Việt Nam tỏa sáng giữa toàn cầu u ám

11:44 03/02/2021

Lịch sử sẽ ghi nhớ 2020 là năm Đại dịch Covid-19 gây thiệt hại kinh tế và gián đoạn xã hội trên toàn thế giới với tốc độ, quy mô và mức độ nghiêm trọng, Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó, đồng thời còn chịu sự tàn phát từ thiên tai bão lũ.

Tuy nhiên, giữa bức tranh toàn cầu u ám, Việt Nam là điểm sáng nhất trong việc đẩy lùi dịch bệnh và phát triển kinh tế. Cũng như nhiều người con sinh sống và làm việc tại nước ngoài luôn hướng về quê hương, đất nước, nhất là dịp Tết đến xuân về, Tiến sĩ Trần Duy Nam, hiện đang sống và làm việc tại Hoa Kỳ đánh giá rất cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện “mục tiêu kép” cũng như những đóng góp của cộng đồng người Việt ở nước ngoài cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Dưới đây là bài viết của Tiến sĩ Trần Duy Nam gửi riêng cho Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập. 

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, trái và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cử chỉ bằng khuỷu tay trước cuộc họp tại Hà Nội, Việt Nam, thứ Sáu, ngày 30 tháng 10 năm 2020. Pompeo đang kết thúc chuyến công du châu Á chống Trung Quốc tại Việt Nam như cuộc đua tranh cử tổng thống Mỹ khốc liệt bước vào giai đoạn cuối cùng
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, trái và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cử chỉ bằng khuỷu tay trước cuộc họp tại Hà Nội, Việt Nam, thứ Sáu, ngày 30 tháng 10 năm 2020. Pompeo đang kết thúc chuyến công du châu Á chống Trung Quốc tại Việt Nam như cuộc đua tranh cử tổng thống Mỹ khốc liệt bước vào giai đoạn cuối cùng.

Năm 2020 đã để lại cho thế giới với biết bao sự kiện tiêu cực mà có lẽ nhiều người dân trên toàn cầu sẽ xem là một trong những năm ảm đạm nhất và đáng quên nhất. Với người dân Hoa Kỳ năm 2020 có nhiều sự kiện nổi bật như cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung leo thang khi chính quyền dưới thời Tổng thống Donald Trump tiếp tục cứng rắn với chính quyền Bắc Kinh trong lĩnh vực thương mại, công nghệ và quân sự ở Biển Đông. Tuy nhiên, điểm tối nhất của Hoa Kỳ trong năm 2020 chính là Đại dịch Covid-19 đã lây lan khắp nước Mỹ khi tổng số người mắc bệnh trên 24 triệu người và hơn 400 ngàn người qua đời, biến nước Mỹ trở thành quốc gia đứng đầu thế giới với số ca mắc bệnh và tử vong do Covid-19 gây ra. Hơn nữa, các cuộc biểu tình chống nạn phân biệt chủng tộc và cuộc bầu cử Tổng thống nhiệm kì 2021-2024 đã làm cho nước Mỹ có rất nhiều xáo trộn với sự chia rẽ sâu sắc trong lòng nước Mỹ. Những cuộc biểu tình dẫn đến bạo loạn ở Tòa nhà Quốc hội và Thủ đô Washington DC phải ban bố lệnh giới nghiêm trong những ngày ông Joe Biden nhậm chức. Một loạt các sự kiện tiêu cực đã dẫn đến sự bất an cho người dân Hoa Kỳ và đó cũng là cho bức tranh đen tối nhất của Hoa Kỳ trong thời điểm hiện nay. Hoa Kỳ là Quốc gia chịu hậu quả nặng nề nhất bởi Đại dịch Covid-19. Những cường quốc như Mỹ, Canada, Brazil, các nước châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và đặc biệt là Trung Quốc, nơi khởi nguồn của ổ dịch Covid-19 cũng phải chịu hậu quả rất nghiêm trọng từ nền kinh tế đến chất lượng cuộc sống khi người dân luôn trong cảnh bất an do bệnh dịch, việc này sẽ còn tiếp diễn cho đến khi nào có đầy đủ Vaccine để tiêm chủng toàn cầu. Điểm sáng cho Việt Nam so với các nước trên thế giới là tỉ lệ mắc dịch bệnh Covid khá thấp. Theo thống kê của Worldometers ngày 19/01/2021, thế giới có 96.426.703 người mắc Covid-19 và 2.059.766 người đã qua đời do căn bệnh này, nhưng Việt Nam với gần 98 triệu dân lại chỉ có 1,540 người mắc bệnh, đã phục hồi 1,402 người và tử vong 35 người. Những người mắc bệnh tại Việt Nam đa phần có nguồn gốc từ nước ngoài nhập cảnh qua các chuyến bay cũng như dòng người nhập cảnh qua đường biên giới. Tuy nhiên, hiện nay những con đường lây lan dịch bệnh này đã được Chính phủ Việt Nam siết chặt và quản lý một cách nghiêm ngặt. Chiến dịch chống Covid-19 như chống giặc được Chính phủ và nhân dân Việt Nam đồng lòng thực hiện một cách nghiêm túc, triệt để, đã góp phần hạn chế tối đa sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Điều này giúp cho Việt Nam là một trong ít quốc gia trên thế giới được xem là điểm sáng nổi bật trong công tác phòng chống Đại dịch Covid-19, giúp cuộc sống người dân trở lại sinh hoạt bình thường và năng động mà ngay cả nhiều cường quốc trên thế giới có lẽ khao khát được như Việt Nam.

Những cơn bão đã gây ra lũ lụt lịch sử ở miền Trung vào những ngày đầu tháng 10 đến những ngày đầu tháng 12 năm 2020 được đặt mức báo động IV, thuộc về cấp bậc thiên tai nguy hiểm, làm ảnh hưởng sâu rộng, gây thiệt hại toàn khu vực và đẩy lùi sự phát triển của nền kinh tế - xã hội miền Trung Việt Nam. Tuy nhiên, với sự đồng lòng của Chính phủ và toàn dân, cùng tấm lòng tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của nhân dân Việt Nam đã chung tay góp phần khắc phục những hậu quả do cơn lũ lụt lịch sử gây ra. Người dân miền Trung đã vượt qua cơn hoạn nạn, dần trở lại cuộc sống bình thường, ổn định chính trị xã hội và lòng dân. Đây cũng được xem là điểm sáng cho sự kiên cường, bất khuất và sự đoàn kết đồng lòng của toàn dân Việt Nam. Về bức tranh nền kinh tế, năm 2018 GDP Việt Nam đạt 7,08%, vượt qua dự báo của Ngân hàng Thế giới ở mức 6,8% và lập kỷ lục cao nhất kể từ năm 2008. Với GDP năm 2018 này, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn cả Trung Quốc (6,5%), Philippines (6,3%), Indonesia (5,2%), Malaysia (4,8%), Thái Lan (4,1%), Singapore (3,2%), Hàn Quốc (2,8%) và Nhật Bản (1,9%). 10 năm trở lại đây, Việt Nam cũng có nhiều người giàu và xuất hiện giới “siêu giàu”. Knight Frank’s Wealth Report (www.knightfrank.com/wealthreport) đã công bố nhóm “người siêu giàu” sở hữu tài sản từ 30 triệu USD (tương đương 700 tỷ đồng) trở lên tại Việt Nam thuộc top tăng nhanh hàng đầu thế giới và tính đến cuối năm 2018, Việt Nam có 142 người sở hữu tổng tài sản 30 triệu USD trở lên, tăng 7 người so với năm 2017. 

Đoàn Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (US-ABC) gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Đoàn Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (US-ABC) gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Tạp chí Forbes công bố năm 2017 Việt Nam có 2 tỉ phú góp mặt vào danh sách tỉ phú thế giới và năm 2018 có 4 tỉ phú nằm trong danh sách giàu nhất thế giới. Ngày 05/03/2019, Tạp chí Forbes đã công bố danh sách tỉ phú thế giới năm 2019 công nhận và xếp hạng Việt Nam có 5 tỉ phú USD. Những tỉ phú này là ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup với tài sản ròng 6,6 tỉ USD, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Đồng sáng lập và Chủ tịch Sovico Holdings (cổ đông lớn của VietJet và HDBank), Tổng Giám đốc Vietjet kiêm Phó Chủ tịch HDBank với tài sản 2,3 tỉ USD. Xếp thứ 3 là ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank với tài sản ròng 1,7 tỉ USD, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Trường Hải (THACO) với tài sản1,7 tỉ USD và xếp thứ 5 là ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan Group với tài sản 1,3 tỉ USD.

Cũng theo Forbes công bố năm 2019, Việt Nam tiếp tục có 5 tỉ phú USD, 7 công ty nằm trong danh sách 200 công ty có doanh thu hơn 1 tỉ USD, tốt nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ngoài ra, Knight Frank dự báo trong 5 năm (2018-2023), số người siêu giàu của Việt Nam sẽ tăng khoảng 28% và Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng số lượng người giàu hàng đầu thế giới.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê Việt Nam, năm 2019 tỷ lệ nợ công là 55% GDP và nợ công năm 2020 là 56,8% GDP, đây được xem là có sự ổn định kinh tế vĩ mô cũng như cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia. Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam năm 2020 chỉ đạt 2,91% với kim ngạch xuất khẩu là 281,5 tỷ USD, nhập khẩu 262,4 tỷ USD và Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là 3,23%. Mặc dù, GDP năm 2020 rất thấp so với tốc độ GDP của Việt Nam trong hàng chục năm qua, nhưng việc có tốc độ tăng trưởng dương trong khi nền kinh tế thế giới đang bị khủng hoảng được xem là thành quả to lớn của Việt Nam trong thời điểm hiện nay, thậm chí được xem là nhóm dẫn đầu trên thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020.

Điểm sáng của Việt Nam từ nhiều mặt so với tình hình thế giới đang khủng hoảng là hoàn toàn nhờ vào sự nghiêm túc, quyết tâm phòng chống dịch bệnh Covid-19 của chính phủ và nhân dân Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cũng đã áp dụng những chính sách phù hợp để duy trì và thúc đẩy nền kinh tế chống chọi với đại dịch. Điển hình như sử dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ để tháo gỡ khó khăn cho khu vực tư nhân, tăng giải ngân đầu tư công sau nhiều năm thắt chặt tài khóa và thúc đẩy môi trường kinh doanh. Thực tế nền tảng của kinh tế Việt Nam trong vòng một thập kỉ qua trước khi Đại dịch Covid-19 bùng phát là rất tốt. Hơn nữa, với thành quả chống dịch hiểu quả, đất nước ổn định và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã làm cho các nhà đầu tư nước ngoài chuyển hoạt động đầu tư, sản xuất sang thị trường Việt Nam. Dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào cùng với kim ngạch xuất khẩu tăng đã bù đắp cho lượng ngoại tệ thu hẹp vì thất thu từ nguồn du lịch và nguồn kiều hối suy giảm. Bên cạnh đó, ngoài các Hiệp định Thương mại tự do đã được ký kết trước đây thì Việt Nam cũng đã thành công lớn trên trường quốc tế khi chính thức ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) ký ngày 15/11/2020, đây được xem là Hiệp định Thương mại tự do đa phương với quy mô lớn thứ 3 cùng với Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) cùng Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng làm cho Việt Nam được xem là một trong những quốc gia nổi bật tích cực tại châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng. 

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J Kritenbrink (trái) nhận biểu tượng tượng trưng cho quà tặng là khẩu trang của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, từ Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J Kritenbrink (trái) nhận biểu tượng tượng trưng cho quà tặng là khẩu trang của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, từ Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Với những lợi thế và thành quả đạt được bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Việt Nam kì vọng sẽ khởi sắc hơn sau khi thế giới có Vaccine Covid-19 để cuộc sống toàn cầu trở lại bình thường. Các nguồn vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam sẽ tăng cao, hoạt động kinh doanh, sản xuất, dịch vụ và xuất nhập khẩu sẽ được đẩy mạnh hơn. Lúc đó, có thể Việt Nam tiếp tục trở thành một Quốc gia có nền kinh tế năng động, phát triển nằm trong Top những quốc gia có tăng trưởng hàng đầu châu Á. Chính những điều này nên trong kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế là 6,5% và quy mô GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 3,700 USD vào năm 2021 so với GDP bình quân đầu người năm 2020 của Việt Nam là 2,750 USD. Đây được xem là chỉ tiêu tăng trưởng GDP sẽ có nhiều thách thức để đạt được nhưng cũng cho thấy rằng sự tự tin và lòng quyết tâm để đạt những thành tựu nổi bật hơn của nền kinh tế trong năm mới của Chính phủ và nhân dân Việt Nam.

Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu, trong khi lượng Vaccine chưa đủ để tiêm chủng trên toàn thế giới. Hơn nữa, nền chính trị Hoa Kỳ vẫn chưa đi vào sự ổn định và những chính sách của ông Joe Biden trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hiện vẫn chưa rõ ràng nên kết quả cục diện chưa biết sẽ ra sao. Trong khi đó, tình hình ở Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp. Do đó, khả năng dịch bệnh còn kéo dài và tình hình thế giới vẫn chưa thấy bức tranh ổn định nên sẽ ẩn chứa những tiềm tàng, rủi ro cho nền kinh tế Việt Nam. Theo quan điểm của tôi, Chính phủ cần có những sẵn phương án, giải pháp đề phòng cũng như không thể bỏ qua một kịch bản phải chịu tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn như kì vọng. Hơn nữa, Việt Nam cần xử lý những thách thức về khí hậu và môi trường một cách nghiêm túc để đẩy lùi sự ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn cũng như hạn chế tối đa những thảm họa của thiên tai gây ra như đợt lũ lụt lịch sử ở Miền Trung năm 2020. Việt Nam cũng cần phải cải cách mạnh mẽ hơn về môi trường kinh doanh, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy phát triển nền kinh tế số, đẩy mạnh chống tham nhũng và nâng cao hiệu quả đầu tư công. Tăng cường hợp tác quốc tế và có các chiến lược phù hợp để cạnh tranh với Trung Quốc ở lĩnh vực kinh tế cũng như các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Những điều này nếu thực hiện tốt sẽ góp phần nền kinh tế Việt Nam vượt qua cơn khủng hoảng toàn cầu và tiếp tục là điểm sáng nổi bật về tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị xã hội so với châu Á nói riêng và thế giới nói chung.

Hiện nay, khoảng hơn 5,3 triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó đông nhất là tại Hoa Kỳ với hơn 2 triệu người. Theo thống kê của Ngân hàng thế giới (The World Bank), trong năm 2019 lượng kiều hối do người Việt hải ngoại gửi về cho thân nhân trong nước ước tính 16,7 tỷ USD tương đương khoảng 6,6% GDP của Việt Nam. Năm 2020 lượng kiều hối gửi về là 15,68 tỷ USD, tương đương khoảng 5,8% GDP của Việt Nam. Nguyên nhân kiều hối năm 2020 giảm hơn 1 tỷ USD so với năm 2019 là do sự tác động của Đại dịch Covid-19 khi hàng loạt người lao động Việt Nam ở hải ngoại mất việc làm cũng như những vấn đề khác do Covid-19 gây ra. Cũng theo Ngân hàng thế giới thống kê, Việt Nam đứng thứ 3 chỉ sau Philippines, Trung Quốc ở khu vực châu Á và đứng thứ 9 trên thế giới nhận số tiền kiều hối hàng năm (ngoại tệ gửi về Việt Nam hàng năm). Theo Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh, mỗi năm có khoảng 30.000 người Việt trẻ ở nước ngoài về thăm quê hương cũng như tìm kiếm các cơ hội kinh doanh, khởi nghiệp và làn sóng kiều bào về quê hương khởi nghiệp càng trở nên mạnh mẽ trong những năm gần đây. Tính đến tháng 10/2020, kiều bào từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có 362 dự án FDI tại Việt Nam với vốn đăng ký là 1,6 tỷ USD. Khi Đại dịch Covid-19 xảy ra, kiều bào đã chung tay quyên góp 35 tỷ VNĐ và nhiều vật tư y tế, trang thiết bị trong việc phòng chống dịch bệnh trong nước cũng như ủng hộ hơn 34 tỷ đồng và nhiều trang thiết bị, hàng hóa khác qua các hiệp hội, đoàn thể của người Việt Nam ở hải ngoại để hỗ trợ cho đồng bào bị bão lụt ở miền Trung khắc phục hậu quả. Do đó, người Việt hải ngoại có vai trò cũng rất quan trọng trong việc chung tay xây dựng và phát triển đất nước.Trong đó, Việt kiều Mỹ có thể tiếp tục quay về Việt Nam để khởi nghiệp, đầu tư, kinh doanh nhiều nhất, chưa kể là những Việt kiều có tuổi sẽ hồi hương để ổn định cuộc sống tại quê nhà. Điều này sẽ góp phần thu hút lượng kiều hối vào Việt Nam tăng cao, thúc đẩy phát triển nền kinh tế Việt Nam. Cộng đồng Việt kiều mong muốn Chính phủ cần có những chính sách tích cực, cởi mở, thông thoáng, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư cũng như giải quyết dứt điểm các thủ tục hành chính rườm rà, chậm chạp nhằm tạo động lực thu hút kiều bào hướng về quê hương chung tay xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam giàu mạnh, thịnh vượng.

Ts. Trần Duy Nam (viết từ Hoa Kỳ)