Dự thảo quy định về doanh nghiệp thuộc trường hợp rủi ro cao về phát hành, sử dụng hóa đơn

10:22 12/04/2021

Những doanh nghiệp, tổ chức kinh tế thuộc loại rủi ro cao về thuế; Bộ Tài chính quy định trách nhiệm của Tổng cục Thuế; từ ngày 1/7/2022 chính thức bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử...

Bộ Tài chính vừa công bố lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ về hóa đơn chứng từ.

Theo định nghĩa trong Thông tư 32/2011/TT-BTC HĐĐT Hóa đơn điện tử là tập hợp các thông điệp dữ liệu điện tử về bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, được khởi tạo, lập, gửi, nhận, lưu trữ và quản lý bằng phương tiện điện tử

Theo định nghĩa trong Thông tư 32/2011/TT-BTC HĐĐT Hóa đơn điện tử là tập hợp các thông điệp dữ liệu điện tử về bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, được khởi tạo, lập, gửi, nhận, lưu trữ và quản lý bằng phương tiện điện tử. (Ảnh: minh họa)

Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số nội dung về hóa đơn, chứng từ điện tử theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ bao gồm: ủy nhiệm lập hóa đơn điện tử; mẫu hiển thị các loại hóa đơn điện tử; tên liên hóa đơn điện tử ký hiệu mẫu số hóa đơn điện tử, ký hiệu hóa đơn điện tử; các trường hợp rủi ro cao áp dụng hóa đơn điện tử của cơ quan thuế; áp dụng hóa đơn điện tử đối với trường hợp đặc biệt.

Ngoài ra, dự thảo Thông tư cũng hướng dẫn một số nội dung của hóa đơn giấy, hủy hóa đơn giấy và hướng dẫn xử lý chuyển tiếp.

Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế thuộc diện rủi ro cao về thuế

Dự thảo này quy định về việc áp dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, dịch vụ đối với một số trường hợp rủi ro cao về thuế. Theo đó, người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thuộc trường hợp rủi ro cao về thuế thì sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế thuộc loại rủi ro cao về thuế là doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu dưới 15 tỷ đồng và có một trong các dấu hiệu sau: không có quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp các cơ sở vật chất (phù hợp với ngành nghề đăng ký kinh doanh trên đăng ký thuế); doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khai thác đất, đá, cát, sỏi; doanh nghiệp có giao dịch qua ngân hàng đáng ngờ theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền; doanh nghiệp có doanh thu từ việc bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp khác mà chủ các doanh nghiệp này có mối quan hệ cha mẹ, vợ chồng, anh chị em ruột hoặc quan hệ liên kết sở hữu chéo chiếm tỷ trọng trên 50% trên tổng doanh thu kinh doanh trên tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của năm quyết toán...

Dự thảo Thông tư này cũng quy định về doanh nghiệp thuộc trường hợp rủi ro cao về phát hành, sử dụng hóa đơn. Đó là cơ sở kinh doanh mới thành lập (hoạt động dưới 12 tháng) có một trong các dấu hiệu: không góp vốn điều lệ theo quy định; đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề; chủ doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại địa phương khác nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; doanh thu tăng đột biến (kỳ kê khai trước doanh thu rất thấp, xấp xỉ bằng 0 nhưng kỳ sau đột biến về doanh thu); giá trị hàng hóa bán ra, thuế giá trị gia tăng đầu ra bằng hoặc chênh lệch rất nhỏ so với giá trị hàng hóa mua vào, thuế giá trị gia tăng đầu vào.

Về ngành nghề, những trường hợp rủi ro cao về phát hành, sử dụng hóa đơn như: cơ sở kinh doanh các ngành nghề kinh doanh siêu thị (bán lẻ hàng hóa tiêu dùng, hàng điện máy); kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn; kinh doanh vận tải; kinh doanh vật liệu xây dựng; kinh doanh xăng dầu, kinh doanh khoáng sản (than, cao lanh, quặng sắt...); kinh doanh nông lâm sản (dăm gỗ, gỗ ván, gỗ thanh,…).

Ngoài ra, cũng có một số trường hợp có rủi ro cao về phát hành hóa đơn như: các doanh nghiệp có doanh thu lớn nhưng kho hàng không tương xứng (hoặc không có kho hàng, không phát sinh chi phí thuê kho), không có tài sản cố định, hoặc lực lượng lao động không tương xứng (dưới 10 lao động); doanh nghiệp thành lập và hoạt động trên địa bàn tỉnh này nhưng có hóa đơn đầu vào thuê nhân công của doanh nghiệp tỉnh khác; doanh nghiệp thay đổi người đại diện trước pháp luật từ 2 lần trở lên trong vòng 12 tháng hoặc thay đổi người đại diện trước pháp luật đồng thời chuyển địa điểm kinh doanh...

Tổng cục Thuế có trách nhiệm xây dựng tiêu chí rủi ro

Cũng Tại dự thảo này, Bộ Tài chính quy định Tổng cục Thuế có trách nhiệm xây dựng tiêu chí rủi ro trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền;

Tổng cụ Thuế xây dựng quy trình nghiệp vụ và hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin áp dụng thống nhất trong toàn quốc nhằm đánh giá xác định các trường hợp có dấu hiệu rủi ro trong việc phát hành và sử dụng hóa đơn.

Ngoài ra, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp (Cục thuế, Chi cục thuế) có trách nhiệm thông báo cho doanh nghiệp, tổ chức kinh tế thuộc trường hợp rủi ro cao về thuế chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.

Dự thảo nêu rõ, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có sử dụng hóa đơn điện tử thuộc trường hợp rủi ro cao về thuế thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế trong 12 tháng hoạt động liên tục kể từ thời điểm cơ quan thuế quản lý trực tiếp thông báo chuyển sang áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan Thuế.

Sau thời gian 12 tháng, Cơ quan Thuế qua rà soát xác định nếu doanh nghiệp, tổ chức kinh tế không thuộc trường hợp rủi ro đáp ứng được điều kiện sử dụng hoá đơn điện tử không mã thì cơ quan thuế thông báo để doanh nghiệp, tổ chức thực hiện đăng ký sử dụng hoá đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.

Các quy định về chứng từ điện tử là một trong những nội dung đáng chú ý nhất tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP được ban hành ngày 19/10/2020. Chứng từ điện tử có vai trò quan trọng trong công tác kế toán, kiểm toán nội bộ và pháp lý của doanh nghiệp. Đặc biệt là khi các giao dịch điện tử được áp dụng tại doanh nghiệp ngày càng trở nên phổ biến, nắm được các quy định về loại chứng từ này sẽ giúp doanh nghiệp thực hiện các nghiệp vụ và quản lý dễ dàng hơn.

Khoản 5, Điều 3 của Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định: Chứng từ điện tử bao gồm các loại chứng từ, biên lai theo khoản 4 Điều này được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân có trách nhiệm khấu trừ thuế cấp cho người nộp thuế hoặc do tổ chức thu thuế, phí, lệ phí cấp cho người nộp bằng phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật phí, lệ phí, pháp luật thuế.”

Như vậy, chứng từ điện tử theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP bao gồm các chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân, biên lai thuế, phí, lệ phí được thể hiện theo hình thức điện tử.

Chính thức bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử từ ngày 1/7/2022

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định về hóa đơn, chứng từ. Theo đó, hóa đơn giấy sẽ chỉ được sử dụng đến hết ngày 30/6/2022, từ ngày 1/7/2022 chính thức bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử.

Nghị định số 123/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2022 quy định, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã thông báo phát hành hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in, hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế, hoặc đã đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, đã mua hóa đơn của cơ quan thuế trước ngày Nghị định này ban hành vẫn tiếp tục được sử dụng đến ngày 30/6/2022 và thực hiện các thủ tục về hóa đơn theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ.

Trong trường hợp từ ngày Nghị định này được ban hành đến ngày 30/6/2022, nếu cơ quan thuế thông báo cơ sở kinh doanh chuyển đổi để áp dụng hóa đơn điện tử, nhưng cơ sở kinh doanh chưa đáp ứng về hạ tầng công nghệ thông tin, mà tiếp tục sử dụng hóa đơn giấy thì cơ sở kinh doanh gửi dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế theo mẫu, cùng với tờ khai thuế giá trị gia tăng. Cơ quan thuế xây dựng dữ liệu về hóa đơn của các cơ sở kinh doanh để đưa vào cơ sở dữ liệu hóa đơn và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để phục vụ việc tra cứu dữ liệu về hóa đơn.

Đối với cơ sở kinh doanh mới thành lập trong thời gian từ ngày Nghị định này được ban hành đến ngày 30/6/2022, trường hợp cơ quan thuế thông báo cơ sở kinh doanh thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định của Nghị định này thì cơ sở kinh doanh thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan thuế. Trường hợp chưa đáp ứng về điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, mà tiếp tục áp dụng hóa đơn giấy thì được sử dụng đến ngày 30/6/2022 và thực hiện các thủ tục về hóa đơn theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ.

Nghị định số 123/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2022, tuy nhiên, Nghị định cũng khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử theo Nghị định này trước ngày 1/7/2022.

 Phương Ngân