VEPR: Kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng trong 4 tháng đầu năm

15:57 17/05/2024

Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nền kinh tế Việt Nam đang chứng kiến sự phục hồi của xuất nhập khẩu và đầu tư nước ngoài.

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã công bố nhận định về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024, dự kiến đạt mức cận dưới mục tiêu tăng trưởng GDP, khoảng 6%. Thông tin này được trình bày trong Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý I/2024, diễn ra vào sáng ngày 17/5.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng VEPR, trình bày báo cáo và nêu rõ những điểm sáng trong kinh tế Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024, bao gồm sự phục hồi của xuất nhập khẩu và đầu tư nước ngoài. Cụ thể, Việt Nam duy trì thặng dư thương mại liên tục 8 năm, với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 238,88 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng tăng trưởng 6,28% trong 4 tháng đầu năm.

Kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng trong 4 tháng đầu năm
Kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng trong 4 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng xu thế này chưa thực sự bền vững và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ngành công nghiệp phục hồi chưa ổn định, tiêu dùng nội địa còn yếu và nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn. Số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao gấp 1,5 lần số doanh nghiệp thành lập mới, cho thấy môi trường kinh doanh vẫn còn thách thức.

Tăng trưởng tín dụng đạt mức thấp nhất trong 10 năm qua, nhấn mạnh nhu cầu cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn để hỗ trợ doanh nghiệp. Một số yếu tố rủi ro cho ổn định kinh tế vĩ mô cũng được nêu ra, bao gồm biến động tỷ giá, giá vàng và nguy cơ bong bóng tài sản, có thể gia tăng áp lực lạm phát.

Tính đến cuối tháng 4, tỷ giá VNĐ/USD đã tăng 4,4% kể từ đầu năm, và 7,6% so với đầu năm 2023, trong khi chỉ số DXY chỉ tăng 1,4%. Báo cáo chỉ ra rằng, việc mất giá VNĐ có tác động không lớn đến xuất khẩu, nhưng lại có nguy cơ làm tăng lạm phát. Cụ thể, cứ 1% mất giá của đồng VNĐ thì lạm phát sẽ tăng 0,34%. Với mức mất giá khoảng 4,5% kể từ đầu năm 2024, lạm phát có thể tăng thêm 1,5%. Do đó, kiểm soát mức độ mất giá của đồng VNĐ trong năm 2024 là một ưu tiên để ổn định kinh tế vĩ mô.

Để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế, VEPR khuyến nghị 5 nhóm giải pháp gồm: Tăng cường giải ngân đầu tư công; Tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp; Tiếp tục giảm thuế VAT trong năm 2024; Thúc đẩy đa dạng hóa các kênh dẫn vốn và đầu tư ngoài tín dụng ngân hàng; và Nâng cao mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế và của các doanh nghiệp Việt Nam.

P.V (t/h)