Không phát sinh thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp”

00:00 12/10/2020

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Hội, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) với một số cơ quan báo chí xung quanh Dự thảo nghị định về phát triển và quản lý hạ tầng thương mại được Bộ Công Thương xây dựng và đang xin ý kiến các đơn vị liên quan.

Ông Nguyễn Văn Hội - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương)

Xin ông cho biết mục tiêu của Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý hạ tầng thương mại?

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 12070/VPCP ngày 11/11/2017, Bộ Công Thương được giao rà soát, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/1/2003 và Nghị định số 14/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ, đề xuất sửa đổi, bổ sung theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Với thực tiễn phát sinh của loại hình siêu thị, trung tâm thương mại và trên cơ sở kiến nghị của các địa phương đối với các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại (chợ, siêu thị, trung tâm thương mại…), Bộ Công Thương đang đề xuất xây dựng Dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý hạ tầng thương mại.

Dự thảo Nghị định được xây dựng nhằm mục tiêu:

Thứ nhất, tạo hành lang pháp lý, môi trường minh bạch, thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển đồng bộ đối với các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại, trong đó bao gồm chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện lợi và các hoạt động kinh doanh có liên quan. Dự thảo nghị định không tạo thêm điều kiện kinh doanh, không làm phát sinh các giấy phép con, gây cản trở cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp (DN). Mặt khác, sẽ tạo hành lang pháp lý theo hướng xóa bỏ rào cản, tháo gỡ khó khăn cho DN, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.

Thứ hai, khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn thi hành đối với các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại hiện nay. Đồng thời đảm bảo tính kế thừa của các quy định còn phù hợp của các văn bản có liên quan như Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/1/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP; Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24/9/2004 về việc ban hành quy chế siêu thị, trung tâm thương mại… nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho việc phát triển và quản lý hạ tầng thương mại.

Thứ ba, thúc đẩy việc phát triển các loại kết cấu hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa, bảo đảm hàng hóa lưu thông tại các loại hình này có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thứ tư, hỗ trợ việc tiếp cận thị trường và tạo điều kiện thúc đẩy tiêu thụ đối với hàng hóa Việt Nam, hàng hóa của các DN vừa và nhỏ trong nước tại các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại nêu trên.

Để thực hiện việc đề xuất xây dựng dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý hạ tầng thương mại, Bộ Công Thương đã và đang triển khai các bước theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 bao gồm Nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc các quy định về phát triển hạ tầng thương mại của các nước có điều kiện tương đồng để xem xét áp dụng cho phù hợp; Tổng kết việc thi hành pháp luật và đánh giá thực trạng các vấn đề liên quan, gửi lấy ý kiến rộng rãi các Bộ, ngành địa phương và cơ quan có liên quan về đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý hạ tầng thương mại; trên cơ sở ý kiến đóng góp của các bộ, ngành địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan, xem xét, tiếp thu và chỉnh sửa để hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trước khi trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Dự thảo sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp kinh doanh siêu thị, chợ

Khi ra đời, nhiều ý kiến cho rằng nội dung dự thảo Nghị định bao gồm các quy định quá chi tiết như diện tích siêu thị hay tỷ lệ hàng khuyến mãi, số lần khuyến mãi trong năm… Vậy các quy định này liệu có gây can thiệp quá sâu vào việc kinh doanh của DN không?

Nghị định được chúng tôi xây dựng trên cơ sở lấy ý kiến của các địa phương và tham khảo từ một số nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam. Các nước này có một số quy định về khuyến mại, diện tích siêu thị như vậy… Tuy nhiên để phù hợp với bối cảnh của Việt Nam, chúng tôi sẽ tiếp thu, bổ sung và sửa đổi dự thảo.

Để hoàn thiện dự thảo, Bộ Công Thương sẽ có giải pháp gì trong thời gian tới?

Theo đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, quy trình là: xin ý kiến, đề xuất xây dựng Nghị định. Chúng ta đang ở bước đầu tiên và chúng tôi sẽ tiếp tục xin ý kiến của tổ chức, cá nhân liên quan khác trước khi hoàn thiện vì chúng tôi mong sẽ xin ý kiến được càng nhiều càng tốt, sau đó chỉnh sửa bổ sung văn bản. Sau đó gửi sang Bộ Tư pháp thẩm định rồi gửi Thủ tướng Chính phủ đồng ý theo phương án nào, đề xuất. Sau đó mới xây dựng cụ thể.

Nhiều chuyên gia cho rằng sau khi dự thảo nghị định ra đời, nếu không quản lý tốt sẽ phát sinh rất nhiều thủ tục hành chính (TTHC), giấy phép con, gây khó khăn cho DN. Ông đánh giá sao về ý kiến đó?

Theo đúng quy định của Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, do đây là văn bản đầu tiên được xây dựng nên tất cả các vấn đề đưa ra mới là đề xuất, lấy ý kiến của các đơn vị liên quan để chốt được phương án tốt nhất, tối ưu nhất. Tôi cũng nhấn mạnh thêm rằng, thực hiện đúng theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương và lãnh đạo Bộ, quan điểm của chúng tôi là đảm bảo thực hiện tốt hiệu quả quản lý nhà nước nhưng vấn tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho DN, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.

Nghị định cũng sẽ không làm phát sinh TTHC, chỉ giảm chứ không tạo ra điều kiện kinh doanh. Ví dụ các văn bản trước đây quy định là UBND tỉnh là đơn vị phê duyệt nội quy chợ hạng 1 và UBND huyện phê duyệt nội quy chợ hạng 2 hạng 3. Nghị định mới của chúng tôi yêu cầu bỏ điều kiện này.

Hoặc các văn bản trước đây quy định phương án bố trí sắp xếp ngành nghề kinh doanh trong chợ, siêu thị vẫn phải do UBND tỉnh và huyện phê duyệt. Trong kiến nghị của chúng tôi cũng bỏ, để tạo điều kiện thông thoáng hơn cho việc phát triển chợ và siêu thị trong thời gian tới.

Bộ Công Thương hoan nghênh mọi ý kiến góp ý, bổ sung đối với đề nghị xây dựng Nghị định. Với các mục tiêu đã nêu, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện đề xuất xây dựng dự thảo Nghị định theo đúng trình tự và quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Phương Lan