TS. Lê Xuân Nghĩa: Vàng không có gì ghê gớm, nên để thị trường điều tiết

17:58 18/05/2024

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng "Vàng không có gì ghê gớm, nên để thị trường điều tiết. Trên thế giới coi vàng là một loại hàng hóa rất bình thường".

Ảnh minh họa gettyimages
10 năm qua, giá vàng thế giới đã tăng thêm 140% và đạt mức cao nhất mọi thời đại là 2.431 USD/ounce vào ngày 12/4. Nguồn ảnh Gettyimages.

Chỉ 4 tháng đầu năm, giá vàng đã tăng hơn 30%. Đáng chú ý, giá vàng trồi sụt thất thường, điều chỉnh nhiều lần một ngày. Để tăng cung ra thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện 7 phiên đấu thầu vàng miếng SJC. Nhưng sau các phiên đấu thầu vàng, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới cùng "cơn sốt" vàng chưa có dấu hiệu dừng lại.

TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhiều lần bày tỏ quan điểm của mình cả trong sự kiện lẫn bên lề. Ông thường nhắc lại: "Vàng không có gì ghê gớm, nên để thị trường tự điều tiết. Trên thế giới, vàng chỉ được coi là một loại hàng hóa rất bình thường. Nhưng ở Việt Nam, vàng lại trở nên đáng lo ngại, có thời điểm chúng ta hoảng loạn vì vàng".

Về sự chênh lệch giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới, ông Nghĩa nhấn mạnh rằng sự chênh lệch này là vô lý.

Việc thiếu nguồn cung phần nào đã dẫn đến sự chênh lệch giá. Thêm vào đó, trong bối cảnh các kênh đầu tư trở nên khó khăn hơn và lãi suất tiết kiệm thấp, người dân chọn đầu tư vào vàng, làm tăng nhu cầu.

Ông Nghĩa cho rằng vàng nên trở lại trạng thái "bình thường", không cần phản ứng chính sách quá mức như thời gian qua.

Trong nhiều lần trao đổi với báo chí về thị trường vàng, ông Nghĩa còn khẳng định rằng, để tăng nguồn cung vàng trong nước, cần cho phép các ngân hàng thương mại và các công ty kinh doanh vàng, bạc được xuất nhập khẩu vàng, và Nhà nước chỉ nên kiểm soát bằng thuế.

Ông nhấn mạnh, nếu cho phép nhập khẩu vàng, chỉ trong vòng một tuần, giá vàng trong nước sẽ giảm xuống và ngang bằng với giá vàng thế giới.

Về lo ngại việc nhập khẩu vàng sẽ làm thiếu hụt USD, ông Nghĩa dẫn tính toán của Hội đồng Vàng thế giới rằng nhu cầu vàng trong nước khoảng 50 tấn/năm (tương đương khoảng 3 tỉ USD), chưa bằng 1/5 lượng kiều hối gửi về Việt Nam mỗi năm.

Ông Nghĩa cho rằng việc cho nhập khẩu vàng không cần lo ngại về vấn đề tỷ giá hay "vàng hóa". Bởi vì dù không cho phép nhập khẩu vàng, ngoại tệ vẫn "chảy" vào vàng qua đường nhập lậu. Chênh lệch giá vàng cao khuyến khích nhập lậu vàng.

Nghi Anh