200 doanh nghiệp FDI tại khu vực phía Nam gặp gỡ và kiến nghị những vướng mắc trong quá trình kinh doanh tại Việt Nam. |
Với chủ đề “Tạo động lực cho tăng trưởng bền vững: Tối ưu hóa kinh tế, công nghệ và năng lượng”. Diễn đàn đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất của nhiều doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại TP.HCM và khu vực Phía Nam.
Tại phiên thảo luận, ông Trần Anh Đức, Đồng Trưởng nhóm Đầu tư và thương mại VBF đã nêu một số vấn đề mà các nhà đầu tư nước ngoài thường quan tâm khi đầu tư tại Việt Nam.
Trong đó, các vướng mắc về chuyển đổi phương tiện vận tải truyền thống sang xe điện; hạ tầng hàng không, việc tắc nghẽn tại cửa khẩu hàng không quốc tế ảnh hưởng đến trải nghiệm của các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài khi đến Việt Nam; chi phí logistics cao so với khu vực...
Theo ông Trần Anh Đức, để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư, Việt Nam cần cải thiện hạ tầng giao thông, giảm chi phí logistics, phát triển các giải pháp bền vững trong vận tải và logistics xanh.
Các kiến nghị của các DN FDI được tiếp nhận và xử lý. |
Bên cạnh đó, các kiến nghị của doanh nghiệp FDI bị vướng về các thủ tục hoàn thuế GTGT, đăng ký kinh doanh, không đồng nhất về giá thuê đất… Cụ thể, Công ty TNHH Thép Vina Kyoei kiến nghị Cục Thuế Bà Rịa - Vũng Tàu xem xét vấn đề hoàn thuế cho Công ty, nếu chưa giải quyết thì nêu rõ lý do và đưa ra hướng giải quyết.
Tương tự, Công ty TNHH Itochu Việt Nam cũng có những thắc mắc về hoàn thuế GTGT với Cục Thuế TP.HCM. Công ty bị tồn đọng số tiền hoàn thuế GTGT lên tới 80 tỷ đồng, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của công ty.
Trong nhóm lao động, việc làm, ông Colin Blackwell, Trưởng nhóm Nguồn nhân lực VBF cũng đề nghị cần thiết mở rộng hiệu lực về mặt địa lý của giấy phép lao động. Quy định hiện hành đòi hỏi người lao động phải xin giấy phép lao động tại nơi dự kiến làm việc và cập nhật từng địa điểm làm việc khi người lao động được cử đi làm việc ở các địa phương khác nhau là không thực tế trong nhiều trường hợp.
Thay vào đó, việc cấp một giấy phép lao động duy nhất tại địa điểm đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp và thực hiện báo cáo khi người lao động được cử đi công tác từ 30 ngày trở lên tại một địa phương khác sẽ hiệu quả và mang tính thực tiễn hơn.
Ông Seck Yee Chung - Đồng Trưởng nhóm Đầu tư và thương mại VBF phát biểu, theo quy định, đối với một ngành mà Việt Nam không cam kết trong bất kỳ điều ước quốc tế nào, nếu pháp luật Việt Nam không có quy định hạn chế tiếp cận thị trường đối với ngành đó và không có điều kiện nào ngay cả khi áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước, thì họ vẫn có quyền thực hiện kinh doanh lĩnh vực đó, tại thị trường Việt Nam.
Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM chủ trì diễn đàn. |
Trước ý kiến của các nhà đầu tư, Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan nhấn mạnh, thành phố và các tỉnh, thành sẵn sàng hợp tác, đồng hành cùng các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp FDI trong giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp FDI nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đồng thời ông cũng giới thiệu các cơ hội đầu tư vào cơ sở hạ tầng cầu, cảng, đường sông tại TP.HCM và Đồng bằng Sông Cửu Long, như cảng trung chuyển Cần Giờ, cảng Trần Đề (Sóc Trăng)... Khuyến khích nhà đầu tư có sự cam kết đầu tư dài hạn, chiến lược tại các khu vực này.
Liên quan đến phát triển các giải pháp bền vững, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, thành phố đang thực hiện kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2020-2030, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26. Ngoài ra, tập trung phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp xanh, cùng với các chính sách hỗ trợ liên quan.