Vay ngân hàng mua bất động sản trong giai đoạn lãi suất thấp: Nên hay không?

15:49 02/05/2024

Hiện nay, lãi suất vay ngân hàng đang ở mức rất thấp, nhiều người đã đặt câu hỏi có nên mua bất động sản hay không? Nhưng nên vay ngân hàng để mua hay không đâu chỉ dựa trên mức lãi suất hiện tại mà còn phải xem xét nhiều yếu tố khác.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Trong giai đoạn lãi suất thấp mang lại cơ hội để mua bất động sản với mức lãi suất vay thấp hơn. Điều này giúp tiết kiệm chi phí lãi suất trên thời gian vay dài, đồng thời giảm gánh nặng tài chính đối với người vay.

Trong đó, với lãi suất thấp, khả năng vay mua bất động sản sẽ tăng lên. Người mua có thể vay được số tiền lớn hơn và có cơ hội sở hữu căn nhà, căn hộ hoặc tài sản đầu tư khác mà trước đây có thể không đạt được. Nếu mục tiêu của bạn là đầu tư bất động sản trong tương lai dài hạn, việc vay ngân hàng trong giai đoạn lãi suất thấp có thể mang lại lợi ích lớn. Bất động sản thường tăng giá trị theo thời gian, và việc sử dụng vốn vay để mua sẽ tạo ra lợi nhuận trong tương lai.

Tuy nhiên, việc vay ngân hàng mua bất động sản cũng có những rủi ro và hạn chế cần phải xem xét. Đầu tiên, mức lãi suất có thể tăng lên trong tương lai, điều này có thể làm tăng chi phí trả nợ hàng tháng của bạn. Nếu không có kế hoạch tài chính phù hợp hoặc không đủ khả năng chịu đựng sự gia tăng này, bạn có thể gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ.

Thứ hai, mặc dù bất động sản có thể tăng giá trị theo thời gian, nhưng cũng có thể xảy ra tình huống giảm giá đột ngột hoặc suy thoái thị trường bất động sản. Trong trường hợp này, bạn có thể gặp khó khăn trong việc bán hoặc tái tài trợ bất động sản.

Thứ ba, việc vay ngân hàng đòi hỏi bạn phải có khả năng trả nợ và tình hình tài chính ổn định. Nếu bạn không có một nguồn thu nhập đáng tin cậy hoặc gặp khó khăn trong việc quản lý tài chính cá nhân, việc vay ngân hàng có thể tạo ra thêm áp lực và rủi ro tài chính cho bạn.

Theo giới chuyên gia, việc vay ngân hàng mua bất động sản trong giai đoạn lãi suất thấp có những lợi ích như tiết kiệm chi phí lãi suất, tăng khả năng sở hữu bất động sản và đầu tư lâu dài. Tuy nhiên, cần xem xét cẩn thận các rủi ro như tăng cao lãi suất, giảm giá trị bất động sản và tình hình tài chính cá nhân trước khi quyết định vay ngân hàng. Để đưa ra quyết định cuối cùng, bạn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia tài chính và xem xét tổng thể tình hình tài chính và mục tiêu đầu tư của bạn.

Ảnh minh họa
Ông Ngô Đăng Hoan – Phó Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân, PVcombank (Ảnh: Phan Chính)

Liên quan đến vấn đề này, ông Ngô Đăng Hoan – Phó Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân, PVcombank cho rằng, về tín dụng, người dân thường quan tâm tới gói cho vay mua nhà dành cho khách hàng cá nhân. Thời gian vừa rồi, các ngân hàng thương mại đã tung ra hàng loạt chương trình ưu đãi mua nhà ở tại các dự án với đa dạng kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng, 18 tháng, 36 tháng…

Theo ông Hoan, lãi suất ở thời điểm hiện tại cũng rất hấp dẫn, bên cạnh gói hỗ trợ 0% trong vài tháng đầu (không phổ biến) thì lãi suất cố định ban đầu thường ở mức 3,99 - 8,99%. Điều này làm “mềm” áp lực trả lãi trong thời gian vay ban đầu để khách hàng dễ dàng chấp nhận hơn. Các ngân hàng cũng đang phải cạnh tranh, tìm khách, chào các chủ đầu tư các gói ưu đãi theo đúng chính sách “may đo” để phù hợp với chính sách bán hàng của họ. Hiện nay, nhiều chủ đầu tư đang dùng kỳ hạn hỗ trợ lãi suất 12 tháng và 18 tháng nhất để thu hút khách hàng mua nhà. Thời gian hỗ trợ lãi suất này gắn liền với chính sách lãi suất ngân hàng vì thời gian này, ngân hàng đi cùng các chủ đầu tư, do đó, mặt bằng lãi suất rất hấp dẫn.

“Tuy nhiên, ngân hàng điều hành lãi suất cũng theo giá thị trường và phải bảo đảm biên thu nhập thuần để đáp ứng chỉ tiêu giao kế hoạch của cổ đông, đảm bảo mục tiêu thu nhập của các đơn vị kinh doanh,… nên lãi suất cho vay mua nhà sau ưu đãi sẽ được thả nổi, bằng lãi suất cơ sở cộng biên độ (dự phòng chung 0,15%, chi phí vận hành 1-1,5; biên lợi nhuận thuần 1-1,5….). Lãi suất cơ sở cấu thành từ chi phí vốn của ngân hàng cộng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, cộng tỷ lệ biên lợi nhuận nội bộ và được thả nổi theo kiểu “nước nổi thì bèo nổi”. Đây là những yếu tố quyết định mức lãi suất cho vay của ngân hàng (hiện vẫn còn cao) chứ không phải lợi nhuận. Nhiều ý kiến đề xuất ngân hàng giảm lợi nhuận để lãi suất giảm nhưng bản chất không nằm ở lợi nhuận. Ngân hàng nào có mặt bằng huy động lãi suất dân cư hoặc có vốn không kỳ hạn dồi dào thì có lợi thế hơn trong việc giảm lãi suất cho vay phần sau ưu đãi”, Phó Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân, Pvcombank nói.

Cũng theo ông này, hiện, mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà sau ưu đãi hiện nay đang ở mức 9,5-12,5%. Ngân hàng đang dư thừa nguồn vốn, PVcomBank cũng như nhiều ngân hàng thương mại khác rất muốn cho vay, nhưng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn đang yếu. Các ngân hàng thương mại nếu có cơ hội giảm lãi suất thì sẽ giảm để thu hút khách hàng và cho vay, nhằm đảm bảo doanh thu, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn đã huy động.

“Chúng tôi luôn xác định nhóm khách hàng mục tiêu cho vay mua nhà là nhóm khách hàng trọng tâm. Ngay cả trong thời điểm thị trường khó khăn nhất, chúng tôi vẫn luôn đồng hành, lắng nghe để hỗ trợ cả chủ đầu tư và khách hàng mua nhà”, ông Hoan nói thêm.

Hoàng Nguyên