Startup giáo dục trực tuyến Việt lọt top 'ngôi sao đang lên' của Edtech thế giới

16:32 04/05/2024

Danh sách Edtech bao gồm 15 “ngôi sao đang lên” dựa trên các tiêu chí như: Công ty được thành lập dưới 10 năm; Doanh thu tối thiểu 1 triệu USD vào năm 2021; Tốc độ tăng trưởng doanh thu hơn 20% trong 3 năm qua.

Hiện ứng dụng Vuihoc đã có hơn hơn 2 triệu lượt tải, 300.000 học sinh đang theo học
Hiện ứng dụng Vuihoc đã có hơn hơn 2 triệu lượt tải, 300.000 học sinh đang theo học.

Startup nền tảng giáo dục trực tuyến Vuihoc vừa lọt top 3 trong bảng xếp hạng “ngôi sao đang lên” của Edtech thế giới năm 2024 do Tạp chí TIME (Mỹ) và hãng nghiên cứu thị trường Statista thực hiện.

Đây cũng là đại diện duy nhất của khu vực Đông Nam Á nằm trong danh sách này. Bên cạnh danh sách 250 công ty công nghệ giáo dục (EdTech) hàng đầu thế giới, Statista và TIME cũng đã công bố Bảng xếp hạng các “ngôi sao đang lên” trên thị trường Edtech thế giới năm 2024 (TIME World's Top EdTech Rising Stars of 2024) để vinh danh các tổ chức có tốc độ tăng trưởng doanh thu cao nhất trong 3 năm qua.

Danh sách Edtech bao gồm 15 “ngôi sao đang lên” dựa trên các tiêu chí như: Công ty được thành lập dưới 10 năm; Doanh thu tối thiểu 1 triệu USD vào năm 2021; Tốc độ tăng trưởng doanh thu hơn 20% trong 3 năm qua. Vuihoc là đại diện duy nhất của khu vực Đông Nam Á nằm trong Bảng xếp hạng này.

Startup Vuihoc được thành lập vào năm 2019 bởi hai nhà đồng sáng lập của là ông Đỗ Ngọc Lâm và bà Đỗ Minh Thu với nhiều năm kinh nghiệm trong phát triển hệ thống và quản trị doanh nghiệp.

Năm 2021, startup nhận vốn từ quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures. Năm 2022, Vuihoc tiếp tục huy động thành công 2 triệu USD từ quỹ đầu tư Bace Capital do Ant Group hậu thuẫn, cùng các nhà đầu tư khác như: Vulpes Ventures, DT & Investment, Colopl Next và Nextrans.

Năm 2023, Vuihoc đã nhận được khoản đầu tư trị giá 6 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A do TNB Aura dẫn đầu. Khoản tiền này được sử dụng vào việc tích hợp AI nhằm mang đến trải nghiệm học tập cá nhân hoá, tối ưu theo nhu cầu của từng học sinh. Với số tiền đầu tư trên, startup này đã đẩy mạnh khai thác công nghệ trí tuệ nhân tạo AI nhằm mục đích mang lại trải nghiệm học tập cá nhân hóa và tối ưu theo nhu cầu học tập của từng học sinh.

Theo “Báo cáo Đầu tư Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024”, mặc dù tổng số vốn đầu tư cho khởi nghiệp tại Việt Nam năm 2023 giảm 17%, thế nhưng lĩnh vực Edtech lại nhận số vốn cao nhất từ trước tới nay, tăng 107% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tiêu biểu là các thương vụ như ELSA huy động được 23 triệu USD cho vòng gọi vốn Series C, MindX có vòng gọi vốn Series B trị giá 15 triệu USD…

Theo đại diện Vuihoc, cơ hội cho sự phát triển của lĩnh vực Edtech hiện nay rất lớn. Mức độ kỳ vọng của phụ huynh và tỷ lệ sẵn sàng đầu tư về học tập cho con cái ở Việt Nam khá cao, tương đồng với một số quốc gia châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.  

“Edtech đã trở thành một thị trường nóng, trong bối cảnh phụ huynh, học sinh đang dần chuyển từ trạng thái 'chưa quan tâm' trở nên 'quan tâm hơn' đến học online. Trong bối cảnh đó, chúng tôi đặt mục tiêu tạo ra những tác động tích cực hơn nữa cho ngành giáo dục Việt Nam trong vòng 5 năm tới”, đại diện Vuihoc nói.

Hiện ứng dụng Vuihoc đã có hơn hơn 2 triệu lượt tải, 300.000 học sinh đang theo học, với các sản phẩm chính gồm: Vuihoc Duo (Lớp học nhóm trực tuyến); Vuihoc Tutor (Lớp gia sư trực tuyến 1 kèm 1 hoặc nhóm nhỏ), Vuihoc THPT (Giải pháp luyện thi Đại học toàn diện); Vuihoc Station (Mô hình lớp học trực tiếp – Online Merge Offline).

Thông qua hợp tác chuyên môn của đội ngũ giáo viên trường điểm Quốc gia và phương pháp học tập được cá nhân hóa, nền tảng giáo dục này giúp nâng cao trải nghiệm học tập, đáp ứng nhu cầu đặc thù của từng học sinh.

Để trở thành đại diện duy nhất của khu vực Đông Nam Á trong Bảng xếp hạng “ngôi sao đang lên” của Edtech thế giới năm 2024 là sự ghi nhận cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ phát triển Vuihoc trong việc thực hiện sứ mệnh trở thành nền tảng giáo dục tin cậy hàng đầu. 

Mai Anh (T/h)