Uniqlo đặt niềm tin vào xu hướng bán quần áo đã qua sử dụng

09:43 10/06/2024

Ngoài việc cung cấp quần áo đã qua sử dụng, Uniqlo cũng đang nghiên cứu về việc tái chế các sản phẩm. Chẳng hạn như đơn vị Re.Uniqlo, dự án được ra mắt vào năm 2020.

Uniqlo sẽ mở rộng việc bán quần áo đã qua sử dụng
Uniqlo mở rộng việc bán quần áo đã qua sử dụng.

Hòa vào xu hướng tái chế đang lan rộng nhanh chóng tại Nhật Bản, từ tháng 4 vừa qua, cửa hàng Tenjin của Uniqlo ở phường Chuo, thành phố Fukuoka, đã bắt đầu triển khai hoạt động bán quần áo đã qua sử dụng.

Để có thể bán những quần áo này, Uniqlo phải làm sạch và nhuộm lại quần áo tại một nhà máy chuyên dụng. Quần áo đã qua sử dụng nhìn chung có giá bán thấp hơn hàng mới, ngoại trừ một số mặt hàng được nhuộm lại.

Hiện có khoảng 300-400 mặt hàng luôn có sẵn tại cửa hàng Tenjin và sẽ chỉ được bán đến hết ngày 31/8. Sau đó, Uniqlo sẽ tổng hợp phản hồi của khách hàng để xác định liệu có tiếp tục mô hình này lâu dài hay không. Ngoài Tenjin, một cửa hàng khác cũng bày bán quần áo Uniqlo đã qua sử dụng là cửa hàng ở phường Setagaya thuộc thủ đô Tokyo.

Đại diện Bộ phận Quan hệ công chúng của Uniqlo cho biết, Fukuoka là nơi có nhiều cửa hàng bán quần áo cũ nên công ty nhận thấy đây là khu vực phù hợp nhất để chạy thử chương trình, ngoài Tokyo. Trong khi đó, Giám đốc cửa hàng Tenjin, Yuko Mitsuki, bày tỏ hy vọng khách hàng sẽ thích thú với mặt hàng đã qua sử dụng và góp phần vào xu hướng tái chế đang lan rộng trong xã hội.

Tháng 10/2023, Uniqlo dựng một cửa hàng tạm thời để bán các sản phẩm đã qua sử dụng tại quận Harajuku (Tokyo). Cửa hàng kéo dài trong 12 ngày đã thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng, từ sinh viên cho đến khách du lịch quốc tế. Cửa hàng này cung cấp khoảng 400-500 sản phẩm đã được nhuộm màu và gia công lại. Giá bán của các sản phẩm dao động từ 1.500 yên (10 USD) cho một chiếc áo len, 1.000 yên cho một chiếc áo khoác lông cừu, và 3.990 yên cho một chiếc quần chinos. Chiếc áo len cashmere cũng được bán với giá 3.000 yên, chỉ bằng khoảng 1/3 so với giá của một cái áo hoàn toàn mới.

“Nhiều khách hàng đã đến cửa hàng và cho biết chất lượng và giá cả các món đồ rất tương xứng”, ông Koji Yanai, Giám đốc đơn vị Bán lẻ nhanh, cho biết.

Từ năm 2006, Uniqlo đã thu gom quần áo đã qua sử dụng để quyên góp cho các trại tị nạn và khu vực thiên tai. Tính đến tháng 8/2022, khoảng 50,5 triệu mặt hàng đã được quyên góp cho 80 quốc gia và khu vực.

Ngoài việc cung cấp quần áo đã qua sử dụng, Uniqlo cũng đang nghiên cứu về việc tái chế các sản phẩm. Chẳng hạn như đơn vị Re.Uniqlo, dự án được ra mắt vào năm 2020, với nhiệm vụ phối hợp cùng Fast Retailing thu gom quần áo từ người tiêu dùng và biến chúng thành các sản phẩm mới, bao gồm cả áo khoác lông vũ. Việc tái chế áo khoác lông vũ được kết hợp cùng với Toray. Áo khoác lông vũ thu mua từ các cửa hàng sẽ được phân loại theo chất liệu, lông tơ và lông vũ sẽ được làm sạch. 

Theo Uniqlo, lượng khí thải carbon dioxide (CO2) từ quá trình sản xuất áo khoác lông vũ tái chế này ít hơn khoảng 20% so với áo khoác thông thường. Bên cạnh đó, Uniqlo cũng triển khai dịch vụ sửa đồ Re.Uniqlo Studio từ tháng 9/2022 tại một cửa hàng ở London. Tính đến tháng 10/2023, dịch vụ này đã có mặt tại 35 cửa hàng trên 16 thị trường khác nhau. Kế hoạch trong tương lai của Unqilo là tăng số lượng cửa hàng tham gia dịch vụ này lên hơn 50 cửa hàng vào năm 2024.

Uniqlo, nỗ lực thu gom và tái chế quần áo đã qua sử dụng để giảm khí thải carbon và bảo vệ môi trường.
Uniqlo, nỗ lực thu gom và tái chế quần áo đã qua sử dụng để giảm khí thải carbon và bảo vệ môi trường.

Các đối thủ nước ngoài của Uniqlo cũng đang cố gắng thu gom và tái chế quần áo đã qua sử dụng. Chẳng hạn thương hiệu Hennes & Mauritz (Thụy Điển) đã bắt đầu bán đồ cũ vào năm 2013 và thu thập quần áo của mọi thương hiệu. Zara đã ra mắt dịch vụ bán và sửa chữa đồ cũ tại Pháp, Anh và lãnh đạo hãng này cho biết dịch vụ này sẽ tiếp tục mở rộng sang Đức.

Gã khổng lồ thương mại điện tử giá rẻ Shein cũng đã sớm ra mắt dịch vụ bán lại ngang hàng trên ứng dụng - Shein Exchange. Shein Exchange sẽ giúp người bán đăng những bộ quần áo cũ của hãng mà họ không dùng nữa lên trên nền tảng. Nó cho phép người bán trao đổi ngang hàng, đổi lấy những bộ quần áo mình thích của người khác.

Dữ liệu từ hãng tư vấn McKinsey & Co. (Mỹ) cho thấy, lượng khí thải nhà kính từ ngành may mặc và giày dép rơi vào khoảng 2,1 tỷ tấn năm 2018, tương đương 4% toàn cầu. Những con số kinh khủng này đã thôi thúc các chính phủ phải ra tay nhằm tạo thay đổi. Hạ viện Pháp mới đây đã thông qua dự luật xử phạt các sản phẩm “thời trang nhanh”. Dự luật đề xuất tăng dần các hình phạt lên tới 10 Euro (11 USD) cho mỗi mặt hàng quần áo đến năm 2030, đồng thời cấm quảng cáo các sản phẩm này.

Các hãng thời trang nhanh có vẻ bắt đầu buộc phải có những hành động “hướng tới” phát triển bền vững dưới sức ép của dư luận và các nhà làm luật. Bán đồ cũ là một trong số những hành động đó.

Tuy vậy, mặt khác, các hãng này lại đang đua nhau giảm giá để cạnh tranh, chiếm thị trường. Giá quần áo mới bị đẩy xuống rất rẻ. Điều này có vẻ sẽ thúc đẩy người tiêu dùng mua đồ mới nhiều hơn, vô hình trung biến hành động bán đồ cũ để bảo vệ môi trường dường như trở nên vô nghĩa.

Phương Anh (T/h)

Tags: