Xây dựng dự thảo Nghị định về nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp

10:08 21/04/2021

Bộ Tài chính chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định quy định về vấn đề quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu DN, đơn vị sự nghiệp công lập và chuyển nhượng vốn nhà nước tại DN.

 Nguồn thu phải nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách

Theo Bộ Tài chính, có 5 chính sách lớn được thể hiện trong dự thảo Nghị định. Thứ nhất, thay đổi mô hình quản lý nguồn thu về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN (Quỹ HTSX&PTDN) hiện nay sang thu trực tiếp về ngân sách nhà nước (NSNN); phân cấp thu giữa ngân sách Trung ương (NSTW) và ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015. Thứ hai, quy định cụ thể nội dung nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa (CPH) DNNN và đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại DN nộp về ngân sách nhà nước. Thứ ba, quy định các nội dung ưu tiên chi từ ngân sách nhà nước cho mục tiêu hỗ trợ cho quá trình sắp xếp, cơ cấu lại, CPH DN và đơn vị sự nghiệp công lập từ nguồn thu sắp xếp, cổ phần hóa DN và đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển nhượng vốn nhà nước tại DN. Thứ tư, hoàn trả cho các địa phương các khoản thu từ sắp xếp, CPH DN, đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển nhượng vốn nhà nước tại các DN thuộc địa phương đã nộp về Quỹ HTSX&PTDN từ ngày Luật NSNN năm 2015 có hiệu lực (1/1/2017). Thứ năm, xử lý tồn tại khoản lãi chậm nộp từ khoản thu CPH DNNN, thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước tại DN. 

  Nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp sẽ nộp vào ngân sách nhà nước (ảnh: minh họa).

Về nguyên tắc quản lý, sử dụng nguồn thu, dự thảo Nghị định quy định các khoản thu từ chuyển đổi sở hữu DN, đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển nhượng vốn nhà nước và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại DN sau khi đã trừ các chi phí về sắp xếp, cơ cấu lại DN, đơn vị sự nghiệp công lập phải nộp đầy đủ, kịp thời vào NSNN. Các khoản thu, chi hỗ trợ từ NSNN theo quy định tại dự thảo Nghị định này phải được lập dự toán NSNN. Khoản thu của DN, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc trung ương nộp vào ngân sách trung ương; khoản thu của DN, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc địa phương nộp vào ngân sách địa phương. Các khoản chi hỗ trợ chỉ được thực hiện khi có dự toán được cấp có thẩm quyền quyết định và ưu tiên cho chi đầu tư phát triển theo quy định tại Nghị định này. Việc lập dự toán chi đầu tư phát triển thực hiện theo quy định của Luật NSNN, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN và Luật Đầu tư công.

Liên quan đến nguồn thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước tại các DN đã bàn giao về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Bộ Tài chính bổ sung quy định nguồn thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại các DN đã chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC nộp NSNN theo chỉ đạo của Chính phủ (nếu có). Nội dung này được bổ sung trên cơ sở rà soát thực tế quá trình chỉ đạo điều hành ngân sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến nguồn thu này để bổ sung nguồn thu ngân sách (thông qua Quỹ HTSX&PTDN) phục vụ các nhiệm vụ chi theo Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua cũng như nhu cầu bổ sung, điều hành ngân sách trong giai đoạn tiếp theo trong điều kiện nguồn thu ngân sách khó khăn. Theo Bộ Tài chính, việc thực hiện thu vào ngân sách nguồn thu này vẫn đảm bảo phù hợp với quy định của Luật NSNN (thu hồi vốn nhà nước đầu tư tại các tổ chức kinh tế thuộc trung ương và địa phương).

Ưu tiên tái đầu tư phát triển DN

Quy định về các nội dung chi hỗ trợ của NSNN, dự thảo Nghị định quy định 2 nhóm gồm chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển. Về chi thường xuyên, đây là các khoản chi hoàn trả tiền nộp thừa, chi bù đắp nguồn còn thiếu các khoản thuộc trách nhiệm chi của Nhà nước theo quy định của pháp luật về CPH và hình thức sắp xếp, chuyển đổi sở hữu khác, chuyển nhượng vốn nhà nước, gồm: chi xử lý lao động dôi dư, tinh giản biên chế; chi bù đắp các khoản chi liên quan đến CPH...

Về chi đầu tư phát triển có 2 nhóm chi. Nhóm hỗ trợ đầu tư vốn nhà nước vào các DN theo quy định tại Luật số 69/2014/QH13, gồm đầu tư vốn nhà nước để thành lập DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đang hoạt động; đầu tư bổ sung vốn nhà nước để tiếp tục duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên; đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ DN;

Đối với nhóm chi đầu tư phát triển theo quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công, Bộ Tài chính cho biết, nội dung này bao hàm cả chi đầu tư cho các dự án quan trọng, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội cấp bách (theo từng trường hợp, dự án đầu tư cụ thể) theo định hướng của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội. Ngoài ra, đối với ngân sách Trung ương, có thêm nội dung chi đầu tư phát triển theo Nghị quyết của Quốc hội.

Theo Bộ Tài chính, mục đích của việc xây dựng dự thảo Nghị định này là nhằm hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn thu từ cơ cấu lại vốn nhà nước tại DN phù hợp với quy định của Luật NSNN. Khoản thu này phải nộp đầy đủ, kịp thời và phải được đưa vào dự toán NSNN hàng năm, kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Việc ban hành dự thảo Nghị định này cũng là để quản lý, sử dụng nguồn thu có hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch. Nguồn thu được sử dụng để tái đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, hình thành và phát triển các DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có tiềm lực tài chính mạnh, quỹ đầu tư lớn của Nhà nước, đồng thời hỗ trợ cho quá trình cơ cấu lại DNNN và sử dụng cho chi đầu tư phát triển theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

PV(t/h)