|
|
Cách đây một năm, Cái Mép- Thị Vải đứng thứ 12 thế giới, như vậy, cụm cảng đã nhảy lên 5 bậc trong vòng một năm. Cụm này gồm các cảng quốc tế như Gemalink của Gemadept ("đại gia" ngành logistics Việt Nam), cảng CMIT, TCIT, TCCT, cảng SP-PSA, cảng SITV và cảng container Cái Mép. Năm 2020, cảng CMIT đã đón tàu Margrethe Maersk dài 399 m, rộng 59 m, trọng tải hơn 214.000 tấn, thuộc nhóm tàu container lớn nhất thế giới. Sự kiện này đã đưa Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải vào hải trình của các siêu tàu container của các công ty vận tải quốc tế.
|
Hiện nay, Thị Vải có 35 bến cảng, đã đưa vào khai thác 22 bến cảng (19 dự án chính thức, 3 dự án tạm khai thác), với công suất 117,8 triệu tấn/năm, trong đó bao gồm 7 cảng container với công suất 6,8 triệu TEUs/năm. Khu vực Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải hiện chiếm hơn 16% tổng lượng hàng hóa xếp dỡ qua cảng biển và 35% lượng hàng container cả nước, chiếm 50% lượng hàng container khu vực phía Nam. Cảng Cái Mép thuộc Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải được xếp hạng cảng container thứ 11 trong số 370 cảng container tốt nhất toàn cầu. Hệ thống cảng và dịch vụ hỗ trợ cảng và các khu công nghiệp trên địa bàn tiếp tục phát triển. Trong đó, 21/35 cảng biển và cảng thủy nội địa với tổng vốn đăng ký hơn 100.563 tỷ đồng và 20/30 dự án kho bãi, logistics chuyên dùng hỗ trợ cho hệ thống cảng và các khu công nghiệp (diện tích 224 ha) đã đi vào hoạt động. Đang triển khai xây dựng 10 dự án trong các KCN trên địa bàn với tổng diện tích khoảng 42ha để phục vụ thu gom hàng hóa được sản xuất trong các khu công nghiệp và lưu chứa hàng hóa để cung cấp cho các nhà máy trong các khu công nghiệp.
Cảng cạn Phú Mỹ có quy mô diện tích đất khoảng 37,84 ha, bao gồm 6 bến cảng có tổng chiều dài lên đến 600m trong giai đoạn 1 của KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 cùng hệ thống kho bãi, depot container rỗng… Với tổng mức đầu tư 2.990 tỉ đồng, đây là cảng cạn đầu tiên của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và là cảng cạn thứ 3 của vùng Đông Nam Bộ, với đầy đủ hệ thống hạ tầng cầu cảng, kho bãi, depot container rỗng, trang thiết bị khai thác hiện đại.. cung cấp các giải pháp logistics toàn diện, trọn gói, đa phương thức.
Kho cảng Khí thiên nhiên hóa lỏng LNG Thị Vải 1 triệu tấn/năm - kho LNG đầu tiên và lớn nhất của Việt Nam do Tổng Công ty khí Việt Nam PV Gas, đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư xây dựng. Dự án không chỉ đưa tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước, mà còn có ý nghĩa quan trọng góp phần hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ về định hướng và quy hoạch phát triển tổng thể năng lượng quốc gia, chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch và bền vững. Dự án có tổng vốn tổng mức đầu tư khoảng 6.500 tỉ đồng. Giai đoạn 2 của dự án sẽ sớm được triển khai, nâng công suất kho cảng lên 3 triệu tấn/năm.
Nhận định về sự phát triển của Thị xã Phú Mỹ, Bí thư Thị ủy Nguyễn Văn Việt cho biết: Phát triển thành phố công nghiệp - cảng biển Phú Mỹ mang sứ mệnh của vùng và quốc gia.
|
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu nói về Phú Mỹ: Với hệ thống hạ tầng giao thông đa phương thức đã và đang được đầu tư, sẽ kết nối Cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, Cảng hàng không quốc tế Long Thành với các vùng kinh tế trong cả nước, khu vực và thế giới; đưa Phú Mỹ trở thành một trong những điểm hội tụ chiến lược trên các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại quan trọng của quốc gia và khu vực. Phú Mỹ đang đứng trước những thời cơ, vận hội mới khẳng định vai trò là một cực tăng trưởng quan trọng.
Việc quy hoạch, trải thảm đỏ mời các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư tại Phú Mỹ nói riêng và Bà Rịa- Vũng Tàu nói chung được tỉnh và thị xã chú trọng. Phú Mỹ được đánh giá là điểm có hạ tầng tốt nhất vùng Đông Nam Bộ, thuận lợi về cụm cảng, sân bay, kho bãi, hạ tầng giao thông, gần TP.Hồ Chí Minh.
Cụ thể, Phú Mỹ đang hình thành các cụm KCN tập trung cùng với chủ trương chiến lược của Chính phủ xây dựng Trung tâm Công nghiệp- Điện- Đạm tại Phú Mỹ, xây dựng cảng biển nước sâu tại Thị Vải- Cái Mép, tuyến Quốc lộ 51 được nâng cấp. Đường liên cảng Thị Vải- Cái Mép- Gò Dầu đã tạo nên một loạt các ưu thế cho Phú Mỹ.
Sau 30 năm, Phú Mỹ có 3 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, 9 KCN đang hoạt động tập trung chủ yếu dọc đường quốc lộ 51 và cụm cảng Cái Mép- Thị Vải chiếm 60% tổng KCN của toàn tỉnh (9/15 KCN) với tổng diện tích 4.727,57 ha, chiếm 55,66% tổng diện tích các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh và 986 cơ sở sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp quy mô lớn được thành lập, sản phẩm mới xuất hiện, hình thành một vùng công nghiệp quy mô lớn, đa dạng ngành nghề sản xuất. Tốc độ phát triển ngành công nghiệp những năm qua tăng khá cao, bình quân giai đoạn 2015-2020 là 23,86%/năm và giai đoạn 2020-2023, tỷ trọng công nghiệp chiếm 84,08%, tốc độ tăng trưởng bình quân 9,85%/năm.
Theo Sở kế hoạch Đầu tư tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, 8 tháng đầu năm tỷ lệ đầu tư nước ngoài vào tỉnh tăng cao và nhất là có nhiều doanh nghiệp đăng ký mới và tăng vốn đầu tư tại Phú Mỹ như: Dự án TVP tại khu công nghiệp Phú Mỹ 3 với vốn đăng ký 176,14 triệu USD¸ Dự án Hulk tại khu công nghiệp Phú Mỹ II mở rộng với vốn đầu tư đăng ký 2,97 triệu USD; Dự án bột trộn sẵn tại khu công nghiệp Phú Mỹ 3 với vốn đầu tư đăng ký 21 triệu USD; Dự án Hannzen (Việt Nam) tại KCN Mỹ Xuân A2 với vốn đăng ky 0,55 triệu USD; Dự án Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hong Ming- Vũng Tàu tại KCN Phú Mỹ II do Bandao International Pte. Ltd làm chủ đầu tư, vốn đầu tư đăng ký 06 triệu USD…
Dự án Nhà máy sản xuất Polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại Việt Nam tại khu công nghiệp Cái Mép của Công ty TNHH Hóa Chất Hyosung Vina đăng ký tăng thêm 49 triệu USD; Dự án Công ty TNHH Yoshino Gypsum Việt Nam tại khu công nghiệp Phú Mỹ 3 của Công ty TNHH Yoshino Gypsum Việt Nam đăng ký tăng thêm 30 triệu USD…
Để hiện thực hóa khát vọng vươn cao, vươn xa, biến tiềm năng, lợi thế thành cơ hội, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh đề nghị, Đảng bộ, chính quyền, dân và quân Thị xã Phú Mỹ cần quan tâm thúc đẩy hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông theo quy hoạch tỉnh; phát triển, hiện đại hóa Cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, có tầm cỡ khu vực và thế giới gắn với phát triển dịch vụ hậu cần cảng biển, dịch vụ hàng hải, phát triển trung tâm logistics cấp quốc gia và quốc tế theo mô hình “cảng xanh” đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; phát triển khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ; xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp thân thiện với môi trường, đưa Phú Mỹ trở thành cực phát triển quan trọng trong chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài - TP. Hồ Chí Minh - Cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế xuyên Á, góp phần từng bước đưa Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia...
|
Thực hiện: Bích Liên- Thu Hiền
(Phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập)