Siết chặt ngành công nghệ có thể khiến Trung Quốc bị mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình

11:46 08/09/2021

Theo Bloomberg, ông Pascal Lamy - cựu Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) - nhận định những động thái mới của chính quyền Bắc Kinh về việc siết chặt quản lý ngành công nghệ có thể cản trở việc thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số. Điều này có khả năng khiến Trung Quốc mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình.

Bẫy thu nhập trung bình là tình trạng khi một quốc gia đạt đến mức thu nhập bình quân nhất định (do những lợi thế sẵn có) và giậm chân tại chỗ mà không thể vượt ngưỡng đó để trở nên giàu có hơn.

"Dịch vụ là chìa khóa để thoát khỏi bẫy này. Do đó, cần có một khu vực dịch vụ hiệu quả hơn, đồng nghĩa với cạnh tranh với nước ngoài nhiều hơn", ông Lamy nhận xét.

Siết chặt kiểm soát ảnh 1

Ông Pascal Lamy, cựu tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới. Ảnh: Reuters.

Chính quyền Trung Quốc đã ban hành một loạt luật trong vài tháng qua, chủ yếu nhắm vào lĩnh vực công nghệ. Cuộc trấn áp khiến giới đầu tư hoảng loạn, quét sạch hàng tỷ USD khỏi vốn hóa của những gã khổng lồ Internet nước này.

Cuộc trấn áp bắt đầu vào tháng 11, sau khi đợt IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) của Ant Group - gã khổng lồ fintech của tỷ phú Alibaba - bị yêu cầu hủy bỏ.

Kể từ đó, các nhà quản lý đã ban hành luật chống độc quyền nhắm vào "nền kinh tế nền tảng". Đó là những công ty Internet quản lý các dịch vụ từ thương mại điện tử, giáo dục đến giao đồ ăn. Các quy định cũng nhằm tăng cường luật an ninh dữ liệu.

Hãng gọi xe hàng đầu Trung Quốc Didi bị xóa ứng dụng khỏi các cửa hàng ứng dụng trên điện thoại thông minh, chỉ vài ngày sau khi IPO trên sàn Mỹ.Gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba phải chịu khoản phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD sau một cuộc điều tra chống độc quyền.

Theo nguồn tin của Bloomberg, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc cũng đang lên kế hoạch sửa đổi các quy tắc về niêm yết ở nước ngoài, có hiệu lực từ năm 1994.

Thay đổi trên cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách bịt lỗ hổng đã được những tập đoàn lớn như Alibaba Group Holding Ltd., Tencent Holdings Ltd. sử dụng để gọi vốn nước ngoài.

Các quy định cũng cản trở tham vọng của những công ty có ý định niêm yết trên sàn nước ngoài, đe dọa ngành kinh doanh béo bở của các ngân hàng Phố Wall và làm gia tăng thêm mối lo ngại về sự phân ly giữa Mỹ và Trung Quốc trong những lĩnh vực nhạy cảm như công nghệ.

Giải thích về các động thái mới của Bắc Kinh, ông Lamy cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn đẩy mạnh chiến lược tăng cường kiểm soát nền kinh tế.

Theo ông, lĩnh vực dịch vụ công nghệ vốn là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong tương lai. Cuộc trấn áp của Bắc Kinh sẽ phủ một bóng đen chưa từng có lên triển vọng của kinh tế Trung Quốc.

Trong thập kỷ qua, các công ty Trung Quốc đã huy động được khoảng 76 tỷ USD thông qua việc IPO tại Mỹ. Tính từ đầu năm đến nay, 37 công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn Mỹ và huy động thành công 12,9 tỷ USD.

Theo South China Morning Post, Trung Quốc tuyên bố sau khi kết thúc kế hoạch 5 năm 2021-2025, đất nước sẽ trở thành một quốc gia thu nhập cao và hướng đến việc tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế vào năm 2035. Điều này có nghĩa là Trung Quốc vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Siết chặt kiểm soát ảnh 2

Trung Quốc khó có thể thay thế động lực xuất khẩu bằng tiêu thụ nội địa để phát triển nền kinh tế. Ảnh: SCMP.

Bắc Kinh nhấn mạnh vào "phát triển chất lượng", hướng nền kinh tế về nội địa nhiều hơn. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc sẽ giảm bớt sự quan tâm đối với thương mại quốc tế, xóa bỏ những hứa hẹn về việc tăng hiệu quả thị trường và mở cửa hơn nữa.

Tuy nhiên, ông Lamy tại WTO không tin rằng Trung Quốc có thể thay thế động lực xuất khẩu bằng tiêu thụ nội địa. "Thị trường phương Tây sẽ vẫn rất quan trọng với Trung Quốc", ông Lamy nhấn mạnh.

"Tuy nhiên, nếu Mỹ và châu Âu nói rằng Trung Quốc không thể xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số cho họ, đó sẽ là một vấn đề. Bắc Kinh có thể đang tự dồn mình vào bẫy thu nhập trung bình", cựu tổng giám đốc WTO nói thêm.

PV