Sắp có chế tài xử lý DNNN nợ bảo lãnh Chính phủ

00:00 12/10/2020

Bộ Tài chính vừa có báo cáo tổng hợp tình hình bảo lãnh Chính phủ, trong đó cho biết, tính đến cuối năm 2017, tổng giá trị bảo lãnh Chính phủ quy đổi ước vào khoảng hơn 26 tỷ USD.

\

Bộ Công Thương hiện chưa xử lý xong tài sản từ việc bán thanh lý tài sản dự án Nhà máy Giấy Phương Nam

Trong số này, giá trị bảo lãnh nước ngoài chiếm hơn 84%. Tổng dư nợ gốc ước là 12,5 tỷ USD, giảm so với cuối năm 2016. Trong năm qua số rút vốn mới thấp hơn so với số trả nợ gốc. Năm vừa qua, Bộ Tài chính không thực hiện cấp bảo lãnh Chính phủ vay vốn nước ngoài cho dự án đầu tư nào.

Có 4 dự án đã kết thúc trả nợ nước ngoài, 4 khoản vay đã trả trước hạn với tổng giá trị 104 triệu USD. Tuy nhiên, năm qua, Quỹ Tích lũy trả nợ vẫn phải ứng vốn trả nợ cho Tổng công ty Giấy hơn 8 triệu USD, nâng tổng trị giá ứng trả lên gần 89 triệu USD.

Nguồn thu hồi cho Quỹ dự kiến từ việc bán thanh lý tài sản dự án Nhà máy Giấy Phương Nam. Tuy nhiên, Bộ Công Thương hiện chưa xử lý xong tài sản này. Bộ Tài chính cho biết tới nay chưa có kết quả xử lý nên chưa có nguồn để trả một phần nghĩa vụ nợ được Chính phủ bảo lãnh. Trong khi đó, cơ quan này đã làm việc với ngân hàng cho vay nước ngoài nhưng nhà băng này từ chối hỗ trợ tài chính cho dự án.

Dự án Nhà máy Giấy Phương Nam trước đây do Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – Vận tải thuộc Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, nay đã chuyển giao cho Tổng công ty Giấy Việt Nam. Dự án có khó khăn về tài chính không trả nợ các kỳ từ 2008 đến nay. Đến cuối 2017, dự án vay 75 triệu USD từ Quỹ Tích lũy để trả nợ và hiện nợ quá hạn với Quỹ. Thủ tướng đã dừng đầu tư dự án và giao Bộ Công Thương bán thanh lý tài sản nhưng vẫn chưa thực hiện được.  

Bộ Tài chính cũng cho biết, có 31 trong tổng số 53 dự án chưa ký kết hợp đồng thế chấp tài sản. Trong đó như Tập đoàn Điện lực Việt Nam mới ký thế chấp 2 trong tổng số 20 dự án. Cơ quan này nhận định việc triển khai thế chấp tài sản vẫn chậm, chưa đáp ứng được tiến độ do các doanh nghiệp chưa tích cực trao đổi, thống nhất nội dung hợp đồng thế chấp, kê khai danh mục tài sản thế chấp, đặc biệt trong trường hợp thế chấp tài sản dự án cho nhiều bên, trong đó Bộ Tài chính chỉ là một bên nhận thế chấp.

Bộ cho biết đã trao đổi với các bên yêu cầu thúc đẩy hoàn tất việc thế chấp tài sản trước ngày 30/6. Sau thời hạn này, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng áp dụng chế tài xử lý.

Bộ cũng cho biết chưa thu được 90 tỷ đồng phí bảo lãnh quá hạn của một số đơn vị, tập trung ở 3 dự án xi măng (Hạ Long, Thái Nguyên, Đồng Bành) và 2 dự án thủy điện (Xekaman 1 và Xekaman 3) đang phải tái cơ cấu nợ.

Dư nợ bảo lãnh ngành điện hiện chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục bảo lãnh Chính phủ (khoảng 64%) do dư nợ các lĩnh vực khác đang giảm dần và không có cấp mới như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí…

Theo Bộ Tài chính, dự án ngành điện gặp khó khăn dài hạn trong quá trình vận hành và trả nợ như dự án Xekaman 3 của Công ty cổ phần Điện Việt Lào bị sự cố địa chất bất khả kháng và vẫn đang trong quá trình khắc phục. Hiện công ty đang gặp khó khăn trong việc thu xếp vốn cho việc khắc phục, cũng như trả dần các khoản vay quá hạn. Quá trình tái cơ cấu các khoản vay sẽ bị ảnh hưởng nếu việc khắc phục sự cố không đảm bảo tiến độ và kết quả dự kiến.

3 dự án xi măng đã được Chính phủ phê duyệt phương án tái cơ cấu gồm Hạ Long, Thái Nguyên, Đồng Bành đã thu xếp tự trả nợ được Chính phủ bảo lãnh, đang tiếp tục tái cơ cấu các khoản nợ vay. Đến cuối năm 2017, dư nợ bảo lãnh đối với lĩnh vực xi măng là 180 triệu USD. 

Ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng, Viện Kinh tế tài chính (Học viện tài chính) cho rằng, đây là một thực tế đáng lo ngại, Chính phủ không bảo lãnh cho các ngành kinh doanh thuần túy, bảo lãnh càng ít càng tốt. Những ngành này đưa ra tính toán có hiệu quả thì mới được chấp nhận.

“Tốt nhất là Chính phủ không nên bảo lãnh những dự án những ngành kinh doanh rủi ro, ngành kinh doanh thuần túy mà tư nhân có thể làm được như giấy, gang thép…”, ông Độ nói.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nêu ý kiến, việc cấp bảo lãnh Chính phủ cần siết chặt lại và không thể làm theo cơ chế xin cho. Quá trình xem xét và thẩm định phải được công khai minh bạch, hội đồng thẩm định đó cũng phải liên đới chịu trách nhiệm.

Ông Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng từng chưa sẻ, Chính phủ cần khẩn trương cắt giảm đến mức tối đa khoản nợ bảo lãnh vay (đối với khoản vay của DN nhà nước). Đây là khoản dễ thực hiện nhất, như vậy sẽ kéo giảm được nợ công xuống. Vì khoản nợ của DN nhà nước do Chính phủ bảo lãnh hiện chiếm khoảng 18% tổng nợ công của cả nước.

“Tôi cho rằng, Chính phủ cần giảm ngay việc bảo lãnh và để việc tự chủ (tự vay, tự trả) cho DN nhà nước. Chính phủ chỉ nên bảo lãnh với những khoản nợ vay quốc gia, liên quan đến những khoản (vốn) sử dụng có tính lan tỏa trong cả nước”, ông Ngân bày tỏ. 

Nguyễn Việt