Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40

17:17 21/06/2021

Trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40 về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, vừa được Bộ Công Thương xây dựng và đưa ra lấy ý kiến.

Năm 2015, cả nước có 67 doanh nghiệp kinh doanh đa cấp, với 850.000 người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp. Thậm chí, trong năm 2018, mạng lưới bán hàng đa cấp đã thu hút hơn 1,2 triệu người. Tuy nhiên, trong năm 2020, số lượng doanh nghiệp đa cấp chỉ còn 22 đơn vị, số người bán hàng đa cấp cũng giảm, chỉ còn khoảng 800.000 người tham gia.

Dù vậy, doanh thu từ việc bán hàng đa cấp lại tăng rất mạnh. Năm 2015, tổng doanh thu từ việc bán hàng đa cấp đạt 8.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 588 tỷ đồng. Tới năm 2020, tổng doanh thu từ việc bán hàng đa cấp đã tăng gấp đôi, lên hơn 15.300 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 1.837 tỷ đồng (tăng gấp 3 lần).

“Với sự vào cuộc đồng loạt và quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đến nay có thể nói hoạt động bán hàng đa cấp đã và đang từng bước ổn định, không còn các vụ việc có hậu quả nghiêm trọng, doanh thu ngành tăng đều và các doanh nghiệp đã có những đóng góp nhất định vào ngân sách của Nhà nước”, đại diện Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cho biết.

Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40 về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, vừa được Bộ Công Thương xây dựng và đưa ra lấy ý kiến, Dự thảo đã được xây dựng với một số sửa đổi, bổ sung lớn như sau:

Thứ nhất, bổ sung, làm rõ các quy định về điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, trong đó bổ sung điều kiện nhà đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam cần có kinh nghiệm hoạt động bán hàng đa cấp ba năm liên tiếp ở một quốc gia khác;

Thứ hai, điều chỉnh giảm thời lượng đào tạo cơ bản bắt buộc, điều chỉnh nội dung đào tạo cho phù hợp với thực tiễn;

Thứ ba, làm rõ các trường hợp được sử dụng tiền ký quỹ để bảo đảm quyền lợi của người tham gia, qua đó giúp người dân xác định được rõ quyền lợi của mình trước khi tiến hành các thủ tục pháp lý, hạn chế việc lãng phí thời gian, nguồn lực của cả người dân và chính quyền trong việc giải quyết tranh chấp và sử dụng tiền ký quỹ.

Thứ tư, thúc đẩy hiệu quả quản lý tại địa phương thông qua việc làm rõ điều kiện, trách nhiệm của người đại diện của doanh nghiệp tại địa phương. Đảm bảo người đại diện tại địa phương phải là người nắm bắt được hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn, có đủ thẩm quyền và có trách nhiệm làm việc với cơ quan có thẩm quyền ở địa phương theo yêu cầu.

Thứ năm, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp thông qua việc điều chỉnh cơ chế bảo trợ quốc tế, ngăn ngừa các hoạt động trái phép hoặc thu lợi bất chính từ thị trường Việt Nam.

Thứ sáu, bổ sung quy định về tỉ lệ hoa hồng tối thiểu trên doanh số bán hàng cá nhân của người tham gia nhằm khuyến khích các doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động bán hàng của người tham gia, hạn chế nguy cơ các mô hình kinh doanh đa cấp biến tướng phát triển theo hướng chỉ tuyển dụng và tiêu dùng hàng hóa trong nội bộ hệ thống.

Ngoài ra, Dự thảo sửa đổi một số quy định cụ thể và một số vấn đề về thủ tục hành chính để đảm bảo thống nhất, thuận lợi trong thực hiện.

Dự kiến, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ hoàn thiện dự thảo trước khi Bộ Công Thương trình Chính phủ vào tháng 12/2021.

Lâm Nghi