"Các khu vực rừng bị gãy đổ do bão Yagi không thể phục hồi cần được thu gom lại. Cây nhỏ và cành gỗ sẽ được băm nhỏ để làm dăm gỗ hoặc viên nén đem bán", đó là lời chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) tại cuộc họp thông tin nhanh về một số giải pháp khắc phục sản xuất nông nghiệp sau cơn bão số 3 mới đây.
Những cành cây rừng gãy đổ do bão 'mọc' ra tiền. |
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều diện tích rừng ở các tỉnh miền Bắc. Thống kê ban đầu cho thấy, Lạng Sơn có khoảng 2.000ha rừng trồng bị gãy đổ, trong khi Bắc Giang bị thiệt hại nặng hơn với 5.100ha. Ngoài ra, rừng tại Hải Phòng, Ninh Bình cũng bị ảnh hưởng, nhưng mức độ nhẹ hơn. Thiệt hại này đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế và môi trường sinh thái của các địa phương.
Được biết, dăm gỗ và viên nén gỗ đang có nhu cầu cao trên thị trường quốc tế, do đó ngành lâm nghiệp cần hướng dẫn các địa phương và chủ rừng bị ảnh hưởng bởi bão đánh giá hiện trạng và xử lý phù hợp. Thứ trưởng nhấn mạnh, đối với những diện tích rừng gãy đổ không thể phục hồi, cần khai thác ngay và trồng lại. Cây nhỏ và cành gỗ nên được thu gom, băm thành dăm gỗ và viên nén để bán, giúp người dân giảm bớt thiệt hại kinh tế.
Để khắc phục thiệt hại rừng do thiên tai, Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) đề nghị Sở NN-PTNT các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng xử lý, khai thác rừng bị gãy đổ.
Xuất khẩu dăm gỗ và viên nén gỗ mang về gần 2 tỷ USD chỉ trong 7 tháng đầu năm 2024. |
Cụ thể, đối với rừng trồng thuộc sở hữu của chủ rừng, chủ rừng tự quyết định việc khai thác, tận dụng và phải trồng lại ngay khi thời tiết thuận lợi. Với rừng trồng thuộc sở hữu Nhà nước hoặc rừng phòng hộ, cần đánh giá thiệt hại và ước tính giá trị lâm sản tận thu. Nếu diện tích rừng bị thiệt hại nặng, với tỷ lệ cây bị đổ gãy trên 70%, cần khai thác toàn bộ cây và trồng lại ngay vụ kế tiếp khi thời tiết cho phép.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 8 năm nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 10,4 tỷ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, xuất khẩu dăm gỗ và viên nén gỗ mang về gần 2 tỷ USD chỉ trong 7 tháng đầu năm 2024.
Cụ thể, xuất khẩu dăm gỗ đạt trên 1,5 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, trở thành mặt hàng xuất khẩu cao thứ ba trong ngành lâm sản, sau đồ gỗ nội thất và ghế khung gỗ. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu gỗ viên nén đạt 422,5 triệu USD, tăng 11,2% so với năm trước.