![]() |
Founder Local Brand LAM KHUE: "Tôi thất bại vì tư duy sai, không phải vì thiếu năng lực" |
Sau hơn 8 năm hiện diện trên thị trường thời trang Việt, thương hiệu LAM KHUE Design chính thức đóng cửa cơ sở tại Phố Huế (Hà Nội). Tuy nhiên, điều khiến cộng đồng khởi nghiệp xôn xao không chỉ là sự dừng lại của một local brand, mà còn là bức tâm thư đầy thẳng thắn và sâu sắc từ chính nhà sáng lập Hương Phạm.
Trong bài viết chia sẻ ngày 16/7 trên fanpage thương hiệu, nhà sáng lập Hương Phạm đã công khai thừa nhận 7 sai lầm quan trọng dẫn đến sự bế tắc trong hành trình điều hành.
"Một local brand thất bại không phải vì người sáng lập không giỏi, mà bởi tư duy sai lầm" |
Nhà sáng lập Hương Phạm bắt đầu bài viết bằng lời chia sẻ chân thành: "Tôi mong những người đang gồng mình điều hành một local brand có thể dừng lại vài phút để đọc. Đây là những bài học tôi đã phải trả giá bằng chính đứa con tinh thần của mình."
Điểm mấu chốt mà Hương Phạm chỉ ra: thất bại trong khởi nghiệp không nhất thiết đến từ việc thiếu tài năng hay đam mê, mà nhiều khi xuất phát từ những tư duy tưởng chừng vô hại nhưng kéo dài dai dẳng và không được nhìn nhận đúng lúc.
7 sai lầm khiến một thương hiệu gục ngã
1. Đổ lỗi cho thị trường thay vì chủ động thay đổi
Sự thay đổi hành vi người tiêu dùng sau đại dịch là điều hiển nhiên. Nhưng thay vì thích nghi, LAM KHUE vẫn duy trì phong cách thiết kế, cách làm nội dung và vận hành cũ. “Chúng tôi đổ lỗi cho thị trường khó khăn và ngừng phát triển chính mình.”
2. Thiếu định hướng thương hiệu rõ ràng
Khởi đầu bằng đam mê, chị Hương thừa nhận đã không xây dựng hệ giá trị và triết lý thương hiệu bài bản. “Khi người sáng lập không hiểu rõ mình là ai, thương hiệu cũng sẽ mờ nhạt trong mắt khách hàng.”
3. Không đặt mục tiêu cụ thể, không quản trị bằng con số
LAM KHUE vận hành mà không có KPI, không đo lường kết quả, mọi thứ dựa vào cảm tính. “Tôi từng nghĩ cứ làm hết mình là đủ. Nhưng không – sự mơ hồ trong mục tiêu giết chết cả sự sáng tạo lẫn hiệu quả.”
4. Quá yêu sản phẩm, quên mất khách hàng mới là trung tâm
Sản phẩm đẹp chưa đủ. “Tôi tạo ra thiết kế theo thẩm mỹ cá nhân mà quên mất người mặc cần một thứ phù hợp với đời sống thực.”
5. Coi nhẹ quản trị tài chính
LAM KHUE không có hệ thống tài chính rõ ràng, không lập kế hoạch dòng tiền, không phân biệt tài chính cá nhân với doanh nghiệp. “Tôi không tiêu xài hoang phí, nhưng cũng không biết cách kiểm soát tài chính. Đó là một sai lầm chí tử.”
6. Không đào tạo nhân sự, không dám nghiêm khắc
Tự làm mọi thứ trong giai đoạn đầu khởi nghiệp là phổ biến, nhưng khi mở rộng, chị Hương không thể "nhân bản chính mình". “Tôi sợ làm người xấu khi nghiêm khắc, nhưng cuối cùng lại không cho đội ngũ cơ hội trưởng thành.”
7. Bỏ qua vai trò thương hiệu cá nhân
Dù hiểu rõ vai trò của người sáng lập như một “kênh truyền thông sống”, chị Hương lại chọn cách ẩn mình. “Tôi nghĩ phải hoàn hảo mới dám xuất hiện. Nhưng hóa ra, điều tạo nên kết nối sâu sắc chính là sự chân thật, không phải sự hoàn hảo.”
Chia sẻ thẳng thắn của chị Hương Phạm không chỉ là một bản tự kiểm điểm. Đó là một lời nhắn gửi đến cộng đồng khởi nghiệp: hãy học từ sai lầm của người khác, thay vì phải tự mình trả giá.
Hương Phạm kết thúc bức tâm thư bằng thông điệp mạnh mẽ: “Lần này, tôi sẽ bắt đầu lại – không phải từ con số 0, mà từ sự trưởng thành. Vì một thương hiệu chỉ thật sự bắt đầu khi người sáng lập thật sự trưởng thành.”
Bài viết nhanh chóng lan truyền trong giới kinh doanh nói chung, và kinh doanh trong lĩnh vực thời trang nói riêng, nhận về hàng trăm bình luận tích cực từ những người đang hoặc đã từng trải qua hành trình tương tự.
"Tư duy gãy gọn, thẳng thắn và đầy sức nặng. Founder của LAM KHUE chắc chắn sẽ quay lại với một thương hiệu mạnh mẽ hơn."
"Cảm ơn chị vì đã chia sẻ một cách dũng cảm. Mình thấy chính mình trong từng dòng chị viết."
"Startup không chỉ cần đam mê, mà cần cả tư duy hệ thống. Đây là bài học xương máu mà không trường lớp nào dạy."
Bài học từ LAM KHUE Design không đơn thuần là chuyện thành – bại của một local brand. Đó là minh chứng cho việc: điều hành một startup không thể chỉ dựa vào bản năng và đam mê. Sự trưởng thành về tư duy, khả năng nhìn lại chính mình, và dám sửa sai mới là nền tảng thực sự để một doanh nghiệp đi xa.