Thứ ba 08/10/2024 16:38
Hotline: 024.355.63.010
Hoạt động Hội

VINASME cùng VISA hỗ trợ doanh nghiệp đón đầu xu hướng thanh toán số

10/09/2024 18:19
Việc hợp tác giữa VINASME và VISA là bước tiến giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và đóng góp vào mục tiêu xây dựng nền kinh tế không dùng tiền mặt.
aa
Toàn cảnh Hội thảo diễn ra sáng ngày 10/9
Toàn cảnh Hội thảo diễn ra sáng ngày 10/9.

Sáng ngày 10/9 tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) và Công ty công nghệ thanh toán điện tử VISA phối hợp tổ chức hội thảo 'Giải pháp thanh toán và tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa' nhằm hỗ trợ doanh nghiệp số hóa thanh toán, nâng cao hiệu quả vận hành và tăng trưởng bền vững.

Đây là một sự kiện quan trọng nhằm mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, y tế, hạt nhựa, logistics và phần mềm, đặc biệt là trong bối cảnh các doanh nghiệp đang đối mặt với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường và yêu cầu chuyển đổi số mạnh mẽ.

Hội thảo không chỉ nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà còn đặt trọng tâm vào việc khuyến khích các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt. Theo các chuyên gia, đây là một trong những xu hướng tất yếu trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang ngày càng dựa vào công nghệ số. Thanh toán không tiền mặt không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình giao dịch mà còn tăng cường khả năng quản lý tài chính minh bạch, giảm thiểu rủi ro về an ninh tài chính và gian lận.

TS.Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký VINASME chia sẻ tại Hội thảo.
TS.Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký VINASME chia sẻ tại hội thảo.

Tại hội thảo, TS.Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký VINASME, cho biết, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do suy thoái toàn cầu sau đại dịch COVID-19.

Từ sau đại dịch COVID-19 đến nay, tiếp cận vốn nổi lên là 1 trong những nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mặc dù Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức liên quan đã cố gắng hết sức nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao khả năng tiếp cận vốn, giảm bớt các thủ tục hành chính, hối thúc các ngân hàng làm mọi cách để hỗ trợ doanh nhân vượt qua khó khăn nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn đối diện với tình trạng "khát vốn". Với trách nhiệm mình, VINASME cùng với tổ chức VISA và các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo nhằm đưa ra giải pháp, công cụ mới tăng thêm khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, cố gắng bù đắp một phần khó khăn tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhro và vừa.

Trao đổi với phóng viên, TS.Tô Hoài Nam cho biết: "VINASME với tư cách là tổ chức cấp quốc gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong chức năng, nhiệm vụ thì phải nghĩ ra, mở ra nhiều kênh tiếp cận vốn khác nhau để làm sao giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều cơ hội tiếp cận vốn. Chúng tôi phối hợp với VISA để cố gắng tuyên truyền, tạo nên công cụ mới, khả năng mới tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hy vọng là cách thức mới sẽ đáp ứng một phần khó khăn mà doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải đối mặt. Ví dụ, chúng tôi dự định bàn với VISA ngoài việc cấp thẻ cá nhân thì sẽ cấp cả thẻ visa doanh nghiệp. Điều đó, thứ nhất là tiết kiệm được thời gian cho doanh nghiệp, thứ hai là rút gọn quy trình về sổ sách kế toán theo Luật Kế toán. Điển hình, khi 1 giám đốc sử dụng thẻ visa cá nhân của mình mua hàng hóa nguyên vật liệu cho doanh nghiệp thì rõ ràng sau khi mua xong thì phải làm một loạt thủ tục về tài chính kế toán để đảm bảo quy định nhà nước về thống kê. Nhưng nếu người giám đốc đó dùng thẻ visa doanh nghiệp chi tiêu tiêu mua sản phẩm hàng hóa cho đơn vị của mình thì ngay lập tức sẽ được hoạch toán vào tài chính của công ty. Như vậy, rõ ràng sẽ tiết kiệm được thời gian và đảm bảo tính chính xác. Về mặt lâu dài thì còn đáp ứng được tính minh bạch.

Chúng ta chi tiêu tất cả các sản phẩm hàng hóa mà thông qua ngân hàng, thông qua hệ thống tài chính rõ ràng thì dứt khoát là tính minh bạch về mặt lâu dài sẽ đảm bảo hơn cho các doanh nghiệp. Và chính sự minh bạch đó sẽ giúp cho doanh nghiệp khắc phục dần khả năng không đủ điều kiện để tham gia vay vốn của các tổ chức tín dụng, đây là những mục tiêu xa. Mục tiêu gần là chúng tôi hy vọng sẽ cung cấp thêm một kênh nữa để cho doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn. Qua hội thảo ngày hôm nay, chúng tôi cùng với sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, tập đoàn toàn cầu như VISA, các doanh nghiệp lớn như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) và UrBox - Công ty Cổ phần Tiếp thị số Tô Quà, hy vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội mới, công cu mới hỗ trợ thanh toán cho doanh nghiệp. Điều này cũng phù hợp với mục tiêu số hóa của Chính phủ".

Tại hội thảo, các diễn giả đã thảo luận về cơ hội, thách thức mà doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đối mặt cũng như các giải pháp tài chính đáp ứng nhu cầu hoạt động của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hội nhập vào nền kinh tế số.

Ông Gareth Parrington - Giám đốc cấp cao Giải pháp thanh toán doanh nghiệp và chuyển tiền của VISA khu vực Đông Nam Á nhận đinh, doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện là trụ cột của nền kinh tế và cũng là khách hàng chính của các tổ chức tài chính. Hiện có khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và chiếm khoảng 22% tổng các khoản vay của ngân hàng. Theo thống kê, hiện 89% doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đang xem xét chuyển sang sử dụng dịch vụ của các ngân hàng thế hệ mới và các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán thay thế; 39% các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã chuyển đổi dùng các dịch vụ ngân hàng với lý do hấp dẫn.

Ông Gareth Parrington - Giám đốc cấp cao Giải pháp thanh toán doanh nghiệp và chuyển tiền của VISA khu vực Đông Nam Á
Ông Gareth Parrington - Giám đốc cấp cao Giải pháp thanh toán doanh nghiệp và chuyển tiền của VISA khu vực Đông Nam Á

Trong bối cảnh đó, việc cung cấp các giải pháp thanh toán an toàn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có ý nghĩa quan trọng. Cùng với đó, vai trò của các tổ chức như VISA và các ngân hàng thương mại, công ty công nghệ liên quan đến thanh toán và tài chính ngày càng được chú ý.

Hiểu được điều đó, VISA đã giới thiệu bộ giải pháp toàn diện, bao gồm công cụ quản lý kinh doanh, phương thức tối ưu hóa chi phí với các ưu đãi thương mại, giải pháp chấp nhận thanh toán tùy chỉnh và hỗ trợ tiếp cận tín dụng, đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình chuyển đổi số.

“Doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu, mục tiêu và thách thức riêng nhưng có đặc điểm chung là cần thanh toán và nhận thanh toán. Sứ mệnh của Visa là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong suốt hành trình vận hành kinh doanh thông qua các giải pháp thanh toán và nhận thanh toán hiệu quả”, ông Gareth Parrington chia sẻ.

Nhấn mạnh lợi ích của thẻ visa doanh nghiệp, ông Gareth Parrington cho biết, thẻ này giúp doanh nghiệp tách bạch chi phí cá nhân và chi phí doanh nghiệp. Thẻ visa doanh nghiệp là nguồn vốn lưu động ngắn hạn để quản trị dòng tiền (thẻ tín dụng doanh nghiệp). Thẻ không chỉ giúp doanh nghiệp đối chiếu chi phí dễ dàng và nhanh chóng hơn mà còn giúp kiểm soát thanh toán cho nhân viên tốt hơn.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn được tận hưởng ưu đãi/hoàn tiền và hưởng lợi từ các ưu đãi của VISA cũng như dễ dàng theo dõi chi tiêu kinh doanh với khả năng hiển thị đầy đủ mọi lúc.

Với thẻ visa doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể chi tiêu ở nhiều hạng mục như đặt chuyến bay trong và ngoài nước, đặt phòng khách sạn, đặt dịch vụ với công ty logistics. Thẻ tiêu dùng tiện như thế nào thì thẻ doanh nghiệp cũng tiện như vậy, đồng thời cũng phụ thuộc vào loại hình doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp muốn kích hoạt quảng cáo trên internet, muốn bán hàng online, nhận thanh toán hàng tháng hoặc từ nước ngoài, VISA có giải pháp cho tất cả các mục đích này.

Ngoài các tổ chức tài chính, hiện nay, ngay cả các ngân hàng cũng đang nỗ lực cải thiện trải nghiệm của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các cột mốc chính trong hành trình thanh toán nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giải quyết các thách thức trong vận hành và kinh doanh.

ông Huỳnh Thiên Phú - Giám đốc Trung tâm quản lý và Phát triển kinh doanh, Sacombank
Ông Huỳnh Thiên Phú - Giám đốc Trung tâm quản lý và Phát triển kinh doanh, Sacombank.

Chia sẻ với phóng viên, ông Huỳnh Thiên Phú - Giám đốc Trung tâm quản lý và Phát triển kinh doanh, Sacombank cho biết: "Chúng tôi có đội ngũ tư vấn cho doanh nghiệp tại các địa phương. Đối với lĩnh vực chuyển đổi số, chúng tôi có hợp tác với nhiều hiệp hội, trong đó có Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, với VISA, với các doanh nghiệp về fintech để có bộ giải pháp toàn diện cho doanh nghiệp, từ ứng dụng quản lý kế toán, tài chính cho đến các dịch vụ ngân hàng, giúp doanh nghiệp tối ưu việc giảm chi phí, giao dịch bất kể lúc nào".

Để hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, tại hội thảo, VINASME và VISA đã ký kết thỏa thuận hợp tác. Hai bên sẽ cùng hợp tác trong các dự án và hoạt động nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi số hoạt động thanh toán tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa một cách hiệu quả; đồng thời hợp tác hỗ trợ các hoạt động học tập và chia sẻ kiến thức nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nền kinh tế số.

Đây là một bước tiến quan trọng, không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trong môi trường kinh tế số hóa, mà còn đóng góp vào mục tiêu quốc gia về việc xây dựng nền kinh tế không dùng tiền mặt.

Bà Đặng Tuyết Dung - Giám đốc VISA Việt Nam và Lào khẳng định, doanh nghiệp nhỏ và vừa chính là trọng tâm của nền kinh tế đang phát triển tại Việt Nam. VISA tự hào cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua thách thức, tiếp cận các giải pháp thanh toán kỹ thuật số, từ đó thúc đẩy tài chính toàn diện.

Thông qua quan hệ hợp tác với VINASME, VISA cùng đối tác Sacombank và UrBox giới thiệu các giải pháp thanh toán và tài chính thiết yếu, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tối ưu hóa vận hành, phát huy tiềm năng và đóng góp vào nền kinh tế số. Visa mong muốn hỗ trợ mục tiêu số hóa của Chính phủ Việt Nam và cam kết thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số.

Hội thảo lần này không chỉ là dịp để các doanh nghiệp tiếp cận những giải pháp thanh toán hiện đại, mà còn là cơ hội để họ nhìn nhận lại tương lai của mình trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Việc thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức tài chính và doanh nghiệp sẽ là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa không chỉ tồn tại mà còn phát triển bền vững trong giai đoạn mới.

VINASME và VISA ký kết thỏa thuận hợp tác, qua đó cùng nhau hỗ trợ doanh nghiệp đón đầu xu hướng thanh toán số.
VINASME và VISA ký kết thỏa thuận hợp tác, qua đó cùng nhau hỗ trợ doanh nghiệp đón đầu xu hướng thanh toán số.

Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đến nay đã hoạt động 19 năm với nhiều thành công trên hầu hết các lĩnh vực công tác, được Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ghi nhận, đánh giá cao. Về địa vị pháp lý, Hiệp hội là tổ chức cấp quốc gia đại diện cho cộng đồng DNNVV cả nước (nơi chiếm đến 98% số lượng doanh nghiệp toàn quốc). Về quy mô và phạm vi hoạt động, Hiệp hội hiện có 30 đơn vị trực thuộc, 61 Hiệp hội/Hội Doanh nghiệp thành viên với tổng cộng trên 63,5 nghìn hội viên chính thức và hơn 100 hội viên liên kết.

Về quan hệ quốc tế, Hiệp hội đã có liên kết, hợp tác với 50 đối tác nước ngoài, trong đó đã ký Thỏa thuận hợp tác và Biên bản ghi nhớ với 38 tổ chức, tập đoàn kinh tế lớn. Có thể nói, các hoạt động tiếp xúc, làm việc của Hiệp hội cho đến nay luôn đạt hiệu quả cao và để lại ấn tượng rất tốt trong lòng bạn bè quốc tế.

Trong khi đó, VISA được nhiều người biết đến với vai trò kết nối các doanh nghiệp, ngân hàng và cơ quan Chính phủ tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Visa hỗ trợ thanh toán số giữa người tiêu dùng, đơn vị chấp nhận thanh toán, tổ chức tài chính, doanh nghiệp, đối tác chiến lược và cơ quan Chính phủ thông qua các công nghệ mang tính đổi mới.

Đầu năm 2024, Visa đã giới thiệu dự án “Tăng trưởng doanh nghiệp của tôi”, nâng cao năng lực kỹ thuật số, quản lý kinh doanh và tài chính cho các nữ doanh nhân DN nhỏ và siêu nhỏ. Năm 2023, Visa đã thúc đẩy số hóa cho 10 triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa ở châu Á - Thái Bình Dương. Quỹ Visa đã đầu tư hơn 47 triệu USD để hỗ trợ 2 triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ lãnh đạo và duy trì 500.000 việc làm. Gần đây, Quỹ đã cam kết hỗ trợ 100 triệu USD cho các nền kinh tế APEC trong vòng 5 năm tới.

Tin bài khác
Hiệp hội Nữ doanh nhân Hà Tĩnh: Khát vọng vươn xa

Hiệp hội Nữ doanh nhân Hà Tĩnh: Khát vọng vươn xa

Hiệp hội Nữ doanh nhân Hà Tĩnh đã thúc đẩy kết nối, quảng bá thương hiệu và sản phẩm của các doanh nghiệp nữ tới người tiêu dùng cả trong và ngoài tỉnh.
Câu lạc bộ Doanh nhân Nam Định tại TP.HCM: “Người Nam Định dùng hàng Nam Định”

Câu lạc bộ Doanh nhân Nam Định tại TP.HCM: “Người Nam Định dùng hàng Nam Định”

Đó là “tuyên ngôn” các hội viên doanh nhân Nam Định tại TP.HCM nói về việc hợp tác, chia sẻ kết nối trong việc hoạt động của Câu lạc bộ Doanh nhân Nam định tại TP.HCM.
Sắp diễn ra Chương trình gặp mặt “Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10: Doanh nhân Quảng Ninh - Vững vàng vượt sóng”

Sắp diễn ra Chương trình gặp mặt “Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10: Doanh nhân Quảng Ninh - Vững vàng vượt sóng”

Vào ngày 09/10, Hội DN trẻ tỉnh Quảng Ninh và Câu lạc bộ Đầu tư & Khởi nghiệp Quảng Ninh sẽ tổ chức Chương trình gặp mặt “Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10: Doanh nhân Quảng Ninh - Vững vàng vượt sóng”.
Câu lạc bộ Doanh nhân họ Nguyễn Hải Dương ra mắt Ban chấp hành lâm thời

Câu lạc bộ Doanh nhân họ Nguyễn Hải Dương ra mắt Ban chấp hành lâm thời

Câu lạc bộ Doanh nhân (CLB DN) họ Nguyễn Hải Dương đã chính thức ra mắt Ban chấp hành lâm thời và xây dựng kế hoạch tiến tới Đại hội khóa I, nhiệm kỳ 2004 - 2029.
Hội DN Hà Tĩnh phía Nam: Hướng tới sự phát triển toàn diện cho doanh nhân và quê hương

Hội DN Hà Tĩnh phía Nam: Hướng tới sự phát triển toàn diện cho doanh nhân và quê hương

Hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh phía Nam đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc kết nối cộng đồng doanh nhân Hà Tĩnh với chính quyền, doanh nghiệp, và xã hội địa phương.