"Nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn muốn đầu tư vào ngành bán dẫn Việt Nam"

14:52 04/05/2024

Đây cũng là nhận định của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024 diễn ra sáng nay (5/4).

Thủ tướng chủ trì cuộc họp Chính phủ thường kỳ
Thủ tướng chủ trì cuộc họp Chính phủ thường kỳ.

Sáng 4/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024, thảo luận nhiều nội dung quan trọng. Theo chương trình, phiên họp tập trung đánh giá về hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024, tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới và một số nội dung quan trọng khác.

Phát biểu tại buổi họp về tình hình kinh tế vĩ mô 4 tháng 2024, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong 4 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Thu ngân sách Nhà nước 4 tháng ước đạt 43,1% dự toán, tăng 10,1% so với cùng kỳ. Giải ngân đầu tư công 4 tháng đạt 17,46% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (15,65%), đã đưa lượng vốn lớn ra nền kinh tế để hỗ trợ cho tăng trưởng và phát triển.

Bên cạnh đó, tổng vốn FDI đăng ký 4 tháng đạt gần 9,3 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó FDI đăng ký mới đạt hơn 7,1 tỷ USD, tăng 73,2%; vốn thực hiện đạt 6,3 tỷ USD, tăng 7,4%. 

"Nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn toàn cầu đã thể hiện mong muốn hợp tác đầu tư vào các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo… của Việt Nam", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP.

Nội dung này cũng được ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam đề cập tại lễ khai giảng Chương trình phát triển nhân tài công nghệ cao (SIC) hôm qua. Theo ông Choi, Việt Nam đang ngày càng chứng tỏ tầm quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, được thể hiện rõ nét hơn trên các phương diện chính trị, nhân lực, cơ sở hạ tầng và ngày càng thu hút được nhiều sự chú ý trên toàn thế giới.

Đặc biệt, tầm quan trọng của Việt Nam trong ngành công nghệ thông tin, công nghệ cao được kỳ vọng trở nên nổi bật hơn nữa. "Các doanh nghiệp công nghệ cao trên toàn thế giới đang cạnh tranh tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam", ông Choi nói.

Tại phiên họp thông tin, một trong những điểm sáng của nền kinh tế là hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực. Sản xuất, xuất khẩu nông nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 4 tháng tăng 6% (cùng kỳ giảm 2,5%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,3% (cùng kỳ giảm 2,9%).

Đáng chú ý, kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu 4 tháng tăng lần lượt là 15,2%, 15% và 15,4% so với cùng kỳ; ước xuất siêu 8,4 tỷ USD; xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc… đều tăng trưởng cao. 

Ngoài ra, tình hình đăng ký doanh nghiệp có dấu hiệu tích cực hơn. Trong tháng 4, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là 15.300 doanh nghiệp, cao hơn số rút lui khỏi thị trường (13.600 doanh nghiệp); doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể và giải thể lần lượt giảm 20,2% và 10,9% so với cùng kỳ.

Tính chung 4 tháng, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường có gần 81.300 doanh nghiệp, tăng 3% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể và đã giải thể là 25.500 doanh nghiệp, giảm 5,3%.

Ngoài ra, thể chế, pháp luật tiếp tục được tập trung hoàn thiện. Xử lý tồn đọng, vướng mắc, đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng. Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhận định, khó khăn, thách thức còn rất lớn, có những yếu tố mới đặt ra từ cả bên trong và bên ngoài nền kinh tế, nhất là trong kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và công tác quản lý, điều hành thúc đẩy tăng trưởng thời gian tới.

Theo ông, giải pháp đặt ra là các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục cải cách hành chính, môi trường đầu tư, làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Cùng đó, các động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh phải khai thác tối đa.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ tiếp tục gỡ khó, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, chuyển đổi số. Cùng đó, ông đề nghị Bộ Tài chính trong tháng này trình cấp có thẩm quyền chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Ngoài ra, cần cơ cấu lại sản xuất công nghiệp, đẩy tiến độ các dự án quy mô lớn, công nghệ cao. Ông lưu ý bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu trong mọi tình huống. Bộ Công Thương được giao sớm hoàn thiện cơ chế về mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng lớn, khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu trên tinh thần "tạo động lực, không lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm".

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng tăng 3,93%, sức ép về kiểm soát lạm phát vẫn còn. Thủ tướng nhắc lại quan điểm điều hành giá cả "không giật cục". Theo đó, cơ quan quản lý giá phải có lộ trình, không tăng giá đột ngột, tăng nhiều mặt hàng cùng lúc và vào thời điểm tăng lương.

Tú Anh (T/h)