Công điện nêu rõ, do ảnh hưởng của bão số 3, nên từ đêm 06/9 đến ngày 09/9/2024, các khu vực trong tỉnh Yên Bái có mưa to đến rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến từ 200 - 300 mm (có nơi trên 450mm). Tính đến 11h00’ ngày 09/9/2024 trên địa bàn tỉnh Yên Bái, mưa lũ, sạt lở đất đã làm 03 người thiệt mạng; ảnh hưởng, thiệt hại 5.687 nhà; 1.914 ha diện tích sản xuất nông, lâm nghiệp; trên 300 gia súc, gia cầm bị chết; gây sạt lở tuyến đường Quốc lộ 32, 37, 2D, đường tỉnh: 163, 164, 170, 173, 174, 175B và sạt lở các đường giao thông cơ sở; đổ gãy 23 cột điện và làm hư hỏng các công trình, cơ sở hạ tầng khác... Ước tính tổng thiệt hại khoảng 26 tỷ đồng.
Thực hiện Công điện số 89/CĐ-TTg ngày 09/9/2024 về việc tập trung khắc phục sự cố sập nhịp cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ và ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại các tỉnh miền núi, Trung du Bắc Bộ; Công điện số 17/VP-PCTT ngày 09/9/2024 của Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia về việc chủ động khắc phục hậu quả do mưa lớn, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất.
Tiếp theo các Công điện số 10/CĐ-UBND ngày 04/9/2024 và Công điện số 11/CĐ-UBND ngày 07/9/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời để chủ động ứng phó với thiên tai do ảnh hưởng hoàn lưu sau bão gây ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các nội dung sau:
- Giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình mưa, lũ, sạt lở, kịp thời chỉ đạo, triển khai khắc phục hậu quả theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
- Tập trung tổ chức khắc phục ngay các công trình giao thông bị hư hỏng, các điểm sạt lở, đảm bảo thông suốt; các công trình thủy lợi đảm bảo cho sản xuất; các công trình điện, nước sạch, các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục... đảm bảo đời sống nhân dân; có biện pháp khắc phục sản xuất các diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng.
- Thực hiện nghiêm việc trực ban 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (số điện thoại 0216.3852.708). Các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chấp hành nghiêm chế độ báo cáo như sau:
- Thời gian: 4 lần/ngày (Vào 6h; 10h; 15h và 17h).
- Nội dung báo cáo: Báo cáo tình hình thiệt hại (nêu rõ số liệu cụ thể công tác chỉ đạo khắc; nội dung khắc phục…, kiến nghị đề xuất).
Lưu ý báo cáo về tình hình giao thông: Sở Giao thông vận tải báo cáo các tuyến đường Quốc lộ, đường tỉnh; cấp huyện báo cáo đường liên thôn, xã, các tuyến đường do mình quản lý.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ tình hình thực tế và khả năng ảnh hưởng do mưa, lũ, sạt lở gây ra tại địa phương chủ động thông tin kịp thời, chỉ đạo, hướng dẫn người dân ứng phó với mưa, lũ, sạt lở, tập trung vào các nhiệm vụ:
- Kịp thời thăm hỏi hỗ trợ, động viên gia đình có người bị thiệt mạng, người bị thương và mất nhà, tài sản.
- Tiếp tục rà soát, di dời các hộ dân ở những khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt đến nơi an toàn (đặc biệt là các huyện Lục Yên; Văn Yên; Trấn Yên; Thành phố Yên Bái; Văn Chấn). Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị; các xã, phường, thị trấn cùng với nhân dân khẩn trương tìm quỹ đất xây dựng nhà mới cho số hộ dân bị mất nhà cửa, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống.
- Tiếp tục chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tổ chức kiểm tra, rà soát, cảnh báo những khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, sạt lở bờ sông, bờ suối, các công trình giao thông, thủy lợi có nguy cơ mất an toàn; thông báo đến các thôn bản và người dân biết để chủ động phương án phòng ngừa; nghiêm cấm mọi phương tiện và người dân đi qua nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; tuyên truyền, vận động nhân dân không đi lại, xúc cá, vớt củi khi có mưa lũ.
- Kiểm soát chặt chẽ, hướng dẫn, hỗ trợ đảm bảo giao thông tại các khu vực ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực có nguy cơ sạt lở, những cây cầu có nguy cơ mất an toàn..., kiên quyết không để người dân đi qua nếu không đảm bảo an toàn.
- Tổ chức lực lượng, phương tiện khẩn trương tìm kiếm người bị vùi lấp, mất tích tại các khu vực xảy ra sự cố; thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo ổn định đời sống cho các hộ dân bị ảnh hưởng do thiên tai.
- Khẩn trương rà soát, thống kê toàn bộ thiệt hại do đợt mưa lũ gây ra, kịp thời đề xuất và tổ chức thực hiện các giải pháp khắc phục.
- Đối với các công trình thi công trên các tuyến đường bộ đang khai thác, yêu cầu các Chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu bố trí cán bộ, máy móc, thiết bị túc trực tại các khu vực tiềm ẩn nguy cơ sụt trượt, sạt lở mái taluy nền đường; đặt biển cảnh báo chỉ dẫn, rào chắn, kịp thời khắc phục, xử lý sự cố đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, không để ách tắc kéo dài.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu:
- Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, cảnh báo để các đơn vị trường học chủ động, sẵn sàng các phương án để ứng phó với tình hình mưa lũ, nhất là các trường học nằm ở khu vực gần đồi, núi, sông, suối, taluy... có nguy cơ cao xảy ra thiên tai; tùy tình hình thực tế của từng địa phương chủ động cho học sinh đi học (nếu đảm bảo điều kiện học tập an toàn) hoặc tiếp tục nghỉ học để phòng tránh. Khẩn trương khắc phục hậu quả sau mưa lũ, sửa chữa các công trình bị hư hỏng, vệ sinh trường lớp, tiêu độc, khử trùng; tuyên truyền vận động học sinh ra lớp đảm bảo số lượng, không để học sinh bỏ học, nhất là các học sinh thuộc gia đình bị ảnh hưởng do mưa lũ.
- Sở Y tế tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong và sau mưa lũ trên địa bàn tỉnh. Bảo đảm nhân lực, phương tiện, máy móc, thuốc, vật tư, hóa chất; tổ chức kiểm tra, giám sát và hỗ trợ triển khai công tác vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước ăn uống, sinh hoạt, phòng chống dịch bệnh và thực hiện các hoạt động phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả sau thiên tai.
- Các sở, ngành theo chức năng được giao chủ động phối hợp với các địa phương tổ chức đánh giá thiệt hại, khắc phục thiệt hại sớm nhất để ổn định đời sống nhân dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc các đơn vị: Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh; Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh và các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện nghiêm túc nội dung Công điện này.
P.V (T/h)