghiệp hợp tác xã; tiếp cận vay vốn tín dụng, đất đai... Đặc biệt là nhân rộng mô hình hợp tác xã vừa sản xuất vừa tham gia thị trường (sàn giao dịch nông sản); hợp tác xã đánh bắt thủy sản trên biển; bảo vệ nguồn lợi cộng đồng...; hợp tác xã sản xuất sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn.

Bảo Bảo

Tin bài khác
iPhone 16 Pro Max bị lùi thời gian giao do liên tục "cháy hàng"

iPhone 16 Pro Max bị lùi thời gian giao do liên tục "cháy hàng"

IPhone 16 Pro Max nhanh chóng cháy hàng ở Singapore vài phút sau khi mở đặt trước trên trang web. Hiện tại, người mua phải đợi đến 25-30/9 để nhận được máy.
Vì sao lãi suất điều hành chưa thể giảm thêm ?

Vì sao lãi suất điều hành chưa thể giảm thêm ?

Lãi suất điều hành khó giảm thêm do nền kinh tế đang phục hồi chậm, cầu tiêu dùng yếu, thiên tai ảnh hưởng nặng nề, và nguy cơ lạm phát gia tăng.
Bà Rịa- Vũng Tàu: 51 tỷ đồng ủng hộ về đồng bào miền Bắc thân thương

Bà Rịa- Vũng Tàu: 51 tỷ đồng ủng hộ về đồng bào miền Bắc thân thương

UBMTTQ Việt Nam, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức lễ phát động chung tay ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.
Đánh thuế bất động sản thứ hai có ngăn chặn được "sốt đất" và đầu cơ?

Đánh thuế bất động sản thứ hai có ngăn chặn được "sốt đất" và đầu cơ?

Khi giá bất động sản trên cả nước, đặc biệt là chung cư, liên tục tăng, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đề xuất đánh thuế với bất động sản thứ hai.
XSMN 14/9, kết quả xổ số miền Nam thứ 7 ngày 14/9, xổ số hôm nay miền Nam ngày 14/9/2024

XSMN 14/9, kết quả xổ số miền Nam thứ 7 ngày 14/9, xổ số hôm nay miền Nam ngày 14/9/2024

XSMN 14/9, Kết quả Xổ số miền Nam ngày 14 tháng 9, Trực tiếp kết quả xổ số miền Nam hôm nay 14/9/2024, KQXSMN 14/9, Xổ số hôm nay 14/9, Kết quả XSMN thứ Bảy, XSMN t7.
lp-bank
tms-group
dic-vu-minh-tuan
sanghai-fair