![]() |
Tự mình dấn thân vào thế giới kinh doanh mang đến hàng loạt đặc quyền độc đáo, khiến hành trình đơn độc trở nên đầy cuốn hút. Ví dụ điển hình là quyền kiểm soát tuyệt đối – không bị kiểm duyệt hay ràng buộc bởi bất kỳ ai – đối với mọi khía cạnh của doanh nghiệp. Hãy hình dung một viễn cảnh nơi bạn là người đưa ra quyết định cuối cùng, định hình mọi thứ, từ tông màu thương hiệu cho đến chiến lược tài chính. Quyền tự chủ này không chỉ mang lại sự hứng khởi mà còn đem đến cảm giác tự do vô song. Bạn không chỉ là người lèo lái con tàu, mà còn là kiến trúc sư, thợ thủ công và người dẫn đường. Chính bạn là người vạch lối đi, và trong điều đó có một nguồn sức mạnh rất lớn.
Nhưng khoan đã – còn nhiều điều hơn thế nữa. Sự tự do ấy không chỉ dừng lại ở quyền ra quyết định mà còn mở rộng sang khả năng thích ứng và linh hoạt. Khi bạn là nhà sáng lập đơn lẻ, doanh nghiệp của bạn có thể vận hành linh hoạt như một chú mèo: sẵn sàng xoay chuyển, chớp lấy cơ hội mới mà không cần qua các cuộc họp kéo dài hay những thỏa hiệp mệt mỏi. Bạn có thể điều chỉnh chiến lược theo thời gian thực, triển khai ngay các ý tưởng mới, thậm chí thay đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh nếu thấy cần thiết.
Sự linh hoạt này không chỉ là một lợi thế xa xỉ – trong bối cảnh thị trường thay đổi nhanh chóng như hiện nay, nó chính là chìa khóa sống còn. Nếu bạn là người phát triển mạnh trong môi trường năng động, thích tự mình vạch ra con đường và không muốn bị ràng buộc bởi bất kỳ "mỏ neo" nào, thì hành trình đơn độc này có thể chính là tấm vé dẫn bạn đến với thành công trong kinh doanh.
Theo Tiến sĩ Phan Tấn Lực – Phó trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương), xu hướng khởi nghiệp một mình đang gia tăng khi nhiều người trẻ khao khát sự tự do, linh hoạt và toàn quyền kiểm soát công việc. “Không còn bị ràng buộc bởi mô hình tổ chức truyền thống hay thời gian hành chính, họ chọn cách làm việc độc lập, tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ – đặc biệt là trí tuệ nhân tạo – để đảm nhiệm nhiều vai trò từng cần cả một đội ngũ", ông Lực phân tích.
Ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc Quỹ đầu tư Aryon (TP.HCM) – cũng ghi nhận số lượng người trẻ khởi nghiệp một mình đang tăng. “Tôi nhận được rất nhiều tin nhắn với nội dung như: ‘Không có cộng sự, em có nên bắt đầu không?’ hay ‘Liệu làm startup solo có khả thi?’”, ông chia sẻ.
Theo ông Tuấn, có người chưa tìm được bạn đồng hành phù hợp nhưng không muốn chậm bước. Có người thuộc tuýp “chiến binh độc hành”, ưa tốc độ, không muốn chờ đợi. Tuy nhiên, ông cũng đưa ra lời khuyên rõ ràng: “Có thể khởi nghiệp một mình, nhưng không nên mãi cô độc. Hãy xác định rõ quy mô, định hướng phát triển, và từng bước xây dựng đội ngũ, hệ thống để tránh trở thành ‘người làm thuê cho chính mình’”.
Quyền tự chủ tuyệt đối trong kinh doanh là một trong những yếu tố khiến nhiều người trẻ bị cuốn hút vào hành trình khởi nghiệp một mình. Tuy nhiên, đằng sau sự hấp dẫn đó là một gánh nặng không thể xem nhẹ. Là động lực duy nhất đứng sau doanh nghiệp, bạn sẽ là người chịu trách nhiệm cho mọi quyết định – từ chiến lược dài hạn cho đến những lựa chọn nhỏ nhất mỗi ngày.
Bạn không chỉ là người định hướng tầm nhìn, mà còn kiêm luôn vai trò kế toán, marketing, chăm sóc khách hàng và quản trị vận hành. Gánh vác quá nhiều vai trò cùng lúc có thể khiến bạn nhanh chóng rơi vào tình trạng quá tải và kiệt sức, đặc biệt là khi đối mặt với hiện tượng "mệt mỏi khi ra quyết định". Theo một nghiên cứu của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, tình trạng này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu suất công việc cũng như sức khỏe tinh thần của người khởi nghiệp.
Khi bạn đang mải loay hoay với những công việc hằng ngày, ai sẽ là người quan sát và điều chỉnh tầm nhìn chiến lược? Bạn rất dễ bị cuốn vào các hoạt động vận hành mà bỏ lỡ những tín hiệu quan trọng từ thị trường hoặc những cơ hội đột phá. Một cộng sự đáng tin cậy có thể đóng vai trò như chiếc "gương phản chiếu", giúp bạn nhìn thấy những điều bản thân có thể bỏ qua – từ đó cân bằng giữa chiến lược và thực thi.
Thực tế cho thấy, trong một khảo sát của Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp nhỏ Hoa Kỳ, 29% doanh nhân cho biết thiếu sự cố vấn hoặc định hướng là thách thức lớn khi khởi nghiệp. Vì vậy, trước khi quyết định bước vào hành trình "một mình một ngựa", hãy tự hỏi: bạn đã sẵn sàng gánh vác toàn bộ thế giới kinh doanh này chưa?
Dù khởi nghiệp một mình mang lại cảm giác làm chủ hoàn toàn, nhưng các chuyên gia cho rằng con đường này tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt ở giai đoạn đầu.
Shark Lê Hùng Anh – Chủ tịch Tập đoàn BIN Corporation Group – nhìn nhận: “Nếu chỉ dừng ở quy mô nhỏ thì còn khả thi, nhưng để phát triển và mở rộng, khởi nghiệp một mình là hành trình vô cùng gian nan”. Ông cũng cảnh báo không nên quá kỳ vọng vào các công cụ AI hiện nay, bởi công nghệ vẫn chưa đủ để thay thế hoàn toàn yếu tố con người trong kinh doanh.
Tiến sĩ Phan Tấn Lực cho rằng, người khởi nghiệp một mình phải gánh vác tất cả – từ xây dựng sản phẩm, tiếp thị, bán hàng đến quản lý tài chính, chăm sóc khách hàng. “Áp lực tài chính, khối lượng công việc khổng lồ và sự thiếu hụt nguồn lực rất dễ dẫn đến kiệt sức”, ông nói. Ngoài ra, việc thiếu lợi thế về quy mô khiến họ dễ rơi vào cạnh tranh bằng giá, ảnh hưởng đến giá trị thương hiệu và khả năng giữ chân khách hàng.
Ở góc độ văn hóa doanh nghiệp, anh Nguyễn Trần Hữu Thắng – Tổng giám đốc Công ty CP NBIYAN – cho rằng việc chỉ có một người trong một tổ chức khiến đối tác khó xây dựng niềm tin. “Doanh nghiệp không chỉ là sản phẩm mà còn là niềm tin, giá trị và văn hóa. Nếu thiếu những yếu tố đó, việc ký kết hợp đồng hay hợp tác lâu dài sẽ gặp khó khăn”, anh nhấn mạnh.
Bà Trần Thị Nga – Tổng giám đốc Công ty CP Help All 24/7 – cho biết: “AI có thể hỗ trợ khởi nghiệp một mình hiệu quả hơn, nhưng vẫn chưa đủ khả năng thay thế con người ở những năng lực mang tính chiến lược và cảm xúc, như tư duy phản biện, sáng tạo, quản lý hay xây dựng mối quan hệ”.
Ngoài ra, bà cũng cảnh báo về độ tin cậy của các công cụ AI hiện nay. “Nếu phụ thuộc hoàn toàn vào AI, rủi ro xảy ra sai sót là rất cao, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh”, bà nói thêm.
Khởi nghiệp một mình có thể cho bạn quyền tự quyết nhanh chóng, nhưng đồng thời cũng đặt lên vai bạn trách nhiệm hoàn toàn với mọi kết quả – dù thành công hay thất bại. Và đôi khi, chính câu hỏi đó lại là điểm khởi đầu của một lựa chọn mang tính bước ngoặt trong hành trình khởi nghiệp.