Trong khi Singapore mở cửa trở lại, trung tâm tài chính Hồng Kông vẫn chìm trong những hạn chế

18:05 05/06/2022

Trong khi Singapore đã dần dần mở cửa trở lại trong những tháng gần đây, thì Hồng Kông vẫn chìm trong những hạn chế mà các nhà phê bình cho rằng, đang làm mất đi hoạt động kinh doanh và gây nên sự ra đi của nhiều nhân tài

Mọi người xếp hàng để được kiểm tra axit nucleic Covid-19 vào ngày 28 tháng 4 năm 2022 tại Hồng Kông. Trong khi Singapore đã dần dần mở cửa trở lại trong những tháng gần đây, Hồng Kông vẫn chìm trong những hạn chế mà các nhà phê bình cho rằng đang làm mất đi hoạt động kinh doanh và nhân tài, với Singapore là nước được hưởng lợi chính.

Mọi người xếp hàng để được xét nghiệm Covid-19 vào ngày 28 tháng 4 năm 2022 tại Hồng Kông. 

Khi Daniel Chow rời Singapore vào năm 2020 để đến Hồng Kông làm việc, anh kỳ vọng rằng, vợ và hai con trai nhỏ sẽ sang cùng anh ấy ngay khi đại dịch dịu đi và Trung Quốc chuyển hướng khỏi chiến lược “zero-Covid”.

Hiện Daniel Chow đã trở lại Singapore sau hai năm thất vọng, với lý do cuộc sống ở Hong Kong tiếp tục bị hạn chế ngay cả khi các nước khác trên thế giới đã mở cửa trở lại. 

Chow, 43 tuổi, người làm việc trong lĩnh vực dịch vụ đầu tư, cho biết: “Chúng tôi quyết định rằng gia đình tôi sẽ không chuyển đến Hong Kong. Các trường học liên tục đóng cửa, và thành phố có những hạn chế chặt chẽ trong việc di chuyển. Những đứa trẻ là những người phải chịu đựng nhiều nhất”. 

Trong khi Singapore đã dần dần mở cửa trở lại trong những tháng gần đây, thì Hồng Kông vẫn chìm trong những hạn chế mà các nhà phê bình cho rằng, đang làm mất đi hoạt động kinh doanh và gây nên sự ra đi của nhiều nhân tài. Khi đó, Singapore là nước được hưởng lợi chính. 

Singapore là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Á mở cửa biên giới với thế giới. Du lịch đã tăng lên trong những tuần gần đây khi thành phố đã loại bỏ việc kiểm dịch bắt buộc, xét nghiệm trước khi khởi hành cho những người được tiêm chủng và yêu cầu đeo khẩu trang ngoài trời. 

Hồng Kông cũng đã chuyển sang nới lỏng các hạn chế, mở cửa lại biên giới, nối lại các lớp học trực tiếp và cho phép các quán bar và các doanh nghiệp khác bắt đầu hoạt động lại lần đầu tiên kể từ tháng 1.

Nhưng những hành khách đến từ nước ngoài vẫn phải cách ly trong khách sạn bảy ngày với chi phí của riêng họ - một gánh nặng đối với những du khách thường xuyên như Chow, người đã trở lại Singapore để gặp gia đình.

“Điều này thực sự trở thành một yếu tố quan trọng để tôi rời Hong Kong và là một yếu tố thậm chí còn lớn hơn so với những gì đã đưa tôi đến ngay từ đầu, đó là rất nhiều cơ hội trong sự nghiệp”, anh nói.

Hồng Kông đã duy trì các chính sách nghiêm ngặt của mình, quốc gia này đã áp dụng cách tiếp cận “zero-Covid” . 

Carrie Lam, Giám đốc điều hành của Hồng Kông, cho biết vào tháng trước rằng, các yêu cầu kiểm dịch và xét nghiệm khi du khách đến “rất khó có thể được nới lỏng”, với lý do rủi ro của các biến thể mới. Thành phố 7,4 triệu dân đang báo cáo khoảng 200 đến 300 ca nhiễm mỗi ngày.

Người kế nhiệm của Lam, John Lee cho biết, việc mở cửa trở lại với Trung Quốc và phần còn lại của thế giới là một trong những ưu tiên của ông. Nhưng cộng đồng doanh nghiệp của thành phố ngày càng mất kiên nhẫn, với các nhóm vận động hành lang thúc giục các quan chức dỡ bỏ yêu cầu kiểm dịch hoặc ít nhất là cho phép khách du lịch được kiểm dịch tại nhà.

Betty Yuen, tân Chủ tịch của Phòng Thương mại Hồng Kông, nói với đài truyền hình địa phương TVB vào tháng trước: “Có thể tiếp tục hoạt động du lịch là điều quan trọng hàng đầu, cho dù đó là với đại lục hay với nước ngoài. Những hạn chế nghiêm ngặt của chúng tôi đã khiến chúng tôi gần như giống như một hòn đảo bị cô lập”.

Các hạn chế đi lại cũng đã ảnh hưởng đến lịch trình các chuyến bay trong và ngoài Hong Kong, nơi từng có một trong những sân bay bận rộn nhất thế giới. Chỉ có 126.000 hành khách đi qua Sân bay Quốc tế Hồng Kông trong tháng 4, so với 6,5 triệu vào tháng 4 năm 2019.

Willie Walsh, Tổng Giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, nói với các phóng viên tại Singapore vào tháng trước rằng, Hong Kong sẽ mất nhiều năm để phục hồi trở thành một trung tâm hàng không toàn cầu.

Ông nói: “Cơ hội đó sẽ đến với các sân bay khác trong khu vực. Tôi nghĩ rõ ràng Singapore sẽ được hưởng lợi từ điều đó.”

Những hạn chế về đại dịch của Singapore cũng đã đè nặng lên dân số của nó, với một số cư dân nước ngoài cho rằng những điều đó là một trong những lý do để họ rời đi. Tuy nhiên, chính phủ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở cửa lại nền kinh tế trong suốt đại dịch.  

Teo Yik Ying, Giáo sư và là Hiệu trưởng của trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Quốc gia Singapore nói: “Để so sánh, tôi nghĩ rằng không dễ dàng để chính quyền Hồng Kông quyết định chính sách một cách đơn phương, vì chính sách đại dịch của họ gắn liền với Trung Quốc".

Chính phủ Singapore cũng được ca ngợi vì đã tích cực truyền đi thông điệp của họ với công chúng trong thời kỳ đại dịch, điều mà Ying nói đã tạo được sự tin tưởng. 

Mức độ tin cậy đó đang thiếu ở Hồng Kông, nơi các cuộc biểu tình chống chính phủ vào năm 2019 được theo sau bởi một cuộc đàn áp mạnh mẽ đối với những người bất đồng chính kiến. Trong thời gian xảy ra đại dịch, chính phủ đã bị chỉ trích vì các biện pháp phản ứng và thông điệp không nhất quán.

Các cuộc thảo luận về việc rời khỏi Hồng Kông đã tạo lên cơn sốt vào mùa xuân năm nay khi thành phố trải qua đợt bùng phát đại dịch tồi tệ nhất. Những tin tức về việc phong tỏa hoàn toàn, và đặc biệt là lo ngại về việc trẻ em bị chia cắt khỏi cha mẹ bởi các chính sách cách ly, đã khiến hàng nghìn người rời đi, ít nhất là tạm thời.

Singapore là một giải pháp thay thế tối ưu, đặc biệt là đối với những người kinh doanh dịch vụ tài chính. Nhưng cũng có những trở ngại khi chuyển đến đó, khiến một số doanh nghiệp và gia đình Hồng Kông phải suy nghĩ lại về kế hoạch của họ. 

Thành phố gần đây đã thắt chặt các yêu cầu về thị thực lao động đối với công dân nước ngoài vì lo ngại họ sẽ gây nên tình trạng mất việc làm của người Singapore.

“Mọi người ở đây luôn chào đón những người nước ngoài và doanh nghiệp nước ngoài đến Singapore, nhưng điều quan trọng là họ phải gia tăng giá trị cho nền kinh tế địa phương và cho người dân địa phương", Walter Theseira, Phó Giáo sư kinh tế tại trường Kinh doanh- Đại học Khoa học Xã hội Singapore, cho biết.

Giá bất động sản đã tăng ở Singapore ngay cả trước khi xảy ra làn sóng dịch chuyển từ Hồng Kông, điều này cũng đã thúc đẩy nhu cầu tìm chỗ học tại các trường tư thục tăng vọt.

“Đó sẽ là một mối lo ngại đối với các gia đình đang cố gắng chuyển đến đây, bởi vì tôi nghe nói rằng mọi người không thể có được chỗ học trong trường học", Theseira nói.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói rằng, thành phố hoan nghênh sự cạnh tranh hiện có từ Hồng Kông, điều mà ông nói là tạo nên “một khu vực năng động, sôi động”.

“Chúng tôi rất vui khi chào đón họ, nhưng thực sự chúng tôi sẽ hài lòng hơn nếu họ vẫn vui vẻ ở lại Hồng Kông”, ông nói với Ban biên tập của The Wall Street Journal vào tháng Tư. Thủ tướng hy vọng rằng, Hong Kong sẽ sớm mở cửa với các nước khác trên thế giới.

Ông nói: “Hong Kong không chỉ quan trọng đối với bản thân người dân địa phương hay đối với Trung Quốc, mà còn quan trọng về mặt chiến lược với tư cách là một trung tâm kinh tế và giao thông của thế giới".

Lyly