Trong “tâm bão” dịch cúm virus Corona: Bức tranh “u ám” của những nền kinh tế nghìn tỷ USD

00:00 12/10/2020

Dịch cúm virus Corona bùng phát khiến Trung Quốc – nền kinh tế sở hữu GDP 10,4 nghìn tỷ USD (năm 2019) điêu đứng. Kéo theo đó, đồng thời sẽ là những hệ lụy khủng khiếp cho các thị trường lân cận như Nhật Bản, Đài Lan, Hàn Quốc... Những dự báo kinh tế thế giới năm 2020, cùng vì thế trở nên cực kỳ ảm đạm.

 Đại dịch cúm virus Corolla khiến kinh tế Trung Quốc và nhiều nước khác ảnh hưởng nặng nề

Xô đổ ngành du lịch và vận tải

Các lĩnh vực đầu tiên bị ảnh hưởng từ đại dịch Corona là vận tải và du lịch. Thay vì chứng kiến khoản lợi nhuận khổng lồ dịp năm mới, nhiều chuyến bay và đặt phòng khách sạn đã bị hủy ở Trung Quốc và trên khắp khu vực châu Á, nơi phụ thuộc nhiều vào sự chi tiêu của khách du lịch Trung Quốc. Tất cả các hãng hàng không đã thu hẹp dịch vụ, đơn cử như Cathay Pacific đã lên kế hoạch cắt giảm một phần ba số chuyến bay trong Quý I và đã khuyến khích nhân viên nghỉ phép nhiều tuần không được trả lương. Ngành hàng không không những phải hủy nhiều chuyến bay, mà còn phải đối mặt với hàng loạt chi phí phòng tránh dịch bệnh cũng như tâm lý lo lắng của khách hàng chưa biết khi nào kết thúc.

Chuyên gia kinh tế Neil Shear cho biết, lượng dịch chuyển tại Trung Quốc đã giảm 55% so với thời điểm năm mới âm lịch năm 2019, và nhiều địa chỉ du lịch sẽ chịu tổn thất lớn chừng nào lệnh cấm du lịch vẫn đang được áp dụng lên khách Trung Quốc. Cụ thể hơn, khách du lịch Trung Quốc đã thực hiện 173 triệu chuyến đi trong 12 tháng tính đến hết tháng 9 năm ngoái, và đã chi tiêu hàng chục tỷ USD cho du lịch – nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Các chuỗi cung ứng đóng băng

 Du lịch chỉ là khởi đầu. Toàn bộ chuỗi cung ứng - ô tô, điện tử, công nghiệp - đang bắt đầu dao động. Các công ty vận chuyển đang báo cáo giảm mạnh khối lượng container. Trung Quốc cũng có một thị trường nội địa khổng lồ về bán lẻ và thực phẩm và đồ uống. Một chỉ số thực sự gây chấn động vào tuần trước, chính là giá cà phê. Chỉ riêng Starbucks đã phải đóng cửa một nửa trong tổng số 4.200 cửa hàng tại Trung Quốc bởi dịch bệnh. Có một thực tế là khi các doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống phải dừng hoạt động quá lâu, thì chi phí thuê mặt bằng sẽ nhanh chóng trở thành một vấn đề lớn và có thể buộc doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động sớm. Nhiều tập đoàn đa quốc gia đang dựa vào các nhà cung cấp có trụ sở tại Trung Quốc. Ví dụ, 290 trên tổng số 800 nhà cung cấp của Apple có trụ sở tại Trung Quốc và quốc gia này chịu trách nhiệm cho 9% sản lượng TV toàn cầu. Theo chỉ số DHL’s Resilience 360, 50% hoạt động công nghiệp sản xuất tại Vũ Hán có liên quan đến công nghiệp ô tô và chiếm 25% nguồn cung cấp công nghệ trong khu vực.

Thái Lan có thể mất đến 30% lượng khách du lịch

Nhiều doanh nghiệp ô tô ở châu Âu và Mỹ đang cảnh báo họ chỉ còn vài tuần nữa là thiếu nguyên liệu sản xuất. Hyundai cũng đã ngừng hoạt động tại Hàn Quốc vì thiếu các bộ phận nhập từ Trung Quốc. Các doanh nghiệp khác bị thiệt hại có thể kể đến Corning – nhà sản xuất kính cường lực nổi tiếng đến từ Mỹ, với hơn 19 nhà máy trên khắp đại lục cùng hơn 5.000 nhân viên bản địa. Corning cũng vừa đầu tư 1 tỷ USD vào dây chuyền sản xuất kính đen mới phục vụ các màn hình LCD.

 Thị trường chứng khoán “đỏ lửa”

Các thị trường chứng khoán châu Á đã trải qua những ngày ảm đạm, với sụt giảm sớm ngay phiên đầu tuần sau Tết Nguyên đán do sự lao dốc của các cổ phiếu ngành bán lẻ, dịch vụ tiêu dùng và vận tải, trước khi phục hồi với hy vọng rằng sự bùng phát dịch Corona có thể được ngăn chặn. Điều này cũng là diễn biến chung đối với thị trường chứng khoán phương Tây.

 Áp lực này cũng lan đến thị trường dầu mỏ, trong bối cảnh dự đoán nhu cầu toàn cầu về dầu mỏ và các nguyên liệu thô khác sẽ chậm lại. Trung Quốc hiện là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và cũng là nước tiêu thụ lớn các kim loại như đồng và sắt. Liên minh OPEC và các đồng minh đã khuyến nghị gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu cho tới cuối năm 2020 và cắt giảm thêm sản lượng, do tác động của Virus Covid-19 đối với nhu cầu dầu lửa trên thế giới.

Các ngành Công Nghiệp – Sản xuất đều bị ngưng trệ

 Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, giá khẩu trang, nước sát khuẩn và các loại thực phẩm, hàng hóa giúp phòng chống dịch Corona đã chứng kiến mức tăng giá nhiều lần, không chỉ tại Trung Quốc mà còn ở nhiều quốc gia có người nhiễm bệnh khác. Đây cũng là khoảng thời gian những người bị cách ly tại Trung Quốc phải bổ sung thực phẩm, đồ dùng thiết yếu. Đã xuất hiện hiện tượng đổ xô đi tích trữ nhu yếu phẩm, mặc dù các chính phủ đang cố gắng đảm bảo nguồn cung hàng hóa và giá cả thị trường cho người dân.

Đặc biệt, giá tiêu dùng tại Trung Quốc đã ghi nhận bước nhảy vọt lớn nhất trong năm kể từ 2011 do ảnh hưởng của Virus Covid-19 và kỳ nghỉ năm mới âm lịch. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết, chỉ số CPI đã tăng 5,4% trong tháng một so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giá thực phẩm tăng 20,6%. Giá sản xuất tăng 0,1% so với cùng kỳ.

Cơ quan chức năng nhiều nước cũng đang phải đối đầu với các hành vi ém hàng, làm giả hàng hóa và ép giá các mặt hàng thiết yếu mùa dịch.

Cùng một số tác động lan tỏa khác

Đông Nam Á là khu vực có tiếp xúc trực tiếp nhất, chặt chẽ nhất, gắn liền với người khổng lồ Trung Quốc (bất chấp việc cuộc Khủng hoảng tài chính Châu Á 1997 từng bị đổ lỗi do sự mất giá của đồng Nhân Dân Tệ - PV). Theo TS. Phạm Chi Lan, Việt Nam đang có quan hệ kinh tế rất nhiều mặt với Trung Quốc, đặc biệt là về thương mại, về xuất nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong ngắn hạn, các ngành nghề xuất khẩu sang Trung Quốc như nông sản, thủy sản, thực phẩm… sẽ chịu tác động đáng kể. Các doanh nghiệp Việt nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc hoặc các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu nước này có thể chịu nhiều ảnh hưởng. Đặc biệt, những ngành như Dệt may, điện tử, tiêu dùng, thép.

Thị trường Nhật Bản cũng hứng chịu tình cảnh u ám

Trung Quốc cũng là khách hàng lớn của Nhật Bản. Mặt hàng chính trong thương mại hai nước là máy móc công nghiệp, xe hơi, xe tải và hàng tiêu dùng công nghệ cao. Nhật Bản cũng đồng thời nhập khẩu nhiều linh kiện từ các nhà cung ứng đại lục. Ngoài ra, không thể không kể đến hàng triệu khách du lịch mỗi năm từ Trung Quốc sang Nhật Bản. Quý đầu 2020, Nhật Bản có thể sụt giảm 400.000 lượng khách từ Trung Quốc. Khách du lịch Trung Quốc cũng chiếm 80% lượng khách du lịch đến Hong Kong; 30% khách du lịch của hai nước Thái Lan và Hàn Quốc.

Australia cũng là Quốc gia có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc. Thủ tướng Scott Morrison cũng đã đưa ra cảnh bảo hồi tuần trước về áp lực có thể xảy đến với kinh tế Australia trong thời gian tới. Đặc biệt, nhiều trường đại học quốc tế của Australia cũng đang phải gánh chịu sự sụt giảm doanh thu do có rất ít sinh viên Trung Quốc quay trở lại nhập học cho năm học mới.

Các nhà kinh tế đang thận trọng dự đoán, có thể tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm 0,3%, mặc dù mức tăng trưởng vẫn có thể đạt trên 3%. Tuy nhiên, việc các ngân hàng trung ương đang có rất ít công cụ chính sách để thúc đẩy kinh tế, có thể khiến nguy cơ suy thoái diễn ra trong bối cảnh đại dịch cúm virus Corona dự báo còn kéo dài.

“Nét tươi sáng” trong bức tranh tối màu

Khá bất ngờ là vẫn có ngành dịch vụ hưởng lợi từ dịch Corona. Tại Trung Quốc, việc bị cô lập trong nhà đã góp phần thúc đẩy nhu cầu giải trí trực tuyến của người dân và các hãng công nghệ cũng nắm bắt rất tốt cơ hội này. Tencen, nhà phát hành game mobile hàng đầu Trung Quốc cho biết, lượng người chơi truy cập Honor of Kings đã đạt hơn 100 triệu người/ngày, cao gấp rưỡi so với thông thường (khoảng 60 - 70 triệu người) trước đại dịch. Thời gian nghỉ lễ của học sinh, sinh viên do bị kéo dài khiến lượng người tham gia các loại hình giải trí trực tuyến có thể còn duy trì thêm nhiều ngày nữa. Một số ngành khác có thể được hưởng lợi trong ngắn hạn, bao gồm dược phẩm, công nghệ thông tin, điện, nước, dịch vụ trực tuyến, thương mại điện tử và chuyển phát nhanh

Minh Trí