Nhằm kịp thời chia sẻ với những mất mát người dân phải gánh chịu do cơn bão số 3 gây ra, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã có công văn gửi tới các doanh nghiệp bảo hiểm hội viên, đề nghị khẩn trương giải quyết trách nhiệm bảo hiểm, đồng thời khuyến khích tổ chức các đoàn từ thiện hoặc phối hợp với chính quyền để cùng đóng góp nguồn lực hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão.
Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Bùi Gia Anh cho biết, cơn bão số 3 (bão Yagi) đi qua Việt Nam đã gây ra thiệt hại về người và tài sản hết sức nghiêm trọng. Hiện, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã và đang tích cực chủ động liên hệ với chính quyền địa phương và các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm để thực hiện hỗ trợ nhân đạo và giải quyết nhanh chóng quyền lợi bảo hiểm.
Hiệp hội Bảo hiểm: Các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm hỗ trợ nạn nhân bão số 3. |
Với mục tiêu đặt khách hàng là trung tâm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm cần tiếp tục tích cực tăng cường công tác thẩm định và giải quyết quyền lợi một cách nhanh chóng, giúp người dân sớm khắc phục hậu quả.
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và doanh nghiệp bảo hiểm hội viên cũng đã nhận được công văn số 1202/QLBH-PNT ngày 9/9/2024 của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm về việc báo cáo tình hình thiệt hại và bồi thường bảo hiểm do cơn bão số 3 gây ra.
Theo đó Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm có đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm báo cáo tình hình thiệt hại và giải quyết quyền lợi bảo hiểm liên quan đến cơn bão số 3.
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam kính đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm lưu ý thực hiện theo các ý kiến chỉ đạo của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, gửi báo cáo thống kê về Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đúng thời hạn trong công văn, đồng thời gửi về Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam theo địa chỉ email [email protected] để Hiệp hội cùng nắm bắt và phối hợp trong các hoạt động truyền thông cũng như các công tác khác có liên quan.
Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tính đến 22h ngày 9/9, bão và hoàn lưu bão Yagi gây mưa lũ, sạt lở đất tại các tỉnh, thành phố miền Bắc đã làm 98 người chết, mất tích (58 người chết, 40 người mất tích). Trong đó, do bão là 12 người; do sạt lở đất và lũ quét 72 người; do lũ cuốn là 6 người; do sập cầu Phong Châu là 8 người. Cụ thể, tỉnh Cao Bằng có 17 người chết, 16 người mất tích; tỉnh Lào Cai 17 người chết, 12 người mất tích; tỉnh Quảng Ninh 8 người chết do bão, 1 người chết do lũ cuốn; TP Hải Phòng 2 người chết do bão; tỉnh Hải Dương 1 người chết do bão; Hà Nội 1 người chết do bão; Hòa Bình 4 người chết do sạt lở đất,... tỉnh Phú Thọ 8 người mất tích do sự cố sập cầu Phong Châu. Bão, lũ còn làm 746 người bị thương, trong đó tỉnh Quảng Ninh 536 người; Hải Phòng 81 người; Hải Dương 5 người; Hà Nội 10 người; Bắc Giang 5 người; Bắc Ninh 52 người; Lạng Sơn 10 người; Lào Cai 14 người; Yên Bái 4 người; Cao Bằng 12 người; Phú Thọ 5 người,... Ngoài ra, bão lũ còn làm 85 tàu thuyền các loại bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh và 148.170ha lúa, 25.649ha hoa màu, 11.038ha cây ăn quả bị thiệt hại; 1.577 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 1.107 gia súc, 678.945 gia cầm bị chết. |