Việc gọi vốn thành công từ Shark Tank hay các quỹ đầu tư lớn không đảm bảo rằng startup sẽ tồn tại lâu dài trên thị trường. Thực tế tại Việt Nam cho thấy không ít startup dù huy động được số tiền lớn vẫn buộc phải đóng cửa vì những lý do như mở rộng quá nhanh, thiếu kinh nghiệm quản trị hay không đủ khả năng thích ứng với thị trường.
![]() |
Đến tháng 3/2025, nhà sáng lập của Vua Cua - Đoàn Thị Anh Thư thông báo tạm dừng hoạt động tại Việt Nam |
Ra đời năm 2014, Vua Cua từng gây tiếng vang khi gọi vốn thành công tại Shark Tank Việt Nam mùa 4 (2022), nhận được 3,5 tỷ đồng từ Shark Liên cho 10% cổ phần. Đây là một trong những thương vụ được giải ngân nhanh nhất sau chương trình. Đến cuối năm 2022, startup này tiếp tục nhận đầu tư từ quỹ Beacon Fund (Singapore).
Dù có dòng vốn mạnh, Vua Cua vẫn không thể trụ vững. Năm 2023, startup mở rộng sang Mỹ nhưng thất bại. Đến tháng 3/2025, nhà sáng lập Đoàn Thị Anh Thư thông báo tạm dừng hoạt động tại Việt Nam và hoàn vốn cho nhà đầu tư. Theo bà Thư, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc thiếu kinh nghiệm quản trị, chiến lược mở rộng quá nhanh và hạn chế về nguồn lực.
![]() |
Soya Garden được nhiều người biết đến qua chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 1 |
Soya Garden, chuỗi đồ uống từ đậu nành hữu cơ, từng là startup đình đám sau khi nhận được khoản đầu tư 15 tỷ đồng từ Shark Thủy tại Shark Tank Việt Nam mùa 1 (2016). Sau đó, Tập đoàn Egroup của Shark Thủy tiếp tục rót vốn, nâng tổng mức đầu tư lên hơn 100 tỷ đồng, giúp Soya Garden mở rộng tới 50 cửa hàng trên toàn quốc.
Startup này đặt tham vọng có 300 cửa hàng vào năm 2020 và mở rộng ra các thị trường như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản. Tuy nhiên, từ cuối năm 2019, Soya Garden gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Các cửa hàng dần đóng cửa, đầu tiên là ở miền Nam, sau đó là Hà Nội. Tháng 3/2024, cửa hàng cuối cùng của Soya Garden chính thức ngừng hoạt động, khép lại một startup từng được kỳ vọng lớn.
We Escape, chuỗi trò chơi nhập vai giải đố thực tế, từng nhận đầu tư từ Shark Thủy với số vốn hơn 30 tỷ đồng. Đến năm 2021, startup này sở hữu 8 cơ sở, trở thành hệ thống escape game lớn nhất Việt Nam.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã giáng một đòn nặng nề lên mô hình này. Doanh thu sụt giảm, chi phí mặt bằng cao khiến We Escape phải đóng cửa từng chi nhánh một. Đến đầu năm 2022, We Escape chính thức dừng hoạt động sau hơn hai năm chống chọi.
![]() |
Năm 2019, ca sĩ Sơn Tùng M-TP cùng các nhà đầu tư trong trong Shark Tank đầu tư vào Luxstay |
Luxstay, nền tảng đặt phòng trực tuyến, từng huy động thành công 3 triệu USD từ quỹ CyberAgent Ventures khi tham gia Shark Tank năm 2019. Tổng số vốn mà startup này nhận được qua các vòng gọi vốn lên tới 16 triệu USD.
Tuy nhiên, từ giữa năm 2022, nền tảng này gần như biến mất. Fanpage không thể truy cập, website không hoạt động. Luxstay từng tuyên bố đây là động thái tái cấu trúc và đổi tên thành Luxworld, nhưng đến nay không có thêm thông tin nào về sự trở lại của startup này.
Những câu chuyện của Vua Cua, Soya Garden hay Luxstay cho thấy rằng gọi vốn thành công không đồng nghĩa với thành công trong kinh doanh. Nếu quản trị yếu kém, mở rộng quá nhanh, thiếu chiến lược dài hạn hoặc gặp biến cố thị trường, một startup dù có nguồn vốn dồi dào vẫn có thể thất bại.
Ngược lại, không ít startup dù từng bị từ chối tại Shark Tank vẫn vươn lên mạnh mẽ nhờ chiến lược rõ ràng và sự bền bỉ. Điển hình như Dat Bike, EQUO hay Medigo, những doanh nghiệp này đã chứng minh rằng yếu tố quyết định thành công của một startup không chỉ nằm ở số tiền huy động được, mà còn ở sự kiên trì, khả năng thích ứng và cách sử dụng nguồn vốn thông minh.
Tại Shark Tank 2019, startup xe máy điện Dat Bike bị đánh giá là "nhầm thời điểm, nhầm sản phẩm". Tuy nhiên, nhà sáng lập Nguyễn Bá Cảnh Sơn vẫn kiên trì theo đuổi mục tiêu.
Sau chương trình, Dat Bike tự huy động vốn và phát triển sản phẩm. Đến nay, startup này đã huy động được 25 triệu USD qua nhiều vòng đầu tư, mở showroom tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và đặt mục tiêu mở rộng ra Đông Nam Á.
![]() |
Startup Việt Dat Bike từng bị chê trên Shark Tank nhưng thành công ngoài đời thực |
Trong khi đó, EQUO, chuyên cung cấp sản phẩm thay thế nhựa dùng một lần từ bã cà phê, dừa, mía, từng bị từ chối đầu tư tại Shark Tank 2021 do giá thành cao. Nhưng sau đó, startup này vẫn huy động thành công 1,3 triệu USD vòng hạt giống và đưa sản phẩm lên Amazon, hệ thống bán lẻ tại Mỹ, Canada, châu Âu.
Hay điển hình khác là Medigo, ứng dụng giao thuốc 24/7, không nhận được đầu tư tại Shark Tank 2021. Tuy nhiên, startup này vẫn phát triển, mở rộng dịch vụ tư vấn bác sĩ từ xa và xét nghiệm tại nhà. Đến năm 2023, Medigo đã phục vụ hơn 700.000 người dùng tại các thành phố lớn.