Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc: Từ tâm điểm đến sự thờ ơ của các nhà đầu tư châu Âu

16:57 07/05/2024

Chuyển biến về tình hình chính trị thế giới và bất đồng về phương án thực thi đã khiến cho nhiều công ty châu Âu không còn mặn mà với việc tài trợ hoặc tham gia vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng với Trung Quốc.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Mặc dù một số doanh nghiệp đa quốc gia tại châu Âu vẫn nhìn thấy tiềm năng từ các dự án có liên quan đến Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, việc thực thi chúng đang ngày càng trở nên khó khăn hơn so với 10 năm về trước do có sự thay đổi mạnh mẽ giữa các quan hệ địa chính trị và những bất đồng trong việc đưa ra phương án nhằm xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng một cách tốt nhất.

Duisport, một doanh nghiệp của Đức vận hành trung tâm vận chuyển bằng đường thủy và đường bộ lớn nhất châu Âu, đã đầu tư 30 triệu đô-la Mỹ vào một điểm trung chuyển đường sắt xuyên biên giới tại Trùng Khánh. Đây được coi là một điểm quan trọng cho sáng kiến - chiến lược toàn cầu của Trung Quốc nhằm tăng cường kết nối khu vực thông qua cơ sở hạ tầng.

Giám đốc điều hành Duisport Markus Bangen cho biết: “Trung Quốc là một trong những điểm đến mà chúng tôi nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng”, đồng thời trích dẫn lưu lượng container vận chuyển liên quan đến quốc gia này của công ty ông đã tăng 15% trong thập kỷ qua. Ông cũng cho biết, doanh nghiệp của ông sẽ tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc.

Các dự án tiêu biểu khác liên quan đến Sáng kiến này gồm đường sắt, sân bay và nhà máy điện có sự tham gia của các công ty ở Pháp, Hà Lan và Anh ở nhiều cấp độ khác nhau. Một số viện trợ gián tiếp khác liên quan đến việc cho phép Trung Quốc đầu tư vào cơ sở hạ tầng châu Âu liên kết với các dự án vành đai và con đường cũng đã được thực hiện.

Tuy nhiên, các công ty nước ngoài có thể thấy việc tham gia vào dự án này đang trở nên khó khăn hơn so với 10 năm trước do những phức tạp về địa chính trị và căng thẳng gia tăng với cả hai bờ Đại Tây Dương.

Alexander Vuving, Giáo sư tại Trung tâm Daniel K. Inouye Châu Á - Thái Bình Dương nghiên cứu về An ninh tại Hawaii, cho biết: “Địa chính trị làm cho đầu tư không còn quá hấp dẫn hoặc không khuyến khích bạn ký hợp đồng phụ với Trung Quốc, và tôi nghĩ thị trường trong nước đã thay đổi sau COVID để trở nên kém thân thiện hơn với người nước ngoài…”

“Điều này khiến các nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc về việc có nên hợp tác với các đối tác Trung Quốc hay không”, ông cho biết.

Christoph Kannengiesser, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Doanh nghiệp Đức - Châu Phi gồm 500 thành viên, cho biết, các công ty đa quốc gia của Đức đã cung cấp các nguyên vật liệu và kiến thức chuyên môn cho các dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc ở châu Phi, bao gồm một cây cầu ở Mozambique và một dự án năng lượng mặt trời ở Niger.

Kannengiesser cho biết, các công ty Đức vẫn muốn hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác Trung Quốc trong các dự án của họ ở châu Phi vì họ hy vọng sẽ bắt kịp tốc độ tương đối nhanh của các nhà phát triển Trung Quốc.

Ông nói thêm, các thành viên của hiệp hội đã nêu ra ý tưởng này tại các sự kiện với các nhà đầu tư Trung Quốc, nhưng cho đến nay vẫn chưa có nhiều thành công.

Ông cho biết, việc tìm kiếm đối tác “không thành công lắm” vì nhiều công ty “do dự” về cách tiếp cận và tiêu chuẩn cho dự án.

Bắc Kinh đã giảm bớt nỗ lực thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn với các đối tác sáng kiến, tập trung vào những gì họ gọi là kế hoạch “nhỏ nhưng đẹp”. Một số công trình xây dựng trước đây của Trung Quốc đã gây ra tranh cãi về các vấn đề bảo vệ môi trường, tạo việc làm và gánh nặng nợ nần của địa phương.

Các công ty Đức đang tham gia vào các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai – Con đường sẽ yêu cầu một mức độ bảo vệ môi trường nhất định cho từng dự án, về cân bằng giới trong lực lượng lao động và cần những bằng chứng về việc các quốc gia châu Phi trong khuôn khổ dự án này có khả năng trả nợ được hay không. Tuy nhiên, theo Kannengiesser, các nhà đầu tư Trung Quốc không muốn thực hiện các quy chuẩn này mà muốn tự làm theo cách của họ.

“Chúng tôi có hợp tác với người Trung Quốc không ấy hả? Nếu là ở một vài khía cạnh thì có, nhưng ở một số dự án có liên quan thì không”. “Các nhà đầu tư Trung Quốc không muốn hợp tác với các nhà đầu tư châu Âu. Họ muốn tự thực hiện theo ý mình”, Kannengiesser cho biết.

Theo một nghiên cứu đăng trên trang chủ của tổ chức nghiên cứu IDDRI thuộc Pháp, trong giai đoạn đầu, Trung Quốc và Pháp đã hợp tác thực hiện 7 dự án cơ sở hạ tầng trị giá hơn 1,7 tỷ đô-la Mỹ ở châu Phi, Đông Nam Á và Đông Âu.

Thành phố London cho biết trong một tuyên bố vào tháng 5 năm 2022 rằng, Trung Quốc và Vương quốc Anh đang “hợp tác chặt chẽ” để làm cho vành đai và con đường trở nên “xanh” hơn dựa trên các nguyên tắc được thiết lập vào năm 2018. Đến nay, người phát ngôn của thành phố đã từ chối cung cấp thông tin cập nhật về lời hứa này.

Trong khi đó, Hà Lan đã cho phép các công ty vận tải biển Trung Quốc đầu tư vào Cảng Rotterdam - cảng biển lớn nhất ở châu Âu và cơ sở dữ liệu hậu cần vận tải Hà Lan Portbase đã đạt được thỏa thuận hợp tác vào năm 2019 với đối tác Trung Quốc Logink.

Naubahar Sharif, người đứng đầu Khoa Chính sách công tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông cho biết, các quan chức Trung Quốc đang thu hút ít đối tác từ các quốc gia phát triển hơn một phần vì họ thực hiện ít dự án ở nước ngoài hơn, thay vào đó khuyến khích các công ty nhà nước tập trung vào phục hồi kinh tế trong nước.

“Trung Quốc đang chú trọng vào việc bình ổn tình hình trong nước hơn”, ông cho biết.

Sharif cũng cho hay, các nước châu Âu hiện nay cũng kém nhiệt tình hơn trong việc tham gia Sáng kiến này so với 3 - 4 năm trước, vì các yếu tố chính trị đã dần ảnh hưởng đến quyết định của họ.

“Có một yếu tố chính trị mạnh mẽ đang khiến các nước phát triển do dự hơn”, Sharif nói, “Việc các quốc gia tham gia vào các dự án do Trung Quốc dẫn đầu sẽ khiến quốc gia đó có nguy cơ bị các quốc gia phát triển khác “cô lập”, và trong bối cảnh chính trị ngày nay, bạn không biết gió sẽ thổi theo hướng nào”.

Tình hình địa chính trị căng thẳng là một trong những lý do khiến các quốc gia châu Âu chần chừ hợp tác cùng Trung Quốc trong Sáng kiến
Tình hình địa chính trị căng thẳng là một trong những lý do khiến các quốc gia châu Âu chần chừ hợp tác cùng Trung Quốc trong Sáng kiến.

Tổng lãnh sự quán Hà Lan tại Hồng Kông cho biết trong một tuyên bố với tờ Post rằng, họ không tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường, mặc dù các công ty Hà Lan “tự quyết định xem họ có muốn hợp tác với các công ty nước ngoài hay không, bao gồm cả các công ty Trung Quốc”.

Tuyên bố cho biết, các công ty từ Hà Lan dự kiến ​​sẽ tuân theo các hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế về “hành vi kinh doanh có trách nhiệm” khi hoạt động ở nước ngoài.

Andy Xie, một nhà kinh tế độc lập có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết, một số công ty Nhật Bản và châu Âu vẫn hỗ trợ về mặt chuyên môn và kỹ thuật cho các dự án của Trung Quốc - mặc dù họ có xu hướng kín tiếng hơn.

Sharif cho biết, các công ty hoặc chính phủ tham gia các dự án của Trung Quốc thường tránh công khai hoặc liên kết các hoạt động của họ với Sáng kiến Vành đai và Con đường. Tuy nhiên, Nexxiot, một công ty Thụy Sĩ 7 năm tuổi chuyên chế tạo các thiết bị cho toa xe lửa và container vận chuyển để số hóa chuyển động của chúng, lại không thận trọng như vậy.

Giám đốc điều hành Công ty Stefan Kalmund cho biết, công ty đang điều hành một nhà máy ở Tô Châu với một đối tác Trung Quốc để sản xuất hàng trăm nghìn chiếc hộp nhỏ mỗi tháng.

Về mặt kỹ thuật, nhà máy này không phải là một dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường, nhưng kết quả mang lại sẽ hỗ trợ cho mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông của Trung Quốc thuộc Sáng kiến này tại các nước đang phát triển.

Kalmund giải thích: “Các container vận chuyển mới đang được sản xuất tại Trung Quốc, vì vậy chúng tôi có một nhà máy ở đó. Có một cuộc đua đang diễn ra để xem ai có thể số hóa những tài sản ấy. Chuỗi cung ứng ngày càng bị ảnh hưởng bởi lợi ích quốc gia.”

Hạ Vũ