Thuế carbon của Singapore tăng phi mã, vượt qua cả Nhật Bản và Indonesia

12:45 26/02/2022

Singapore sẽ khiến những người gây ô nhiễm nặng phải trả giá đắt trong thập kỷ tới nếu họ không kiềm chế được lượng khí thải carbon dioxide.

Các nhà máy lọc dầu gần các bến cảng Singapore vào năm 2013: Kế hoạch tăng đáng kể thuế carbon của chính quyền thành phố đang gây sóng gió. © Reuters

 Kế hoạch tăng đáng kể thuế carbon của chính quyền Singapore đang trở thành chủ đề nóng. Ảnh Reuters.

Các khoản thuế rõ ràng của trung tâm tài chính đối với lượng khí thải sẽ củng cố vị trí dẫn đầu của họ về tăng trưởng xanh ở châu Á trong những năm tới, vượt xa mức thuế đã kê khai ở các quốc gia khác như Nhật Bản và Indonesia. Mặc dù đất nước này từ lâu được coi là điểm đến kinh doanh có thuế thấp, nhưng chính sách này được đưa ra khi nó tìm kiếm một mô hình kinh tế mới cho thời kỳ hậu COVID và có vẻ như để nhấn mạnh sự quan tâm về môi trường của mình.

Mức thuế hiện tại là 5 đô la Singapore (3,70 đô la)/ tấn, sẽ được nâng lên 25 đô la Singapore vào năm 2024 và 45 đô la Singapore vào năm 2026, theo ngân sách mới được công bố vào đầu tháng này. Đến năm 2030, mức thuế sẽ đạt từ 50 đô la Singapore đến 80 đô la Singapore.

Selena Ling, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và chiến lược ngân quỹ của Oversea-Chinese Banking Corp tại Singapore, cho biết: “Động thái này được đánh giá là rất táo bạo và quyết liệt. Từ quan điểm xã hội, đó là điều đúng đắn cần làm để đóng góp vào sự bền vững".

Trong một lưu ý, Công ty dịch vụ tài chính Morgan Stanley Asia chỉ ra rằng, mức tăng này đánh dấu một mức tăng gấp 10 lần cho đến năm 2030. Thuế carbon sẽ được đánh vào các cơ sở trực tiếp thải ra ít nhất 25.000 tấn khí nhà kính trở lên hàng năm. Điều này sẽ bao gồm khoảng 80% lượng khí thải hàng năm của đất nước.

Nhà kinh tế Denise Cheok của Moody's Analytics đã mô tả mức độ tăng vọt là một sự "bất ngờ". "Việc tăng mạnh thuế các-bon diễn ra khi quốc gia này đặt mục tiêu trở thành một trung tâm 'xanh' ở châu Á-Thái Bình Dương", nhà kinh tế nhận định. 

Rất ít quốc gia ở châu Á đã đặt ra các mức thuế rõ ràng đối với khí thải carbon, lựa chọn các giải pháp thay thế như hệ thống buôn bán khí thải. Ngân hàng Thế giới định nghĩa thuế carbon là một loại thuế định giá đối với lượng khí thải hoặc phổ biến hơn là đối với hàm lượng carbon của nhiên liệu hóa thạch. 

Ví dụ, chương trình của Hàn Quốc chốt ở mức 15,90 USD / tấn carbon dioxide, trong khi ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, tỷ lệ thí điểm cho giao dịch khí thải được đặt ở mức 4,30 USD/ tấn, đơn vị nghiên cứu kinh tế của Malayan Banking cho biết trong một báo cáo.

Các mức thuế dự kiến ​​của Singapore sẽ cao hơn nhiều so với các mức giá đó, chưa kể đến các khoản thuế trực tiếp tương đương của khu vực. Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới tính đến tháng 4 vừa qua cho thấy Nhật Bản đã áp thuế carbon 3 USD/ tấn. Mức thuế của Indonesia, sẽ có hiệu lực vào tháng 4 này đối với các nhà máy nhiệt điện than, sẽ là 2,1 USD/ tấn.

Yu Liuqing, nhà phân tích quốc gia về châu Á tại Economist Intelligence Unit, nói với Nikkei Asia, cho biết: “Thuế carbon mới của Singapore thực sự sẽ là gánh nặng bổ sung cho nhiều doanh nghiệp, bao gồm cả những doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ tiện ích và hóa dầu. Việc tăng thuế carbon đáng kể sẽ tạo thêm áp lực chi phí cho các doanh nghiệp".

Các nhà phân tích Chua Hak Bin, Lee Ju Ye và Thilan Wickramasinghe của Maybank cảnh báo rằng, điều này có thể ảnh hưởng đến các nhà sản xuất phần cứng công nghệ ở Singapore. Họ viết: “Các công ty này cũng có thể có các nhà cung cấp có trụ sở sản xuất ở Singapore, những người cũng có thể bị đánh thuế làm tăng chi phí đầu vào”.

Mức thuế carbon tại các nước (giá mỗi tấn khí nhà kính, tính bằng đô la
Mức thuế carbon tại các nước (mức tiền thuế trên mỗi tấn khí nhà kính, tính bằng đô la). 

Mặc dù vậy, một số doanh nghiệp đã nhanh chóng đón nhận sự thay đổi. Tập đoàn điện tử Nhật Bản Hitachi, duy trì trụ sở khu vực tại Singapore - bao gồm các lĩnh vực kinh doanh từ công nghệ thông tin, truyền thông đến các linh kiện và thiết bị công nghiệp - nói với Nikkei rằng, sức hấp dẫn của đất nước có thể chuyển từ chi phí thấp sang dẫn đầu về đổi mới và bền vững.

Gerald Hane, Giám đốc điều hành cấp cao của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là Tổng Giám đốc phụ trách chiến lược doanh nghiệp tại Hitachi châu Á cho biết: “Hitachi rất mong muốn làm việc với Singapore về các giải pháp sáng tạo tiên phong nhằm đảm bảo tính bền vững lâu dài của nền kinh tế và xã hội của chúng ta.

Ông nói: “Không có kế hoạch chuyển các hoạt động ra khỏi Singapore do thuế carbon này. Chúng tôi xem những chính sách như vậy là cơ hội hơn là gánh nặng."

Ban Thư ký Quốc gia về Biến đổi Khí hậu của Singapore cho biết, thuế carbon sửa đổi là rất quan trọng để giúp đất nước đáp ứng các tham vọng về khí hậu và đạt được một quá trình chuyển đổi xanh toàn xã hội và kinh tế.

"Hành động sớm này mang lại sự chắc chắn và thúc đẩy các doanh nghiệp lên kế hoạch chuyển đổi", Ban thư ký cho biết trong một thông cáo truyền thông sau khi ngân sách được công bố. 

"Điều này cũng giúp các doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh trong một tương lai hướng tới giảm thiểu carbon, bằng cách nâng cao năng lực kinh doanh để đầu tư vào các công nghệ carbon thấp, đồng thời đảm bảo các khoản đầu tư mới và các hoạt động kinh tế phù hợp với một tương lai carbon thấp", ban thư ký nhận định.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, đã đến lúc các nước châu Á cần tăng cường các chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu. Amandeep Bedi, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương về các giải pháp bền vững của công ty tư vấn ENGIE Impact có trụ sở tại Hoa Kỳ, nói với Nikkei rằng "thuế carbon nên ở mức có thể tác động đến hành động của các doanh nghiệp và tổ chức".

"Mức thuế của Singapore trước khi xem xét là 3,7 USD / tấn, thấp hơn" so với phương Tây. Để so sánh, Thụy Điển đã ghi nhận mức thuế carbon cao nhất trên toàn thế giới vào năm 2021 là 137 USD / tấn", Bedi cho biết.

Theo Abhi Bhuchar tại Công ty tư vấn quản lý Mỹ Oliver Wyman, ngay cả khi đất nước này vẫn thua kém các quốc gia phương Tây như vậy, họ đã thiết lập tham vọng rõ ràng là dẫn đầu quá trình khử cacbon ở châu Á. Ông còn dự đoán rằng sự gia tăng sẽ nâng cao sức hấp dẫn của Singapore với tư cách là một trung tâm đầu tư.

"Chính phủ đã đưa ra sự chắc chắn về một con đường để hướng tới mục tiêu khử cacbon, điều này chắc chắn sẽ thu hút vốn đâu tư trong dài hạn. Điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển thị trường carbon và tất cả các khoản đầu tư đi kèm với nó",.Bhuchar nhận định.

Bảo Bảo