Những nguyên tắc cốt lõi giúp tỷ phú Tadashi Yanai biến Uniqlo thành thương hiệu toàn cầu

16:37 06/09/2023

Từ khi bắt đầu kinh doanh, tỷ phú Tadashi Yanai đã không ngừng học hỏi, tiếp thu và xây dựng "công thức kinh doanh" cho riêng mình. Cốt lõi của những nguyên tắc này có thể được diễn giải qua những điều quan trọng sau.

Ảnh minh họa

1. Khách hàng là nhân tố quan trọng nhất

Trong danh sách quy tắc kinh doanh của Yanai, ông đặt mức độ ưu tiên cho hai mục tiêu quan trọng là: "Đáp ứng nhu cầu của khách hàng và tạo ra khách hàng mới". Những mục tiêu này đã thấm sâu vào cách ông quản lý kinh doanh từ những ngày đầu tiên.

Tỷ phú này đã thể hiện quan điểm của mình bằng cách nói: "Sự tồn tại của một doanh nghiệp phụ thuộc vào sự hiện diện của khách hàng. Vì vậy, khách hàng phải được đặt ở trung tâm của mô hình kinh doanh. Đây cũng chính là nguyên tắc cốt lõi của Uniqlo".

Uniqlo xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm và dịch vụ dựa trên nhu cầu của khách hàng. Điều này được minh chứng thông qua việc họ tận tâm chăm sóc khách hàng. Tất cả các quá trình, từ tuyển dụng và đào tạo nhân viên cho đến từng chi tiết nhỏ trong việc phục vụ, đều được Uniqlo triển khai một cách tỉ mỉ và cẩn thận.

2. Doanh nghiệp thành công phải cống hiến cho xã hội

Theo Yanai, giá trị của một doanh nghiệp liên quan chặt chẽ đến những đóng góp mà doanh nghiệp đó có thể mang lại cho xã hội. Yanai chia sẻ: "Khi doanh nghiệp ngày càng phát triển, tôi nhận thấy rằng Uniqlo cần cam kết hết mình vì cộng đồng, bởi chỉ có điều này mới có thể giúp doanh nghiệp phát triển bền vững."

Thực tế, Uniqlo đã hợp tác với Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn để cung cấp khoảng 20,3 triệu bộ quần áo cho người gặp khó khăn. Tadashi Yanai cũng đã được Hiệp hội châu Á (Asia Society) vinh danh bằng giải thưởng "Asia Game Changer" để tôn vinh những đóng góp của ông trong lĩnh vực hoạt động xã hội.
Ảnh minh họa
3. Luôn lạc quan và học hỏi từ thất bại
Tương tự nhiều doanh nhân khác, CEO của Uniqlo cũng đã trải qua sự thất bại. Uniqlo đã gặp khó khăn trong việc mở rộng thị trường sang Anh, kế hoạch ban đầu là thành lập 21 cửa hàng tại đất nước này nhưng phải đóng cửa vì quản lý kém hiệu quả. Đồng thời, Uniqlo cũng đã gặp khó khăn tại thị trường Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Mặc dù đã đối diện với nhiều thất bại, vị tỷ phú 68 tuổi này đã nói rằng ông không bao giờ cảm thấy nản lòng. Triết lý cuộc sống của ông là "chín thất bại, một thành công." Ông luôn tin rằng mỗi khó khăn và trở ngại đều là những bước đệm để chạm đến sự thành công trong tương lai.
4. Có tầm nhìn xa
Yanai có quyết tâm biến Uniqlo thành một tập đoàn toàn cầu. Hơn 10 năm trước, thương hiệu này chỉ có 100 cửa hàng ở Nhật Bản. Đến cuối tháng 8/2017, Uniqlo đã mở 1.920 cửa hàng trên toàn cầu. Ông chủ của tập đoàn cũng đã chia sẻ về mục tiêu đưa Fast Retailing (công ty mẹ của Uniqlo) trở thành tập đoàn thời trang lớn nhất thế giới vào năm 2020 với doanh thu hằng năm khoảng 41,7 tỷ USD.
5. Không được phép sai sót 
Là một doanh nhân hoạt động trong ngành công nghiệp thời trang, Yanai rất tỉ mỉ và luôn chú ý đến những chi tiết nhỏ nhất. Ông đã thể hiện quan điểm của mình bằng câu nói: "Một sai lầm nhỏ có thể dẫn đến một khoảng cách lớn; thậm chí lỗ hổng chỉ 1mm cũng có thể tạo nên sự khác biệt đáng kể theo thời gian".
Vì lý do này, mọi nhân viên tại cửa hàng Uniqlo đều trải qua quá trình đào tạo chi tiết và chặt chẽ, từ việc gấp quần áo cho đến kỹ năng trao đổi sản phẩm và cách xử lý thẻ tín dụng. Hơn nữa, tất cả các hành động và cử chỉ của nhân viên cửa hàng đều được quản lý thông qua quá trình ghi hình của hệ thống camera giám sát.

H.C (t/h)