Trung Quốc tập trung vực dậy kinh tế nông thôn và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ siêu nhỏ

15:27 28/08/2021

Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBOC) tuyên bố sẽ hỗ trợ tài chính cho phát triển nông thôn bằng các công cụ chính sách như tái cấp vốn và tái chiết khấu. PBOC cũng thúc giục hệ thống ngân hàng và các công ty tài chính tăng dòng tín dụng cho nông thôn, đặc biệt với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) đang đối diện với hồi phục kinh tế không ổn định và không bằng phẳng, bên cạnh môi trường bên ngoài “vô cùng phức tạp và khắc nghiệt”.

Thống đốc PBOC Dịch Cương đã cam kết bơm thêm vốn và tăng cường các nỗ lực để giảm lãi suất cho vay “thật sự thấp” đối với doanh nghiệp. Trong bình luận trên trang nhất của nhật báo China Securies Journal sáng 27-8, các nhà phân tích nói rằng PBOC sẽ giảm bớt tỉ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng thương mại sau lần đột ngột giảm tỷ lệ này vào tháng 7 vừa rồi.

Lần cuối cùng PBOC hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc là tháng 4-2020 khi Trung Quốc đang trong đỉnh dịch đợt đầu, với 1 điểm phần trăm đối với các định chế tài chính nông thôn và ngân hàng thương mại khu vực. Kết quả là có thêm 400 tỉ nhân dân tệ, hay 61,7 tỉ đô la, được bơm về vùng nông thôn – theo Bloomberg.

Hội nghị chính sách PBOC năm nay được tổ chức sớm hơn thường lệ đến ba tháng. Điều này dẫn đến sự đồn đoán rằng chính quyền trung ương thật sự lo lắng khi tăng trưởng tín dụng đang kém đi, khiến cỗ máy tăng trưởng chậm lại. 

Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBOC) Dịch Cương cam kết tăng tín dụng cho nông thôn bằng việc điều chỉnh các công cụ chính sách. Ảnh: Reuters

Theo trang tin tài chính Caixin, các dữ liệu được PBOC công bố đầu tháng 8 cho thấy các khoản vay mới hay quỹ do các định chế tư nhân huy động đang trên đà yếu đi. Trong tháng 7, tổng các nguồn tài chính xã hội, một thước đo tổng quát về tín dụng và thanh khoản trong nền kinh tế, đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 2-2020. Con số này giảm chỉ còn 1.060 tỉ tệ trong tháng rồi, so với con số 1.700 tỉ tệ trong tháng 7-2020, tức giảm 31,7%. Dữ liệu của Cục Thống kê quốc gia cũng cho thấy kinh tế chậm lại trong tháng 7, với tăng trưởng tiêu dùng và khu vực dịch vụ rất khiêm tốn.

“Một trong những mục tiêu chính sách của ngân hàng trung ương là khơi dòng tín dụng và ổn định tăng trưởng”, Chung Lĩnh Nam, nhà phân tích về chính sách kinh tế vĩ mô của hãng GF Securities nói.

Trong thông cáo kết thúc hội nghị thường niên, PBOC nói rằng các ngân hàng cần có chính sách cho vay dài hơi, kết nối mục tiêu cho vay của 6 tháng cuối năm 2021 với 6 tháng đầu năm 2022. Nhà phân tích Chung nói rằng PBOC không muốn các ngân hàng thương mại phê chuẩn các khoản vay vào quí 4 năm nay, để đến quí 1 năm tới mới tháo khoán nhằm “tạo thành tích, hay ấn tượng về khởi đầu năm mới tốt đẹp”.

Còn nhà chiến lược Mary Xia của hãng UBS Securities nhận định: “Chúng tôi tin rằng PBOC đã đánh đi tín hiệu rõ ràng từ hội nghị này là khích lệ các ngân hàng sẵn sàng tung tiền ra và PBOC không muốn tăng trưởng tín dụng suy giảm quá nhanh”. Nhưng nữ chiến lược gia này không tin rằng đợt bơm vốn lần này sẽ thuộc loại “khủng”, bởi cần có những biện pháp khác để tính thanh khoản ổn định và giảm chi phí cấp vốn của nhà băng.

Để bơm thêm dòng vốn, PBOC cần khuyến khích các ngân hàng phát hành trái phiếu loại 2 và mở rộng việc sử dụng trái phiếu do chính quyền địa phương phát hành để một lần nữa tạo thêm dòng tín dụng cho các doanh nghiệp MSME. Giảm bớt tỷ lệ dự trữ bắt buộc đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các ngân hàng có thêm nguồn tiền cho doanh nghiệp – nhà phân tích Chung từ GF Securites nói.

PBOC đã không thay đổi mức lãi suất cho vay trung hạn từ tháng 4-2020. Nhưng nhà phân tích ngân hàng cấp cao Vương Dịch Phong của hãng Everbright Securies, cho rằng không cần điều chỉnh lãi suất. “Bởi lãi suất sẽ tự nhiên đi xuống do áp lực của chính sách kinh tế vĩ mô đè xuống và chênh lệch giữa cung cầu trên thì thị trường tín dụng”, nhà phân tích Vương phát biểu.

PV