Kiến nghị hoãn sửa đổi tăng thuế TTĐB đối với rượu, bia ít nhất 2 năm tới

17:25 06/05/2022

Các ý kiến tại Hội thảo “Ngành đồ uống Việt Nam phục hồi và phát triển trong điều kiện bình thường mới” vừa kiến nghị kiến nghị Chính phủ và Quốc hội tạm hoãn việc sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) theo hướng tăng thuế suất đối với rượu, bia ít nhất trong 2 năm tới để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp.

Ảnh minh họa

Doanh nghiệp dù tiềm lực cũng sẽ mất rất nhiều năm để phục hồi

Hội thảo “Ngành đồ uống Việt Nam phục hồi và phát triển trong điều kiện bình thường mới” được Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức sáng 6/5.

Theo VBA, sau một thời gian dài do tác động của các biện pháp giãn cách xã hội từ đại dịch COVID - 19 và chịu thêm tác động từ các chính sách quản lý chuyên ngành, đặc thù bao gồm Luật số 44/2019/QH14 về Phòng, chống tác hại của rượu, bia với các hạn chế toàn diện về quảng cáo, khuyến mại, sản xuất, kinh doanh, và Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề.

Thị trường tiêu thụ giảm 20%-30%, doanh thu toàn ngành đồ uống giảm tới 16% so với năm 2019. Gần đây, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã và đang gây khủng hoảng trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã làm trầm trọng hơn nữa những khó khăn của ngành đồ uống khiến giá nhiên liệu tăng mạnh.

“Với những khó khăn chồng chất, ngay cả những doanh nghiệp có tiềm lực cũng sẽ mất rất nhiều năm để có thể phục hồi và quay trở lại đà phát triển như trước đại dịch. Trong năm nay và những năm tới khi đại dịch COVID-19 qua đi, những tác động tiêu cực của nó vẫn còn ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong bối cảnh nguy cơ lạm phát toàn cầu tăng cao, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giảm sút rõ rệt, ảnh hưởng tới tất cả các ngành sản xuất kinh doanh, du lịch, dịch vụ”, VBA nhấn mạnh.

Cơ chế tính thuế TTĐB khiến chi phí gánh nặng xã hội tăng cao

VBA bày tỏ quan ngại: Hiện nay có kiến nghị đề xuất tăng thuế TTĐB với một số sản phẩm như đồ uống có cồn, thuốc lá và cho rằng đây là thời điểm phù hợp và chính muồi để thực hiện, vừa đảm bảo sức khỏe người dân, vừa tăng thu ngân sách và giảm các thiệt hại khác, hệ lụy về mặt xã hội.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, những đề xuất làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp trong vài ba năm tới như đề xuất tăng thuế TTĐB đối với một số mặt hàng trong đó có đồ uống có cồn cần cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện tác động kinh tế-xã hội, xem xét tính phù hợp, công bằng và hiệu quả cũng như lưu tâm tất cả các hệ lụy ngoài mong muốn, các đối tượng dễ bị tổn thương như (công ăn việc làm, công nhân, nông dân) trước khi đưa ra quyết định, ngoài ra, thời điểm thực hiện cũng vô cùng quan trọng để doanh nghiệp có thời gian phục hồi sau đại dịch.

VBA kiến nghị Chính phủ quan tâm, xem xét để những chính sách tài chính phù hợp để hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp ngành đồ uống có thể phục hồi sau một thời gian dài ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

Trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tích cực tham gia vào các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, những thay đổi về chính sách thuế có thể cản trở những nỗ lực này và gây ra những tác động không mong muốn đối với sự phát triển của Việt Nam. Vì vậy, cần cân nhắc kỹ lưỡng những chính sách làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp, ít nhất trong vài ba năm tới.

Chia sẻ tại hội thảo, đại diện công ty HEINEKEN Việt Nam đề xuất VBA cần có kiến nghị Chính phủ và Quốc hội tạm hoãn việc sửa đổi Luật thuế TTĐT theo hướng tăng thuế suất đối với rượu, bia ít nhất trong 2 năm tới.

Thay vào đó, cần đánh giá tác động sự ảnh hưởng từ yếu tố chính sách tăng thuế TTĐB, các biện pháp hạn chế tiêu thụ rượu, bia và các tác động từ dịch bệnh COVID-19 tới tình hình sản xuất kinh doanh của ngành đồ uống có cồn trong ngắn hạn và dài hạn.

Theo đại điện của HEINEKEN Việt Nam, Luật thuế TTĐB áp dụng cho rượu, bia chủ yếu sửa đổi bằng cách điều chỉnh tăng phần trăm thuế suất theo lộ trình, chứ không phân loại mức thuế khác nhau theo nồng độ cồn để phản ánh đúng vai trò khác nhau của từng ngành sản phẩm trong đóng góp kinh tế và thúc đẩy tiêu dùng có trách nhiệm.

“Chúng tôi tin rằng cơ chế tính thuế gắn liền với nồng độ cồn là một cơ chế công bằng hơn, minh bạch hơn, dễ dàng dự đoán và giúp ngân sách nhà nước tăng trưởng bền vững và hiệu quả hơn so với cơ chế tính thuế theo giá trị, vừa tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, vừa điều chỉnh hành vi lạm dụng rượu, bia.

Cơ chế tính thuế trên giá xuất xưởng tuy đã tồn tại từ lâu trong khung pháp lý Thuế TTĐB tại Việt Nam nhưng lại khiến chi phí gánh nặng xã hội tăng cao khi chỉ khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm giá rẻ mà quên đi yếu tố về nồng độ cồn-yếu tố gây hại thật sự”, đại diện HEINEKEN Việt Nam chỉ rõ.

Thanh Nga