Thị trường livestream Việt Nam chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ

10:01 26/04/2024

Số liệu từ nền tảng Cốc Cốc cho thấy, khoảng 77% người tham gia khảo sát đã từng xem livestream bán hàng, trong đó có đến 71% người có mua hàng trong phiên livestream.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Thị trường livestream Việt Nam chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về cả số lượng và chất lượng. Bình quân mỗi tháng đang có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream, với sự tham gia của hơn 50.000 nhà bán hàng.

Tại tại Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2024, bà Lê Minh Trang, Bộ phận Nghiên cứu bán lẻ NielsenIQ cho hay, theo kết quả khảo sát vừa thực hiện, lượng người mua qua thương mại số là 60 triệu người. Mỗi ngày có 3,5 triệu lượt truy cập vào các trang thương mại điện tử. Số người mua sắm qua internet hằng tuần ở Việt Nam đạt vị trí thứ 11 toàn cầu, 90% người tiêu dùng có ý định duy trì và tăng sử dụng sàn thương mại điện tử trong mua sắm.

Thông tin từ AccessTrade Việt Nam cũng cho thấy, ba nền tảng livestream bán hàng phổ biến nhất tại Việt Nam là Facebook (31,9%), Shopee (30,9%) và TikTok (17,2%). Còn số liệu từ nền tảng Cốc Cốc cho thấy, khoảng 77% người tham gia khảo sát đã từng xem livestream bán hàng, trong đó có đến 71% người có mua hàng trong phiên livestream.

Lý giải về xu hướng đang tăng trưởng mạnh mẽ này, bà Lê Minh Trang chỉ ra những thế mạnh của phương thức livestream bán hàng. Đầu tiên phải kể đến thế mạnh lớn nhất của livestream, đó là người mua hàng có thể dễ dàng tương tác với người bán để biết thêm thông tin (chất liệu, tính năng...). Cũng trong các buổi livestream, người mua hàng sẽ có thể quan sát chi tiết và kỹ càng hơn về các sản phẩm mình đang quan tâm.

Ngoài ra, một yếu tố khá phổ biến của các buổi livestream hiện nay chính là yếu tố giải trí, 78% khách hàng cho biết, họ thấy vui và thư giãn khi xem các buổi livestream bán hàng trên nền tảng như TikTok Shop, Shopee,...

Trong quý 1/2024, người Việt chi "mạnh tay" hơn cho mua sắm trực tuyến. Tính chung 5 sàn thương mại lớn tại Việt Nam gồm Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop và Sendo, doanh thu bán lẻ quý 1/2024 cán mốc 71.200 tỷ đồng, tăng 78,69% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu từ Metric.

Một minh chứng rõ nét, tháng 12/2023, UBND TP HCM phối hợp với TikTok tổ chức chương trình livestream tại Chợ Bến Thành, đạt doanh thu hàng hóa qua livestream (GMV) lên đến 4 tỷ đồng chỉ trong 5 ngày phát trực tuyến.

Thị trường livestream Việt Nam chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về cả chất và lượng. Trong đó, shopping livestream (mua sắm qua livestream) đang là hình thức phổ biến nhất trong các loại hình livestream hiện nay, chiếm tới 62%.

Vậy, doanh nghiệp nên lưu ý điều gì trước khi triển khai hoạt động livestream bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử?

Theo NIQ, một trong những yếu tố giúp việc livestream bán hàng diễn ra hiệu quả, đó là việc xây dựng kết nối chân thực với người mua hàng bằng cách tận dụng sức mạnh của những người có ảnh hưởng (Influencer, KOL/KOC,...). Khoảng 50% số người được hỏi cho biết, quyết định mua hàng của họ bị ảnh hưởng bởi những KOL/KOC.

Những người có tầm ảnh hưởng này cần có những đặc điểm như: Có kiến thức về các ngành hàng, sản phẩm; thể hiện được giá trị cốt lõi mang đến cho người tiêu dùng (độ tin cậy, uy tín của KOL/KOC); nội dung truyền tải thông điệp phù hợp và sáng tạo; cách thức giao tiếp và thể hiện cá tính riêng phải thân thiện với người tiêu dùng.

Để tạo sự tăng trưởng bền vững cho thương mại điện tử, Tổng giám đốc Ecomstone Việt Nam Trần Quý Hiến kiến nghị, doanh nghiệp cần nêu bật dấu ấn giá trị và đặc thù riêng có của sản phẩm hàng Việt. Trong đó, quan trọng là quảng bá sản phẩm thông qua những câu chuyện gắn với nét đặc sắc, những di sản của mỗi vùng quê, địa danh và phát triển các sản phẩm riêng có của Việt Nam nhằm thu hút người mua quốc tế.

"Mỗi sản phẩm cần có một câu chuyện - từ nguồn gốc, cách làm, cho đến tình yêu với sản phẩm để kể với người tiêu dùng trong và ngoài nước, như vậy chắc chắn sẽ bán được hàng," ông Hiến nói thêm.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần xây dựng tên miền ".vn" làm cơ sở cho nhận diện thương hiệu số, đồng thời cũng là yếu tố quyết định trong việc tạo dựng niềm tin, bảo đảm an toàn cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Tuấn Anh (t/h)

Tags: