Thứ ba 08/10/2024 15:04
Hotline: 024.355.63.010
Thời cuộc

Khi cơn bão đi qua...

19/09/2024 18:17
Những gì còn lại là hoang tàn, đau thương và mất mát. Những dòng sông, gầm lên đục ngầu. Những quả đồi rung lên rồi ập xuống. những ngôi làng bị san phẳng, những đứa trẻ bỗng chốc mồ côi.
aa
Những trận “cuồng phong”

Trong những năm gần đây, trước sự biến đổi bất thường của khí hậu và các hình thái thời tiết cực đoan khiến Đông Nam Á liên tục phải hứng chịu những cơn bão lớn. Đó không chỉ đơn giản là những siêu bão thường xuyên xác lập kỷ lục mà là những cơn “cuồng phong” chết chóc, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Những năm gần đây, gần như các siêu bão hình thành từ biển Đông đều quét qua Việt Nam.

Ngày 15/9 năm 2017, Bão Doksuri (bão số 10) đổ bộ vào địa phận các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình, sau đó bão tiếp tục di chuyển hướng Tây Tây Bắc, sang khu vực Thượng Lào. Cường độ bão Doksuri khi đổ bộ vào khu vực các tỉnh Hà Tĩnh- Quảng Bình đạt cấp 11-12, gió giật cấp 14-15. Do ảnh hưởng trực tiếp của bão số 10 nên lượng mưa tính từ 1 giờ ngày 14/9 đến 19 giờ ngày 15/9 phổ biến 160-312mm, riêng thành phố Hà Tĩnh 339,5mm.

Tháng 10 năm 2020, bão Molave được hình thành từ một áp thấp nhiệt đới ở vùng biển phía Đông Philippines. Áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão và có tên quốc tế là Molave với cường độ cấp 8, giật cấp 10. Sau khi vượt qua Philippines, sáng 26/10, bão Molave đã đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 9 năm 2020 với cường độ cấp 12, giật cấp 14.

Bão số 9 đã đi vào các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định với cường độ mạnh cấp 11-12, giật cấp 14. Khu vực tỉnh Quảng Ngãi là nơi tâm bão số 9 đi qua nên đã bị ảnh hưởng nặng nề.

Do ảnh hưởng của bão Molave, khu vực tỉnh Quảng Ngãi đã có mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến 140-280mm ở vùng đồng bằng, từ 250-350mm ở vùng núi (riêng Sơn Hà, Trà Bồng có nơi hơn 450 mm). Mưa lớn khiến lũ các sông lên nhanh. Trên các sông trong tỉnh Quảng Ngãi đã xuất hiện một đợt lũ ở trên mức báo động BĐ3.

Năm 2022, Siêu bão Noru (bão số 4) được biết đến như một trong những cơn bão mạnh nhất từng tấn công Việt Nam trong thập kỷ gần đây, đã đổ bộ vào miền Trung Việt Nam vào cuối tháng 9/2022.

Với sức gió duy trì mạnh nhất lên tới cấp 12-13 (tương đương từ 118 đến 149 km/h) và giật trên cấp 14, Noru gây ảnh hưởng nặng nề đến các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam, đặc biệt là khu vực thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, và Thừa Thiên-Huế.

Đầu tháng 9/2024, cơn cuồng phong mang tên Yagi sau khi càn quét đảo Hải Nam (Trung Quốc) đã đổ bộ vào các tỉnh Đông Bắc của Việt Nam, tàn phá Hải Phòng, Quảng Ninh với cường độ cấp 12 – 13, giật cấp 15. Bão số 3 (Yagi) là cơn bão lịch sử có sức càn quét kinh hoàng. Được ghi nhận là một trong những cơn bão lớn nhất trong nhiều thập niên qua, bão Yagi có tốc độ tăng cấp nhanh nhất lịch sử các cơn bão hoạt động trong Biển Đông với sức tàn phá vô cùng khó lường; diễn biến phức tạp, hiếm gặp. Mặc dù đã có công tác chuẩn bị, ứng phó chu đáo, nhưng siêu bão này vẫn để lại những mất mát và hậu quả vô cùng nặng nề.

Đánh giá về cơn bão này, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã chỉ ra rất nhiều điểm bất thường. "Bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên khu vực Biển Đông. Đây cũng là cơn bão có cường độ tăng rất nhanh (trong 24 giờ cường độ bão tăng 8 cấp) và duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài, khi đổ bộ vào phía Đông của đảo Hải Nam (Trung Quốc) vẫn còn giữ cường độ siêu bão. Mức độ giảm cấp trên đường đi không theo quy luật thông thường, thông thường khi đi qua đảo Hải Nam (Trung Quốc) vào vịnh Bắc Bộ, các cơn bão thường yếu đi nhanh, nhưng với bão số 3 cường độ không giảm nhanh. Khi áp sát bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng, bão vẫn giữ cường độ cấp 12 - 13.

Khi cơn bão đi qua...
Mức độ giảm cấp trên đường đi của bão Yagi không theo quy luật thông thường.

Diễn biến mưa do bão số 3 cũng cho thấy tính chất khác thường. Bão số 3 di chuyển sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ở khu vực phía Tây Bắc Bộ. Tuy nhiên, mưa lớn nhất do hoàn lưu bão số 3 chủ yếu ở phía Đông dãy núi Hoàng Liên Sơn dù không nằm trên đường đi của bão, không chịu tác động trực tiếp của gió bão. Hầu hết các cơn bão có quỹ đạo tương tự trước đây thường gây mưa lớn ở phía Tây dãy núi Hoàng Liên Sơn.

Mưa rất lớn trên diện rộng (gồm nhiều tỉnh) thuộc lưu vực sông Thao, sông Chảy, sông Lô, sông Gâm với cường suất cao (trên 200 mm/ngày), kéo dài nhiều ngày sau khi bão tan.

Mưa lớn khiến mực nước trên nhiều sông, suối ở Bắc Bộ lên nhanh. Trong đó, mực nước trên sông Thao, sông Lô, sông Thương, sông Gâm, sông Thái Bình, vùng hạ lưu sông Hồng, sông Lục Nam, sông Hoàng Long... đều vượt báo động 3. Đặc biệt, lũ trên sông Thao tại Lào Cai, Yên Bái đã vượt đỉnh lũ lịch sử tồn tại 53 năm. Đỉnh lũ tại Yên Bái lên mức 35,73m (16h ngày 10.9), trên mức báo động 3 3,73m và vượt mức lũ lịch sử năm 1968 là 1,31m. Cùng với đó, lũ trên Hồ thủy điện Thác Bà cũng đạt mức lịch sử, đe dọa đến sự an toàn của đập.

Tại Hà Nội, mực nước sông Hồng cũng ghi nhận mực nước cao nhất trong 20 năm. Các sông thuộc lưu vực sông Hồng, Thái Bình - hệ thống sông lớn nhất miền Bắc cũng xảy ra lũ, ngập lụt trên quy mô rộng lớn với nhiều mức vượt ngưỡng cũng là điều hiếm thấy.

Do mưa lớn nên sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đã xảy ra ở nhiều địa phương gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản của nhân dân và nhà nước. Một số khu vực đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng, như tại các tỉnh Cao Bằng, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh... Đặc biệt là tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người.

Hoang tàn, mất mát, kinh hoàng và ám ảnh…

Sau mỗi trận cuồng phong, những gì còn lại là hoang tàn, đau thương và mất mát. Những dòng sông, con suối gầm lên đục ngầu, ai oán. Những quả đồi rung lên rồi ập xuống. những ngôi làng bị san phẳng, những đứa trẻ bỗng chốc mồ côi. Những ba lo sách vùi trong đổ nát và cả những chỗ ngồi trống sau những ngày cơn bão đi qua…

Năm 2017, khi cơn bão Doksuri đi qua, hàng nghìn hộ dân của 4 huyện vùng ven biển, cửa sông (Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Lộc Hà, Thạch Hà) chìm trong biển nước, hàng chục nghìn ngôi nhà bị tốc mái. Đường Quốc lộ 1A qua thị xã Kỳ Anh bị tạm dừng hoạt động nhiều giờ, nhiều tuyến giao thông liên xã thuộc các địa phương ven biển bị ngập sâu gây khó khăn cho việc đi lại; hàng diện tích nuôi trồng thủy sản, lúa mùa, nhiều diện tích rau màu, cây ăn quả bị bị ngập, bị ngập, hư hại hoàn toàn. Hệ thống điện thắp sáng toàn tỉnh bị tê liệt. Tại thị xã Kỳ Anh, bão làm đổ sập cột ăng-ten đài truyền hình và cột phát sóng Viettel làm mất liên lạc nhiều giờ.

Năm 2020, bão Molave đã làm bị thương 13 người; sập hoàn toàn 433 ngôi nhà, hư hại nặng khoảng gần 150 nghìn ngôi nhà; 420 trường bị tốc mái; công trình đê kè biển, sông và đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng rất nhiều; ngã đổ 21 trụ BTS, trong đó mạng viễn thông Viettel bị tê liệt hoàn toàn, không liên lạc được toàn tỉnh.

Năm 2022, cơn bão Noru đổ bộ vào Việt Nam đã khiến ít nhất 16 người thiệt mạng và mất tích, hàng ngàn ngôi nhà bị tốc mái và hư hỏng, nhiều khu vực bị ngập lụt, đặc biệt là ở các huyện ven biển.

Tổng thiệt hại do bão Noru gây ra ước tính hơn 15.000 tỷ đồng, làm gián đoạn cuộc sống của hàng triệu người dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông nghiệp và giao thông.

Khủng khiếp và kinh hoàng hơn tất cả những cơn siêu bão trước đó, trận “cuồng phong” Yagi đổ bộ vào Việt Nam ngày 7/9/2024 đã càn quét gần như tất cả các tỉnh khu vực Bắc Bộ, gây ra hậu quả vô cùng lớn, thảm khốc và đau lòng.

Theo thống kê, đã có hàng trăm người chết, hàng nghìn người bị thương và tác động sang chấn tâm lý nặng nề cho nhiều người dân tại khu vực thiên tai, nhất là trẻ em, người cao tuổi, đối tượng dễ bị tổn thương.

Báo cáo cụ thể của Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, bão số 3, mưa lũ, sạt lở đất đã làm 329 người chết, mất tích (291 người chết, 38 người mất tích).

Bão lũ gây thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân và nhà nước tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Ước tính sơ bộ, chưa đầy đủ, thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40.000 tỷ đồng.

Trong đó, khoảng 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 305 sự cố đê điều, chủ yếu là các tuyến đê lớn từ cấp 3 trở lên; trên 262.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại, gãy đổ; 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310.000 cây xanh đô thị gãy đổ.

Bão Yagi đã biến Hải Phòng, Quảng Ninh thành những đống đổ nát, khiến cho Hà Nội ngổn ngang, chao đảo.

Khi cơn bão đi qua...
Khu du lịch Bãi Cháy (Hạ Long, Quảng Ninh) tan hoang sau bão Yagi.

Đau thương hơn nữa, khi vào sâu trong đất liền, hoàn lưu bão đã khiến các tỉnh Tây Bắc và Trung du Bắc Bộ phải chịu những hậu quả không gì có thể bù đắp được.

Đầu tiên, hoàn lưu bão Yagi khi khiến lũ sông Hồng lên cao đã cuốn cuốn trôi trụ T7 và 2 nhịp dàn chính cầu Phong Châu tại km18+300 Quốc lộ 32C (kết nối 2 huyện Tam Nông, Lâm Thao - tỉnh Phú Thọ) vào khoảng 10 giờ ngày 9/9 đã. Sơ bộ ban đầu xác định, tại thời điểm xảy ra sự cố có 10 phương tiện đang di chuyển trên cầu (trong đó có 1 xe ô tô tải, 2 xe ô tô đầu kéo, 6 xe mô tô, 1 xe máy điện); 8 người mất tích; đã cứu, đưa 3 người bị thương đi cấp cứu tại cơ sở y tế (báo cáo nhanh ban đầu là có 5 người bị thương), vớt được thi thể 2 nạn nhân. Nước lũ dâng cao nên việc tìm kiếm những nạn nhân còn lại gặp rất nhiều khó khăn. Đến thời điểm này vẫn chưa xác định chính xác về số lượng phương tiện và số người mất tích trong sự cố này.

Khi cơn bão đi qua...
Cầu Phong Châu (Phú Thọ) bắc qua Sông Hồng bị lũ cuốn trôi 1 trụ 2 nhịp.

Kinh hoàng hơn nữa là lũ về quét bản, lũ làm sạt đồi, lở núi. Lũ nhấn chìm làng mạc, công xưởng, nhà máy, càn quét công ty, xí nghiệp, san phẳng hoặc biến tất cả thành rác thải và phế liệu… Lũ khiến những dòng sông đục gầu trong đau thương và giận dữ.

Ngày 9/9, khi toàn miền Bắc đang gồng mình vượt qua bão lũ, tại huyện Bình Nguyên (Cao Bằng), lũ đã cuốn trôi 01 xe khách 29 chỗ chở theo 15 hành khách cùng 2 xe con 5 chỗ và nhiều phương tiên khác, khiến 34 người chết và mất tích. Những ngày sau đó, cách hiện trường chừng vài km, đội cứu hộ tìm thấy xác xe khách và những thi thể hành khách…

Ngày 10/9, thôn Nậm Tông (Bắc Hà, Lào Cai) xảy ra sạt lở, 10 ngôi nhà bị san phẳng, 18 người bị vùi lấp, có gia đình 8 người chỉ còn lại 2 ông cháu.

Đau thương và thảm khốc hơn nữa khi sáng 10/9, ngọn núi Con Voi bao đời che chở, bảo vệ, cung cấp nguồn nước cho bao thế hệ người dân Làng Nủ, một buổi sáng bỗng nổi cơn thịnh nộ khiến cả thôn chìm trong tang tóc, đau thương. Chỉ sau một tiếng nổ, hàng triệu mét khối đất đá của núi Con Voi đã san phẳng ngôi làng nhỏ. Trong tíc tắc, 37 ngôi nhà hơn 168 nhân khẩu bị ảnh hưởng, sạt lở vùi lấp 66 người, cha con, vợ chồng sinh tử, li biệt sau một tiếng nổ vang trời, người may mắn sống sót phải đối diện với nỗi đau, sự mất mát không gì bù đắp nổi. Bản Nủ thanh bình giờ đây đã trở thành một đống đổ nát hoang tàn.

Khi cơn bão đi qua...
Làng Nủ bị san phẳng.

Đau đớn hơn, bão Yayi đã cướp đi sinh mạng của 52 học sinh, 3 học sinh mất tích, 8 học sinh bị thương; 3 giáo viên tử vong và 1 giáo viên mất tích. Trong đó, thiệt hại về người nặng nề nhất là hai tỉnh Lào Cai (35 em) và Cao Bằng (6 em). Nhiều công trình trường học bị sập, đổ, tốc mái; thiết bị dạy học, bàn ghế, sách vở bị nước cuốn trôi hoặc vùi trong bùn đất. Đau thương và tàn khốc, kinh hoàng và ám ảnh là những gì còn đọng lại khi cơn bão Yagi đi qua.

Chia sẻ với đồng bào, tái thiết cuộc sống sau bão lũ

Bão Yagi đi qua gây ảnh hưởng nặng nề cho miền Bắc. Theo báo cáo của Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) sáng 17/9, bão số 3, mưa lũ, sạt lở đất đã làm 329 người chết, mất tích (291 người chết, 38 người mất tích).

Ước tính chưa đầy đủ, thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40.000 tỷ đồng, trong đó, khoảng 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 305 sự cố đê điều, chủ yếu là các tuyến đê lớn từ cấp 3 trở lên; trên 262.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại, gẫy đổ; 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310.000 cây xanh đô thị gãy đổ…

Bão Yagi đi qua, cả hệ thống chính trị, chính quyền và người dân cả nước cùng nỗ lực, đồng lòng chia sẻ những mất mát với bà con vùng bão lũ với nhiều nghĩa cử cao đẹp. Phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, “Thương người như thể thương thân”, "Lá lành đùm lá rách", Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tha thiết kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ở trong và ngoài nước, người nước ngoài đang sinh sống, làm việc ở Việt Nam… dành chia sẻ, giúp đỡ về tinh thần, vật chất, góp phần cùng với Đảng, Nhà nước nhanh chóng khôi phục sản xuất.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã huy động hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, đoàn viên, thanh niên, cộng đồng dân cư kịp thời giúp đỡ, sơ tán, cứu hộ, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Lực lượng vũ trang cùng với cán bộ cơ sở đã bất chấp nguy hiểm lao mình vào mưa giông, bão giật cứu giúp người dân, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân.

Những ngày này, trên khắp đất nước Việt Nam, mỗi cá nhân, mỗi tập thể đều hướng về miền Bắc với mong muốn được chia sẻ những đau thương, mất mát mà đồng bào miền Bắc đã và đang hứng chịu. Một lần nữa tinh thần tương thân tương ái, tinh thần dân tộc, nghĩa đồng bào lại được lan tỏa, tôn vinh.

Trên khắp các tuyến đường, từng đoàn xe chuyên chở hàng hóa, tình nguyện viên đến từ khắp các tỉnh thành miền Nam, miền Trung, từ các tỉnh thuộc khu vực Đông Bắc Bộ. Họ hướng về tâm bão, họ đi vào rốn lũ. Trên các chuyến xe đó, có gạo, có mì, có nước uống, có chăn màn, sách vở… và hơn thế nữa, có nghĩa tình đồng bào sắc son, chia sẻ.

Khi cơn bão đi qua...
Những đoàn xe cứu trợ hướng về đồng bào miền Bắc.

Sau 3 đợt vượt mưa gió, hơn 100 tấn hàng từ TP. HCM đã được các tình nguyện viên và các lực lượng vận chuyển ra miền Bắc góp phần chia bão với đòng bào; tối 17/9, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, 2 “Chuyến xe nghĩa tình” chở 30 tấn hàng hóa do các tập thể, cá nhân trên địa bàn tỉnh Gia Lai ủng hộ hướng về miền Bắc; ngày 18/9, hơn 100 tấn hàng từ Sóc Trăng, Kiên giang hướng về miền Bắc… Và nhiều, nhiều lắm những đoàn thiện nguyện, những chuyến xe của các các tổ chức, cá nhân. Tất cả đều hướng về miền Bắc, về các tỉnh Tây Bắc với mong muốn chia sẻ những mất mát mà đồng bào miền Bắc đang phải gánh chịu.

Tại các địa phương, công tác khắc phục hậu quả do bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra vẫn đang được triển khai tích cực, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác tìm kiếm người mất tích, ổn định cuộc sống của nhân dân.

Tại Làng Nủ, trong đau thương mất mát, vượt suối băng rừng, những chuyến hàng được lần lượt chuyển đến tay người dân như một lời động viên, chia sẻ trước những mất mát đã xảy ra.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng trực tiếp đến hiện trường sạt lở Làng Nủ. Trước sự thảm khốc và đau thương mất mát mà người dân Làng Nủ phải gánh chịu, người đứng đầu Chính phủ đã phải bật khóc, ông chỉ đạo tập trung tìm kiếm những người còn mất tích. Đối với 16 nạn nhân đang bị thương cần tập trung chữa trị, bằng điều kiện tốt nhất để có thể sớm được bình phục, trở lại cuộc sống bình thường. Nhanh chóng khôi phục cơ sở bị ảnh hưởng để các cháu đến trường sớm nhất có thể.

Thủ tướng yêu cầu chính quyền tỉnh Lào Cai khẩn trương khảo sát, quy hoạch địa điểm an toàn với sự tham gia ý kiến khoa học của các cơ quan chuyên môn, để xây dựng lại, khôi phục bản Làng Nủ, bảo đảm các hộ dân có nơi ở an toàn với hạ tầng phù hợp, chậm nhất 31/12 phải hoàn thành, nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ; đồng thời lo công ăn, việc làm, sinh kế, bố trí đất sản xuất để người dân sớm ổn định cuộc sống.

Khi cơn bão đi qua...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo khắc phục hậu quả sự cố Làng Nủ (Lào Cai).

Trên tinh thần đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường khẳng định, về lâu dài, tỉnh xác định dành quỹ đất khoảng 20ha để tái thiết cuộc sống cho người dân. Ngay trong chiều 12/9, vào thời điểm công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn vẫn đang diễn ra, một nhóm cán bộ kỹ thuật địa chính đã tiến hành đo đạc thực địa, cắm mốc định vị khảo sát khu đất dành cho việc tái thiết Làng Nủ.

Với sự đồng thuận của 100% người dân, ngay trong sáng 16/9, các hoạt động đo đạc, quy hoạch, thống kê đền bù, san lấp mặt bằng, thi công đã được triển khai tại khu vực đồi sim cách làng cũ khoảng 2km, ra phía ngoài trung tâm xã nhưng vẫn thuộc thôn Làng Nủ. Nơi đây có diện tích khoảng 10ha với địa hình cao, rộng rãi, an toàn, thuận lợi bố trí hạ tầng giao thông, điện nước… 40 nhà ở được xây dựng 2 tầng với diện tích gần 1.000m2/căn, thiết kế theo kiểu nhà sàn truyền thống của người dân tộc Tày cùng các công trình phụ (bếp, nhà vệ sinh…)

Ngoài ra, trong khu tái định cư, nhà văn hóa, trường học, các công trình hạ tầng (đường, điện, nước…) cũng sẽ được xây dựng để đảm bảo cho người dân sinh sống ổn định, lâu dài. Đặc biệt, để đảm bảo an toàn cho tính mạng người dân, các hộ dân hiện đang sinh sống ở các khu vực thấp trong vùng cũng có thể chuyển tới sống tại khu tái định cư, chứ không chỉ riêng các hộ dân bị ảnh hưởng bởi trận lũ quét.

Người Làng Nủ dù đau thương và mất mát là không thể bù đắp, nhưng trước những việc làm nhanh chóng, quyết liệt và thiết thực của chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, của người dân cả nước đã phần nào xoa dịu những nỗi đau để người Làng Nủ có thể bắt đầu lại cuộc sống mới.

Thay lời kết

Thiên tai luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng. Đứng trước sức mạnh của thiên nhiên con người cũng trở nên nhỏ bé và dễ tổn thương. Cơn bão Yagi gần đây là một minh chứng rõ ràng nhất cho điều đó. Những thứ con người mất 5 năm, 10 năm, thậm chí cả đời để gây dựng có thể bị bão thổi bay chỉ trong tíc tắc. Mỗi cơn bão đi qua để lại không chỉ là hoang tàn đến ám ảnh, mà đó còn là sự mất mát không gì bù đắp nổi đối với những nạn nhân không may mắn. Dù vậy, trong đau thương, tinh thần dân tộc, nghĩa đồng bào, trách nhiệm, lòng yêu nước và sự đoàn kết lại được thắp lên, lan tỏa trong từng nghĩa cử cao đẹp của người Việt Nam.

Tin bài khác
Xây dựng chính sách thuế để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững

Xây dựng chính sách thuế để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu chính sách phù hợp và yêu cầu các địa phương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Sẽ sớm chuyển giao ngân hàng 0 đồng

Sẽ sớm chuyển giao ngân hàng 0 đồng

Ngành ngân hàng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát tình hình tài chính và chuẩn bị tài liệu để sẵn sàng cho việc chuyển giao ngân hàng 0 đồng.
Bộ KH&ĐT: Hai đầu tàu kinh tế cần phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng

Bộ KH&ĐT: Hai đầu tàu kinh tế cần phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được coi là hai đầu tàu kinh tế quan trọng, có khả năng thúc đẩy tăng trưởng cho cả nước.
Nghị quyết 143 đã tác động lập tức tới thiệt hại của doanh nghiệp, người dân sau bão

Nghị quyết 143 đã tác động lập tức tới thiệt hại của doanh nghiệp, người dân sau bão

Nghị quyết 143/NQ/CP ngày 17/9/2024 được xem như "phao cứu sinh" kịp thời tác động lập tức tới thiệt hại của doanh nghiệp, người dân sau bão.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc dồn trọng tâm vào các gói kích thích thích tài khóa

Thị trường chứng khoán Trung Quốc dồn trọng tâm vào các gói kích thích thích tài khóa

Thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại vào thứ Ba (8/10) sau kỳ nghỉ lễ kéo dài một tuần. Các nhà đầu tư hiện đang dồn sự chú ý vào những định hướng chính sách mới từ Chính phủ đại lục.