Thứ ba 17/09/2024 02:08
Hotline: 024.355.63.010
Thị trường

Người lao động làm việc trong lĩnh vực công nghệ tại Trung Quốc bị vắt kiệt sức lao động bởi các phần mềm quản lý (BàiII)

17/04/2024 16:38
Việc sử dụng các phần mềm quản lý đang ngày càng trở nên phổ biến tại quốc gia này, khiến quyền riêng tư của người lao động bị đe dọa.
aa

Sangfor Technologies là công ty cung cấp giải pháp quản lý trực tuyến lớn nhất tại Trung Quốc. Theo thông tin trên trang chủ, khách hàng của công ty là những ông lớn trong ngành công nghệ như Alibaba - sàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, ByteDance - công ty mẹ của TikTok, Sina Corporation - công ty mẹ của mạng xã hội Weibo, Xiaomi - gã khổng lồ trong mảng điện thoại thông minh và bên cung cấp dịch vụ viễn thông ZTE, cùng với đó là hơn 100.000 doanh nghiệp khác (tính đến 2022). Công ty có trụ sở tại Thâm Quyến này cung cấp các dịch vụ cho phép người sử dụng lao động có thể truy cập vào lịch sử lướt mạng và lịch sử sử dụng ứng dụng trên điện thoại của người lao động khi thiết bị này sử dụng wifi tại nơi làm việc. Dịch vụ này không cần người sử dụng cấp quyền truy cập và có thể chặn một số ứng dụng bị coi là sẽ gây ảnh hưởng đến năng suất làm việc, như nền tảng phát sóng trực tiếp Douyin hoặc các mạng xã hội như Weibo.

Theo Per Blue Whale Media, một chuyên trang về kinh doanh và tài chính tại Trung Quốc, hệ thống giúp tiến hành các dịch vụ nêu trên được gọi là “hệ thống nhận thức hành vi” (behavioral perception system) và đã được cấp bằng sáng chế cho Sangfor vào năm 2018. Cụ thể, hệ thống này sẽ đánh giá những người lao động làm việc không hiệu quả dựa trên thời gian họ dành cho các ứng dụng và các trang web bị coi là không liên quan đến công việc. Nó cũng nhận diện những người lao động có khả năng cao sẽ nghỉ việc dựa trên việc phân tích hoạt động trên mạng của họ, nhưng không giới hạn ở tần suất hoạt động trên các trang web tìm kiếm việc làm; việc gửi đi các file giống sơ yếu lý lịch hoặc hồ sơ xin việc; các cuộc trò chuyện với đồng nghiệp hoặc các e-mail gửi ra ngoài công ty. Khi tiến hành nhắn tin trò chuyện hay gửi mail, những từ ngữ được dùng để nói về người sử dụng lao động như “đối xử tệ hại với nhân viên”, “thiếu tôn trọng”, “lương thấp”… đều sẽ được đánh dấu và gửi về cho người sử dụng lao động.

Tại Trung Quốc và nhiều nơi, các thuật toán đang bắt đầu đưa ra quyết định thay cho con người - Ai nên được tuyển dụng, ai nên bị sa thải và ai nên được thăng chức. Theo trang thông tin chuyên về khoa học công nghệ The Verge của Mỹ cho biết, vào năm 2019, gã khổng lồ thương mại điện tử Hoa Kỳ là Amazon đã bị chỉ trích gay gắt vì đã sử dụng hệ thống máy tính để tự động sa thải hàng trăm nhân viên kho bãi bị hệ thống đánh giá là năng suất lao động thấp.

Năm ngoái, một công ty con của hãng máy ảnh Canon tại Trung Quốc là Công ty Công nghệ Thông tin Canon có trụ sở tại Bắc Kinh đã công bố một hệ thống quản lý tại nơi làm việc chỉ cho phép những người lao động với khuôn mặt tươi cười ra vào tòa nhà và đặt phòng họp. Sử dụng công nghệ “nhận diện nụ cười”, Canon cho biết hệ thống này được thiết lập với mục tiêu đem lại bầu không khí phấn khởi đến nơi làm việc, đặc biệt là trong bối cảnh hậu đại dịch.

Phần mềm này được triển khai tại văn phòng tại Bắc Kinh và được bán ra thị trường tại Singapore. Tuy nhiên, nhiều người lao động cho rằng, công nghệ này đang xâm phạm quyền tự do cá nhân của họ. “Giờ đây các công ty không chỉ kiểm soát thời gian của chúng ta mà họ còn kiểm soát cả cảm xúc của chúng ta luôn”, một người bày tỏ ý kiến của mình trên Weibo.

Ở một chiều hướng khác, trong bài phỏng vấn với Nikkei Châu Á, một người phát ngôn của Canon Trung Quốc đã trả lời rằng việc áp dụng phần mềm trên được cho rằng sẽ giúp tạo ra một bầu không khí tích cực hơn: “Bằng việc cài đặt chế độ “nhận diện nụ cười”, chúng tôi khuyến khích người lao động tạo ra bầu không khí tích cực”, người phát ngôn cho biết. “Thông thường mọi người thường nhút nhát khi bày tỏ cảm xúc thật của mình, nhưng một khi họ đã quen với việc cười ở cơ quan, đến một lúc nào đó họ sẽ dần giữ được nụ cười trên môi mà không cần hệ thống này nữa - điều này sẽ tạo ra một môi trường tươi mới và tích cực”.

Zhongduantong, một công ty phần mềm có trụ sở tại Bắc Kinh, đã phát triển một ứng dụng báo cáo trên điện thoại yêu cầu những người lao động phải tiến hành xác minh vị trí đang ở trong một khoảng thời gian nhất định, đồng thời phải chụp một bức ảnh quang cảnh xung quanh làm bằng chứng thông qua ứng dụng này.

Theo Tân Hoa Xã đưa tin vào năm 2018, việc sử dụng phần mềm định vị thời gian thực này đã khiến một quản lý bán hàng bị phạt 200 Nhân dân tệ (khoảng 700 nghìn đồng) vì bị phát hiện đang làm việc riêng trong thời gian nghỉ trưa. Trong một diễn biến khác, cũng theo thông tin từ Tân Hoa Xã, một nhân viên tại tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc đã bị phạt do lướt mạng xã hội Weibo 10 phút trong nhà vệ sinh của công ty.

“Nhiều ứng dụng [quản lý] có khả năng kiểm tra khi một nhân viên dừng lại ở vị trí nào đó quá lâu so với cần thiết, như trong nhà vệ sinh chẳng hạn” - Alan Li, một blogger chuyên về quyền của người lao động trong lĩnh vực công nghệ cho biết. Ông cũng cho biết, mặc dù đa số các công ty công nghệ không có quy định cụ thể về thời gian vắng mặt, một số công ty lại sử dụng các máy quay giám sát để tính toán thời gian làm việc trung bình của mỗi một người lao động.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Vì Li cũng đồng thời là một quản lý sản phẩm của một trong số các công ty về dịch vụ internet hàng đầu tại Trung Quốc, ông cũng cho biết những thông tin này giúp cho các công ty có lợi thế hơn so với người lao động khi xảy ra tranh chấp.

“Đối với người lao động trong lĩnh vực công nghiệp internet mà nói, mối quan hệ giữa họ và công ty chẳng khác mấy mối quan hệ giữa nhân viên giao hàng và nền tảng giao đồ ăn trực tuyến”, ông nói. Các quy định pháp luật để bảo vệ quyền lợi cho những người lao động toàn thời gian trong lĩnh vực công nghệ, thành thật mà nói thì không khá hơn các quy định trong hợp đồng là mấy. Đa số các trường hợp người lao động đều thiếu căn cứ cũng như quyền lực để bảo vệ quyền lợi của bản thân trong quá trình tranh chấp lao động.

Miếng cơm manh áo của người lao động và lợi ích khổng lồ cho doanh nghiệp

Việc kiểm soát người lao động như trên đã gây không ít phẫn nộ cho những người lao động trong lĩnh vực công nghệ, tuy nhiên đối phó với vấn đề này không hề đơn giản bởi hai yếu tố: Nguồn lao động dồi dào và lợi ích khổng lồ doanh nghiệp có thể nhận được.

Theo báo cáo thu nhập năm 2022 của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, công nhân ngành internet đứng đầu bảng xếp hạng với thu nhập trung bình hàng năm là 220.418 Nhân dân tệ (tương đương khoảng 775 triệu đồng - tăng 24% so với năm 2020), vượt qua thu nhập của một công nhân ngành tài chính trung bình và cao gấp đôi thu nhập của một công nhân lĩnh vực bất động sản. Mức thu nhập trên đã góp phần thu hút không ít lao động trẻ mới ra trường - Những người đang dồi dào nhiệt huyết và muốn cống hiến cho công ty nhất.

Blogger Li cho biết: “Khi các công ty chi nhiều tiền cho nhân viên, họ cảm thấy có quyền tăng khối lượng công việc theo ý muốn”.

Mặc dù khối lượng lao động trong lĩnh vực này vô cùng dồi dào, các công ty thường giới hạn số lượng người được tuyển dụng vào doanh nghiệp với những tiêu chí khắt khe. Mức lương cao và năng suất lao động trong trường hợp này đóng vai trò như cây gậy và củ cà rốt, mục đích nhằm khai thác tối đa giá trị của những nhân tài đang làm việc cho họ, đồng thời tiết kiệm chi phí nhân công hết sức có thể.

Cindy Yang, một nhân viên làm việc cho gã khổng lồ công nghệ Tencent Holding đã phải trải qua sáu vòng thi và phỏng vấn trước khi nhận được thư mời làm việc. Việc cạnh tranh diễn ra căng thẳng đến mức cô gái hiện đang là Thạc sĩ này đã phải bỏ ra 8.000 nhân dân tệ (tương đương khoảng 28 triệu đồng) cho một khóa học bổ túc được thiết kế nhằm hướng dẫn ứng viên cách thức vượt qua phỏng vấn xin việc tại các công ty về internet.

“Trong quá trình phỏng vấn, đa số các công ty công nghệ đều sẽ hỏi bạn có ngại làm thêm giờ không. Bạn chỉ cần ngần ngại một chút thôi là mất cơ hội việc làm luôn”, Yang nói.

Hiện tại cô đang phải làm việc từ 10 giờ sáng đến 10 giờ tối mỗi ngày cùng với những người trong nhóm của mình, được bao ăn trưa và ăn tối trong căng-tin của công ty.

“Tất cả chúng tôi đều cảm thấy khủng hoảng”, cô nói, “Chúng tôi không thể gõ mã như thế này mãi được. Sẽ có những người trẻ hơn chúng tôi, học được công nghệ mới nhanh hơn và sẵn sàng làm việc thêm giờ thay thế”.

Đối với các doanh nghiệp, việc vận dụng hệ thống kiểm soát cho họ nguồn lợi khổng lồ và không thể phủ nhận được ngành công nghiệp công nghệ tại Trung Quốc đang phát triển vượt bậc nhờ nó. Dữ liệu mới nhất của chính phủ cho thấy ngành công nghiệp dịch vụ công nghệ thông tin và phần mềm của Trung Quốc đã thu về 12,33 nghìn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 1,73 nghìn tỷ đô-la Mỹ) doanh thu kinh doanh vào năm 2023, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái, với tốc độ tăng trưởng tăng 2,2% so với năm 2022. Trong một báo cáo, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin của quốc gia này cho biết, số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực này có doanh thu kinh doanh hàng năm vượt quá 20 triệu nhân dân tệ đã vượt quá 38.000 vào năm 2023. Bất chấp kinh tế khủng hoảng, lợi nhuận của ngành này vẫn ổn định trong năm qua, với tổng lợi nhuận gộp đạt gần 1,46 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2023, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái và tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tăng 7,9% so với năm 2022.

Hạ Vũ

Bài liên quan
Tin bài khác
Huawei và hành trình 5 năm vượt khó cấm vận của Mỹ

Huawei và hành trình 5 năm vượt khó cấm vận của Mỹ

Sau lệnh cấm vận của Mỹ vào năm 2019, Huawei buộc phải tìm cách khôi phục vị thế bằng cách tự phát triển chuỗi cung ứng chip trong nước.
Gần 1.100 tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị bão lũ

Gần 1.100 tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị bão lũ

Tính đến 17 giờ ngày 15/9, các tổ chức, cá nhân đã chuyển về tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương với tổng số tiền là 1.094 tỷ đồng.
OpenAI vừa ra mắt mô hình AI đầu tiên có khả năng lập luận

OpenAI vừa ra mắt mô hình AI đầu tiên có khả năng lập luận

Phiên bản xem trước của mô hình AI mới này sẽ có sẵn thông qua chatbot phổ biến của OpenAI là ChatGPT, dành cho người dùng Plus và team trả phí.
Mobifone: Canh tác nông nghiệp thuận lợi với ‘túi khôn’ 4.0

Mobifone: Canh tác nông nghiệp thuận lợi với ‘túi khôn’ 4.0

Nền tảng mobiArgi giúp nhà nông nâng cao hiệu suất canh tác, tạo ra sự đột phá về chất lượng cây trồng từ đó gia tăng lợi thế cạnh tranh.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là "chất xúc tác" quan trọng trong hoạt động ngoại giao nhân dân

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là "chất xúc tác" quan trọng trong hoạt động ngoại giao nhân dân

Cộng đồng người Việt tại Phần Lan luôn được Chính phủ Phần Lan đánh giá cao và là một trong 4 nước của chương trình Thu hút nhân tài của chính phủ Phần Lan.
lp-bank
tms-group
sanghai-fair
ubnd-xa-hoa-son