Ly kì những giai thoại kinh doanh của "Vua nhôm" Trung Quốc trước khi đối mặt án tù ở Hoa Kỳ

15:39 29/09/2021

Ông tên là Liu Zhongtian, là người sáng lập Tập đoàn China Zhongwang, công ty nhôm lớn nhất châu Á. Năm 2009, Liu đã đạt đến ngôi vị người giàu nhất Trung Quốc với tài sản 24 tỷ Nhân dân tệ nhưng giờ đây người đàn ông này rơi vào một tình thế hoàn toàn khác. Theo phương tiện truyền thông đưa tin, các tài liệu do bộ Tư pháp Hoa Kỳ ban hành cho thấy sáu công ty ở Nam California liên kết với Liu Zhongtian đã bị kết án trốn thuế 1,8 tỷ đô la tại đây. Nếu bị kết tội, tỷ phú họ Liu sẽ phải đối mặt với 465 năm tù.

Liu Zhongtian sinh ra ở Thẩm Dương, Liêu Ninh vào năm 1964. So với Vương Kiện Lâm, một tỷ phú khác cũng khởi nghiệp của Liệu Ninh, danh tiếng và danh tính của Liu vẫn còn là ẩn số cho đến thời điểm năm ngoái. Tháng 1 năm 2021, một người phụ nữ có tên Weibo “Lu Xiaobao LL” đã đăng tải bức ảnh một chiếc ô tô hạng sang đỗ trong khu vực cấm của Tử Cấm Thành, khiến cư dân mạng chú ý. Sau đó, một cư dân mạng đưa bằng chứng vụ việc liên quan đến Liu. Cũng chính từ đây mạng xã hội xứ Trung phát hiện ra hàng loạt câu chuyện giàu sang đáng kinh ngạc đằng sau vị tỷ phú. Có hai yếu tố làm nên vỏ bọc bí ẩn của Liu Zhongtian: Một là tiểu sử, hai là huyền thoại ngành nhôm. 

Hình ảnh chiếc xe sang đỗ ở khu vực cấm của Tử Cấm Thành vô tình tiết lộ giai thoại làm giàu của Liu
Hình ảnh chiếc xe sang đỗ ở khu vực cấm của Tử Cấm Thành vô tình tiết lộ giai thoại làm giàu của Liu. (Ảnh: 露小宝LLweibo) 

Cụ thể, có ba phiên bản không nhất quán về thông tin gia đình, lý lịch và độ tuổi khởi nghiệp. Có người nói ông sinh ra trong một tầng lớp lao động bình dân, làm thợ mộc và bắt đầu kinh doanh hóa dầu với sự giúp đỡ của cha vợ. Cũng có lời kể, Liu là đứa trẻ nghèo khó, bỏ học năm 14 tuổi nhưng đầu óc nhanh nhạy. Sau này làm giàu bằng kinh doanh gỗ ở núi Trường Bạch, năm 1984 ngành kinh doanh gỗ ở Đông Bắc gần bị các thương nhân Giang Tô và Chiết Giang độc chiếm, ông chuyển sang ngành công nghiệp hóa chất. Phiên bản cuối cùng đến từ những báo cáo của phương tiện truyền thông Hồng Kông, Liu Zhongtian xuất hiện với tư cách là ông chủ của cả một cơ ngơi. Mặc dù có nhiều đồn đoán nhưng danh tiếng của Liu gắn liền với với kinh doanh hóa chất là thật.

Khi Liu Zhongtian chuyển sang ngành công nghiệp hóa chất, thị trường Trung Quốc đang dần mở cửa và theo đuổi một chính sách kinh tế được gọi là “hệ thống giá kép”. Đây là một hệ thống quản lý giá trong đó cùng một loại hàng hóa cho phép cùng tồn tại giá thống nhất quốc gia và giá điều chỉnh theo thị trường. Hệ thống này được giới thiệu vào năm 1981 và kết thúc vào năm 1989. Dù chỉ mới được triển khai 9 năm nhưng đã trở thành cơ hội quan trọng trong lịch sử kinh tế Trung Quốc, làm đòn bẩy cho nhiều thương nhân trở nên giàu có nhờ “mua thấp bán cao”.

Liu Zhongtian là người may mắn tìm ra con đường này. Theo số liệu, vào năm 1989, khi chính sách thay đổi, Liu Zhongtian, khi đó mới 25 tuổi, đã lập tức thành lập nhà máy hóa chất nhựa tổng hợp đồng thời thành lập nhà máy nhôm Liêu Dương, Liaoyang, Futian Chemical, Chengcheng Plastics, v.v. Liên doanh là một mánh khóe khác của Liu. Chính sách thời bấy giờ quy định các công ty liên doanh có thể được hưởng thêm các ưu đãi về thuế. Liaoning Zhongwang Co., Ltd., ra đời năm 1993 dưới bàn tay của Liu Zhongtian, ngoài ra được tài trợ bởi nhà máy nhôm Liaoyang và Hong Kong Weiliwang Co., Ltd.

Khi mới thành lập, công ty đi theo con đường sản xuất nhôm xây dựng. Nhờ sức nóng của ngành bất động sản, sản lượng kinh doanh nhôm tăng vọt và công suất sản xuất năm 1997 đã tăng lên 100 nghìn tấn. Doanh thu vượt quá 100 triệu tệ và thu hút sự chú ý của Alcoa. Năm 2011, tập đoàn nhôm của Mỹ, Alcoa đưa ra mức gia 450 triệu nhân dân tệ để mua lại toàn bộ Liaoning Zhongwang. Dù sát nhập thất bại, nhưng trong quá trình đàm phán với “ông lớn” nước Mỹ, Liu Zhongtian đã nhận ra triển vọng to lớn của thị trường nhôm định hình. 

Tập đoàn Zhongwang
Tập đoàn Zhongwang. (Ảnh: internet) 

Năm 2002, đi trước thời cuộc, Liu đã chuyển hướng và bước vào thị trường nhôm công nghiệp từ ngành nhôm kiến ​​trúc đang phát triển mạnh. Phải nói rằng, bước ngoặt này minh chứng cho sự nhạy bén trong kinh doanh của ông. Vào thời điểm đó, thị trường trong nước còn nhiều khoảng trống, còn nhôm công nghiệp cần thiết trong mọi ngành nghề như giao thông vận tải, cầu đường,... đều phụ thuộc vào nhập khẩu. Liu đã đầu tư hơn 2 tỷ tệ cho lần đặt được này, hầu hết toàn bộ vốn lưu động được sử dụng cho xây dựng nhà máy và tùy chỉnh thiết bị.

Theo báo cáo, cuối năm 2004, Bộ Đường sắt đã chỉ định Zhongwang là một trong những nhà cung cấp nhôm định hình để sản xuất toa tàu trước khi thiết bị được lắp đặt. Đến năm 2008, doanh thu nhôm định hình công nghiệp hàng năm của Zhongwang đạt 6,2 tỷ Nhân dân tệ. Hưởng lợi từ kế hoạch kích cầu của cơ sở hạ tầng lớn “4 nghìn tỷ” vào thời điểm đó và nhu cầu lớn về tăng tốc đường sắt nhanh chóng, Zhongwang đã ký kết hơn một chục dự án quốc gia lớn, bao gồm việc mở rộng Sân bay Thủ đô, xây dựng các địa điểm Olympic, Triển lãm Thế giới Thượng Hải và Đại hội Thể thao Châu Á Quảng Châu là những hạng mục kế đó.

Tháng 5 năm 2009, Tập đoàn Zhongwang đã niêm yết thành công trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông và huy động được 1,3 tỷ đô la Mỹ, trở thành đợt IPO lớn nhất vào thời điểm này. Ước tính theo giá phát hành, Liu Zhongtian trị giá 26 tỷ đô la Hồng Kông, đứng đầu danh sách những người giàu nhất Đại lục cùng năm. Thành công của việc niêm yết cũng liên quan đến sự khôn khéo của Liu Zhongtian. Nhằm hạn chế việc chuyển tài sản ra nước ngoài, Bộ Thương mại và các cơ quan khác đã ban hành “Quy định tạm thời về việc sáp nhập và mua lại doanh nghiệp trong nước của nhà đầu tư nước ngoài” vào năm 2006. Theo quy định, tất cả các tài sản trong nước muốn niêm yết ở nước ngoài thông qua hình thức mua bán, sáp nhập các công ty ở nước ngoài đều phải trình Bộ Thương mại phê duyệt.

Tuy nhiên, Liu Zhongtian dựa vào bản chất của liên doanh Liaoning Zhongwang chuyển nhượng toàn bộ vốn cổ phần cho Công ty Đầu tư Zhongwang có trụ sở tại Hồng Kông, bỏ qua hoàn toàn quy trình phê duyệt. Ngay từ năm 2003, đối tác ban đầu của Liu Zhongtian, Hong Kong Weiliwang đã rút khỏi Liaoning Zhongwang, cổ phần của công ty này được tiếp quản bởi Hong Kong Ganglong Industrial Co., Ltd. Đặc biệt, Hong Kong Ganglong thuộc sở hữu 100% công ty của tỷ phú họ Liu. Quả thực, người đàn ông này có bộ óc kinh doanh đáng nể. Mọi chuyện cứ thế diễn ra suôn sẻ cho đến sự vụ trốn thuế tiền tỉ trên đất Mỹ.

Vụ án trốn thuế 1,8 tỷ đô la của Liu Zhongtian bắt đầu từ 10 năm trước. Năm 2011, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã tiến hành các cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với nguyên liệu nhôm nhập khẩu. Nguyên nhân là do hầu hết các công ty nhôm ở Trung Quốc nhận trợ cấp từ chính quyền địa phương và giá thành tương đối rẻ. Để bảo vệ ngành sản xuất nhôm trong nước trước các mối đe dọa, Mỹ phải đánh thuế bổ sung. Thuế chống bán phá giá là 33,28% và thuế chống trợ cấp là 33,28%.

Là “vua nhôm” của Trung Quốc, Liu Zhongtian là mục tiêu đầu tiên. Kể từ khi luật được ban hành, lợi nhuận của công ty giảm một phần tư. Tuy nhiên, Liu là người giỏi tìm ra các kẽ hở chính sách đã nhanh chóng có biện pháp đối phó. Theo Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, Liu Zhongtian đã cố gắng trốn thuế cao bằng cách vận chuyển nhôm đến Mexico, nơi nhôm được sản xuất thành các pallet không bị đánh thuế thông qua hàn điện và gửi đến Hoa Kỳ. Các nhà kho ở Nam California sau đó được mua và xây dựng các cơ sở nấu chảy thành các sản phẩm có thể bán được.

Theo báo cáo, từ năm 2011 đến năm 2014, sáu công ty ở Nam California do Liu Zhongtian kiểm soát đã nhập khẩu 2,2 triệu pallet nhôm từ Mexico. Các pallet này đã trốn thuế tổng cộng 1,8 tỷ đô la. Đồng thời, vào năm 2015, một tổ chức có tên là Dupre Analytics đã công bố một báo cáo giảm giá về China Zhongwang, cáo buộc Liu Zhongtian bán hàng giả và phóng đại giá trị thị trường của Zhongwang Group bằng cách phóng đại nhu cầu về pallet nhôm ở Hoa Kỳ.

Mặc dù kể từ năm 2015, Tập đoàn Zhongwang đã 5 lần ra tuyên bố làm rõ những cáo buộc này nhưng phía Mỹ không từ bỏ. Bắt đầu từ năm 2019, bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã chính thức ban hành văn bản truy tố vụ án này. Các tài liệu đã buộc tội Zhongwang Group và Liu Zhongtian về 24 tội danh nghi ngờ rửa tiền quốc tế, gian lận chuyển khoản ngân hàng và nộp các tài liệu giả mạo và gian lận cho hải quan. Nếu tuyên bố của công tố viên Hoa Kỳ là đúng thì lần này Liu Zhongtian dù có khôn khéo đến đâu cũng khó lòng chạy thoát. Hiện tại, Zhongwang Group báo cáo 1,68 đô la Hồng Kông trên mỗi cổ phiếu với tổng giá trị thị trường là 9,155 tỷ đô la Hồng Kông. Tài sản riêng của Liu Zhongtian cũng ngày càng giảm. Trong danh sách người giàu toàn cầu của Hurun năm 2019, giá trị tài sản ròng của ông là 16,5 tỷ Nhân dân tệ và năm 2020 giảm xuống còn 12 tỷ Nhân dân tệ. Đến năm nay, giá trị tài sản ròng tiếp tục thu hẹp, chỉ còn 8 tỷ Nhân dân tệ.

Tất nhiên, Liu Zhongtian không ngồi yên. Ông nghĩ ra một cách khác: Tìm kiếm cơ hội ở cổ phiếu A. Nước đi này đã được chuẩn bị kỹ lưỡng từ năm 2015. Kế hoạch là thay thế tài sản của Tập đoàn Tân Cương Zhongfang và Tập đoàn Zhongwang, là công ty con của China Real Estate và tạo ra chênh lệch bằng cổ phiếu. Thật tiếc là sau 4 năm, Liu không thành công. Nửa năm sau, Zhongwang bắt đầu thực hiện phương án B với mục tiêu là bất động sản Trung Quốc. Ngoại trừ việc định giá tăng lên 30,5 tỷ, các kế hoạch còn lại đều tương tự nhưng kết quả không khác trước là bao.

Tháng trước, vấn đề này cuối cùng đã kết thúc. Vào tối ngày 11/8, China Real Estate quyết định chấm dứt việc phát hành cổ phiếu mua 100% cổ phần của Tập đoàn Zhongwang. Giấc mơ về cổ phiếu A của Liu Zhongtian hoàn toàn tan vỡ. Sự vụ ngày càng tồi tệ hơn khi Zhongwang không đưa được báo cáo tài chính nửa đầu năm vào ngày 31/8/2021 hoặc trước thời hạn. Do công đoạn chuẩn bị cần thêm thời gian nên giao dịch cổ phiếu của công ty sẽ bị tạm dừng kể từ 9h sáng cùng ngày. Những ngày tung hoành trên thương trường của “Vua nhôm” có thể sẽ dừng lại tại đây khiến nhiều người cảm thán do thời thế đã hết hay nhờ những quy tắc kinh doanh ngày càng hoàn thiện.

TL