Sử dụng mạng xã hội của người làm báo là một vấn đề đang được sự quan tâm sâu sắc của toàn xã hội. Bởi lẽ, trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, thời kỳ của mạng xã hội mà phổ biến nhất là Facebook, nơi diễn đàn tự do với hàng triệu con người, các thông tin được cập nhật đa chiều giúp chúng ta có một cái nhìn khách quan, toàn diện hơn. Tuy vậy, mạng xã hội cũng đem đến những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống báo chí. Nhiều nhà báo - hội viên bị chi phối bởi áp lực tin bài, thời gian mà bỏ qua khâu quan trọng nhất đó là kiểm chứng độ xác thực thông tin, gây hệ lụy không nhỏ tới sự ổn định xã hội, suy giảm lòng tin đối với báo chí và đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi phát biểu tại buổi họp báo
Quy tắc sử dụng mạng xã hội được soạn thảo công phu, cẩn trọng với tinh thần trách nhiệm cao, trên cơ sở các quy định của Luật Báo chí năm 2016 và 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, đồng thời tiếp thu nghiêm túc, khoa học các ý kiến góp ý, thẩm định của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà quản lý báo chí và tập thể Ban Thường vụ. Quy tắc bao gồm 3 Chương và 7 Điều đã được Hội nhà báo Việt Nam công bố và có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, áp dụng với tất cả người làm báo Việt Nam bao gồm: Hội viên Hội nhà báo Việt Nam, người đã được cấp Thẻ nhà báo; người chưa được cấp Thẻ nhà báo đang làm việc tại các cơ quan báo chí; người hoạt động trong lĩnh vực báo chí nói chung.
Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm làm báo Việt Nam quy định cụ thể 04 việc/điều cần làm và 08 việc/điều không được làm khi tham gia mạng xã hội của người làm báo. Trong đó quy định rõ, cụ thể trách nhiệm của các tổ chức cá nhân khi triển khai thực hiện, trách nhiệm của Hội đồng Xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp các cấp trong việc khen thưởng và kỷ luật đối với người làm báo.
Ông Hồ Quang Lợi cho rằng, người làm báo khi sử dụng mạng xã hội không chỉ là thành viên mà còn là người có tiếng nói, là người dẫn dắt dư luận. Thời gian qua, rất nhiều người làm báo đã thực hiện tốt chức năng dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội bằng những quan điểm đúng đắn, mang tính tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn những nhà báo, người hoạt động trong lĩnh vực báo chí đăng tải, bình luận có những quan điểm cá nhân tiêu cực hay thông tin thiếu chính xác gây ảnh hưởng không tốt tới dư luận xã hội.
Với việc ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam mong rằng đây sẽ là cơ sở quan trọng để Hội, các cơ quan, tổ chức báo chí căn cứ xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp, đạo đức của người làm báo khi tham gia mạng xã hội, góp phần quan trọng trong công tác giữ gìn và bảo vệ đạo đức nghề nghiệp và uy tín của người làm báo Việt Nam.
Nguyễn Anh Dũng