Cuộc đua "xanh hóa" nhiên liệu máy bay của các hãng hàng không châu Á

17:50 18/07/2022

Khi lĩnh vực hàng không toàn cầu phục hồi sau sự tàn phá do đại dịch COVID-19 gây ra, các hãng hàng không châu Á đang thử nghiệm việc sử dụng nhiên liệu với lượng carbon thấp hơn để hạn chế những tác động đến môi trường.

Các công ty hàng không đang xem xét nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) - một loại nhiên liệu sinh học - khi các nỗ lực khử cacbon trên toàn thế giới tăng lên. (Nguồn ảnh của Ken Kobayashi và Kosaku Mimura)

Các công ty hàng không đang xem xét sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF). Nguồn ảnh: Ken Kobayashi và Kosaku Mimura.

Hãng hàng không Singapore Airlines vào đầu tháng 7 đã thông báo rằng, họ đã bắt đầu thử nghiệm sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (sustainable aviation fuel - viết tắt là SAF). Nhiên liệu hàng không bền vững hay nhiên liệu sinh học là một chất thay thế sạch cho nhiên liệu hóa thạch (nhiên liệu chủ yếu trong ngành đường sắt và hàng không). Thay vì được tinh chế từ dầu mỏ, SAF được sản xuất từ các nguồn tài nguyên bền vững như dầu thải có nguồn gốc sinh học, cặn nông nghiệp hoặc CO2 không hóa thạch. SAF hiện nay chủ yếu được cung cấp bởi Công ty Neste của Phần Lan 

Hãng đặt ra mục tiêu giảm 2.500 tấn khí thải carbon dioxide và hướng tới cam kết không phát thải vào năm 2050.

Các chuyến bay khởi hành từ đất nước này, bao gồm cả các chuyến bay của hãng hàng không giá rẻ Scoot, sẽ sử dụng nhiên liệu xanh hơn. Lee Wen Fen, Phó Chủ tịch cấp cao của hãng hàng không, cho biết: "SAF là đòn bẩy của quá trình khử cacbon, và bài kiểm tra này thể hiện cam kết của chúng tôi nhằm đạt được mức phát thải cacbon bằng 0 vào năm 2050".

Singapore đang cố gắng thúc đẩy SAF trên toàn quốc. Vào tháng 2, Chính phủ đã thành lập Ban cố vấn quốc tế về các trung tâm hàng không bền vững, dự kiến ​​sẽ đưa ra kế hoạch thành lập thị trường SAF vào đầu năm 2023.

Hãng hàng không Malaysia Airlines cũng đã khai thác chuyến bay chở khách đầu tiên sử dụng SAF vào đầu tháng 6 để hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới.

Vào cuối tháng 6, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) đã công bố rằng lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không toàn cầu vào năm 2022 dự kiến ​​sẽ đạt 3,8 tỷ lượt khách, tăng xấp xỉ 70% so với năm trước, với lượng hành khách đạt 80% mức trước đại dịch. Các nước châu Á đang nới lỏng các hạn chế nhập cảnh, bao gồm cả đối với khách du lịch, và nhu cầu hàng không phục hồi sẽ tạo ra nguồn doanh thu đáng kể cho lĩnh vực hàng không. 

Malaysia Airlines đã khai thác chuyến bay chở khách đầu tiên sử dụng SAF vào đầu tháng 6 cùng với Ngày Môi trường Thế giới. © Reuters
Malaysia Airlines đã khai thác chuyến bay chở khách đầu tiên sử dụng SAF vào đầu tháng 6 để hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới. Ảnh: Reuters.

Với đà phục hồi như dự kiến, các hãng hàng không đang bắt đầu tập trung vào việc khử cacbon như một chìa khóa cho khả năng cạnh tranh trong tương lai. Hành khách có thể bị thu hút bởi các hãng hàng không có chứng chỉ xanh và các chính phủ có thể bắt đầu thúc đẩy ngành này thích ứng với xu hướng mới này. Người ta ước tính rằng việc thay thế tất cả nhiên liệu máy bay bằng SAF sẽ làm giảm lượng khí thải carbon dioxide từ 70% đến 90%.

Vào mùa Xuân, Nhật Bản đặt mục tiêu thay thế 10% lượng nhiên liệu sử dụng của các hãng hàng không trong nước bằng SAF vào năm 2030. Với mục tiêu thiết lập mạng lưới cung cấp, Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch cùng với Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) đã ra mắt một hội đồng hợp tác công tư vào tháng Tư.

Ngoài hai hãng hàng không lớn nhất của đất nước là All Nippon Airways (ANA) và Japan Airlines, Hội đồng còn bao gồm Công ty lọc dầu Eneos Holdings và các nhà khai thác sân bay. Họ cũng vừa mới bắt đầu thảo luận về các cách sử dụng SAF, cũng như việc xây dựng các tiêu chuẩn an toàn cho các công nghệ mới như máy bay điện và máy bay hydro.

Các công ty Nhật Bản khác cũng đang tăng tốc chuyển sang sản xuất SAF trong nước. Công ty kỹ thuật Nhật Bản JGC Holdings và nhà bán buôn xăng dầu Cosmo Oil sẽ bắt đầu sản xuất thương mại SAF lần đầu tiên vào năm 2025.

Các quan hệ đối tác quốc tế cũng bắt đầu hình thành. Airbus của châu Âu và Qantas Airways của Úc vào tháng 6 đã thông báo rằng họ sẽ thành lập một liên doanh về SAF. Hai công ty sẽ đầu tư 200 triệu đô la vào các công ty khởi nghiệp liên quan đến sinh học để hỗ trợ phát triển SAF tại Úc.

ANA có thể cấp chứng chỉ thể hiện mức giảm CO2 thực tế cho các tập đoàn, từ đó có thể sử dụng chứng chỉ để cho các nhà đầu tư thấy nỗ lực giảm thiểu các-bon của họ. © Reuters
ANA có thể nhận được chứng chỉ giảm phát thải CO2, từ đó có thể sử dụng chứng chỉ cho các nhà đầu tư thấy được nỗ lực bảo vệ môi trường của họ. Ảnh: Reuters.

METI ước tính chi phí sản xuất SAF dao động từ 200 yên đến 1600 yên (tương đương 1,4 đến 11,5 đô la) mỗi lít, gấp 2 đến 16 lần chi phí của nhiên liệu máy bay thông thường. Để trang trải chi phí sản xuất, doanh nghiệp cần phải nâng giá thành bán cho khách hàng. 

ANA có thể chuyển chi phí sang cho hành khách thông qua chương trình riêng của mình. Ngoài ra, các công ty sử dụng máy bay cho mục đích kinh doanh và các mục đích khác có thể trả một phần chi phí SAF và nhận được chứng chỉ giảm phát thải CO2. Họ có thể tính toán lượng CO2 giảm thực tế dựa trên quãng đường bay, sau đó nhận chứng chỉ và cung cấp thông tin đó cho các nhà đầu tư. 

Tuy nhiên, nguồn cung hạn chế của SAF đặt ra một thách thức đối với việc triển khai trên quy mô toàn diện. IATA ước tính rằng cần sản xuất 449 tỷ lít SAF mỗi năm để đạt được mục tiêu khử cacbon vào năm 2050. Tuy nhiên, chỉ một số công ty, chẳng hạn như Neste của Phần Lan, đã thương mại hóa SAF và sản lượng bị giới hạn ở 125 triệu lít mỗi năm.

Mới đây, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu tán thành các quy định yêu cầu ngành hàng không dần thay thế kerosene (nhiên liệu phản lực) bằng các nhiên liệu sạch hơn trong một nỗ lực giảm khí thải nhà kính trong ngành này để tiến tới mục tiêu trung hòa CO2 vào năm 2050. Theo nội dung văn kiện đã được Nghị viện châu Âu thông qua, các nhà cung cấp nhiên liệu tại các sân bay ở Liên minh châu Âu phải pha trộn tối thiểu 2% SAF vào nhiên liệu kerosene kể từ năm 2025 và tỷ lệ này tăng dần lên mức 37% vào năm 2040, 85% vào năm 2050, tham vọng hơn so với mức mục tiêu theo đề xuất ban đầu của EC. Các máy bay tiếp nhiên liệu tại các sân bay của EU bắt buộc phải sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững theo tỷ lệ trên kể từ năm 2025.

Bảo Bảo