Ngày 15/5/2019, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa Huawei vào "Danh sách Thực thể" (Entity List), cấm các công ty Mỹ cung cấp công nghệ và linh kiện cho công ty này mà không có giấy phép đặc biệt. Lý do khiến Mỹ đưa ra quyết định này vì mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, do phía Mỹ lo sợ Huawei có thể cài cắm thiết bị của họ và dùng chúng vào hoạt động do thám, dù Huawei đã phủ nhận cáo buộc này.
Huawei đã trải qua 5 năm vượt khó cấm vận của Mỹ. |
Quyết định bất ngờ của Bộ Thương mại Mỹ ngay lập tức làm gián đoạn chuỗi cung ứng của Huawei, khiến công ty thiếu hụt trầm trọng công nghệ và linh kiện từ các công ty Mỹ, bao gồm cả chip bán dẫn và phần mềm như hệ điều hành Android. Kết quả là các sản phẩm điện thoại của Huawei không còn cài đặt sẵn các dịch vụ của Google như Play Store, Gmail và YouTube, khiến sức hút của sản phẩm trên thị trường quốc tế bị giảm sút.
Trầm trọng hơn, lệnh cấm của Mỹ làm doanh số bán hàng của Huawei tụt dốc không phanh, đặc biệt là trong lĩnh vực smartphone. Mặc dù từng là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, Huawei đã nhanh chóng mất vị thế sau khi bị đưa vào danh sách đen. Cụ thể, trong quý II/2020, một năm sau lệnh trừng phạt, Huawei chứng kiến doanh số giảm 16% tại thị trường châu Âu. Trong khi đó, Samsung và Xiaomi lại ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt là 20% và 48% so với cùng kỳ năm 2019.
Tự mình tìm hướng đi riêng khi không còn được sử dụng Android, Huawei phát triển và ra mắt hệ điều hành riêng vào năm 2019 - một hệ điều hành mới sử dụng được trên nhiều loại thiết bị, nhằm giảm phụ thuộc vào Android và xây dựng hệ sinh thái riêng.
Để đối phó với việc mất quyền truy cập vào chip bán dẫn tiên tiến từ Mỹ, Huawei tìm kiếm nhà cung cấp chip trong nước và quốc tế. |
Để đối phó với việc mất quyền truy cập vào chip bán dẫn tiên tiến từ Mỹ, Huawei tìm kiếm nhà cung cấp chip trong nước và quốc tế, đồng thời đầu tư vào nghiên cứu để sản xuất chip tự chủ. Họ cũng hợp tác với nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc là SMIC để phát triển các vi xử lý mới.
Bên cạnh đó, do bị hạn chế về công nghệ 5G, Huawei đã tập trung phát triển các dòng điện thoại 4G cao cấp với nhiều tính năng mạnh mẽ. Để đối phó với áp lực quốc tế, họ chuyển hướng sang thị trường nội địa, nơi vẫn có sự ủng hộ từ khách hàng và cùng lúc quảng bá các tính năng nổi bật như camera chất lượng cao, thời lượng pin tốt,...
Theo dự đoán của TechInsights, trong năm nay, Huawei sẽ xuất xưởng hơn 50 triệu điện thoại tại Trung Quốc, dự kiến chiếm 19% thị phần, tăng từ 12% vào năm 2023. Ngoài ra, tháng trước, Huawei đã hoàn tất xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển trị giá 10 tỷ Nhân dân tệ (tương đương hơn 1,4 tỷ USD) tại Thượng Hải. Trung tâm này sẽ tập trung vào các lĩnh vực như chất bán dẫn, mạng không dây và Internet vạn vật, nhằm nâng cao khả năng đổi mới và cạnh tranh của công ty.
Để giảm phụ thuộc vào smartphone, Huawei mở rộng sang dịch vụ đám mây, thiết bị đeo thông minh, xe hơi thông minh và giải pháp doanh nghiệp, đồng thời đầu tư vào AI và 5G. Sự hồi phục của Huawei đã khiến Mỹ chú ý. Đặc biệt, họ có thể sẽ phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn từ Washington.