Hạn chế du lịch khiến triển vọng phục hồi ngành hàng không châu Á tụt hậu so với phương Tây

09:33 12/11/2021

Các hãng bay lớn của Singapore, Nhật Bản đặt hy vọng vào chính sách mở cửa biên giới trở lại sau tổn thất lớn hàng quý.

Triển vọng phục hồi hàng không châu Á tụt hậu so với phương Tây
Triển vọng phục hồi hàng không châu Á tụt hậu so với phương Tây. (Ảnh: Getty Images)

Hàng loạt các hãng hàng không khu vực châu Á vẫn đang phải vật lộn để đối phó với đại dịch Covid-19, một số nhà khai thác lớn nhất báo cáo thiệt hại nặng nề, phản ánh tình trạng hạn chế du kịch kéo dài làm trầm trọng thêm tình hình kinh tế khu vực và toàn ngành.

Gần hai năm kể từ khi đại dịch bùng phát, các nước phương Tây hiện dẫn đầu thế giới trong công cuộc phục hồi hậu khủng hoảng. Trong khi hàng không Mỹ ghi nhận lợi nhuận ròng trong quý, ở châu Á, các biện pháp an toàn nghiêm ngặt nhằm hạn chế lây lan của biến thể Delta tiếp tục làm giảm nhu cầu đi lại trong nước và quốc tế tại các thị trường chính từ Trung Quốc, Nhật Bản đến Đông Nam Á. Bên cạnh đó, các hãng bay cố gắng sắp xếp hoạt động với hy vọng tăng tốc thu nhập ngay khi địa phương có động thái mở cửa trở lại, giải phóng nhu cầu bị dồn nén.

Hôm thứ năm, Singapore Airlines đã báo cáo khoản lỗ ròng 428 triệu đô la Singapore (316 triệu đô la) trong ba tháng tính đến tháng 9, đánh dấu mức lỗ quý thứ bảy liên tiếp. Công suất hành khách hoạt động là 32% so với mức trước đại dịch vào tháng 9. Do hãng vận tải hàng đầu này không có các tuyến nội địa nên thu nhập phần lớn dựa vào hoạt động du lịch xuyên biên giới đang yếu kém tại châu Á.

Cùng lúc, các chuyến bay nội địa ở Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi chiến lược không khoan nhượng của chính phủ, khiến cộng đồng dân cư bị cấm vận và hạn chế du lịch nghiêm ngặt. Bất chấp thời gian nghỉ hè và tết Trung thu là những dịp thúc đẩy ngành du lịch nhưng dịch bệnh bùng phát ở một số tỉnh miền Nam và miền Đông nước này khiến nhu cầu di chuyển chững lại.

Ba hãng hàng không lớn của Trung Quốc, mỗi hãng kiếm được khoảng 70% doanh thu từ các đường bay nội địa trước đại dịch, đều ghi nhận lỗ ròng trong quý 7-9. Hãng hàng không China Eastern Airlines có trụ sở tại Thượng Hải và China Southern Airlines có trụ sở tại Quảng Châu ghi nhận khoản lỗ ròng lần lượt là 2,95 tỷ nhân dân tệ (460 triệu USD) và 1,43 tỷ nhân dân tệ. Hãng hàng không quốc gia Air China đã báo cáo khoản lỗ ròng 3,5 tỷ nhân dân tệ.

Phía Air China lưu ý: "Các thiệt hại chủ yếu là do tác động tấn công từ các đợt bùng dịch lẻ tẻ, giá nhiên liệu hàng không tăng và biến động tỷ giá hối đoái". Trước đó, cả ba hãng hàng không đều thu lợi nhuận khủng trong cùng quý năm 2019. Tương tự, hai hãng hàng không lớn của Nhật Bản, ANA Holdings và Japan Airlines, bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng dịch bệnh nguy cấp kéo dài nhiều ngày và nhu cầu quốc tế suy yếu, một phần xuất phát từ biện pháp kiểm soát chặt chẽ biên giới của chính phủ Nhật Bản. Kết quả là, toàn bộ hãng bay nêu trên lỗ ròng 47,6 tỷ yên (420 triệu USD) và 44,6 tỷ yên trong quý 7-9 tương ứng.

Vào ngày công bố thu nhập hàng quý, ANA đã hạ dự đoán thu nhập cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2022 xuống mức lỗ ròng 100 tỷ yên từ lợi nhuận ròng 3,5 tỷ yên, nhấn mạnh rằng sự phục hồi có thể không suôn sẻ như kế hoạch. Rob Morris, trưởng bộ phận tư vấn toàn cầu của Ascend by Cirium, một công ty phân tích hàng không, cho biết: "Nhu cầu trên khắp các thị trường châu Á thực sự vẫn thấp hơn đáng kể so với năm 2019, phần lớn là do các hạn chế đi lại quốc tế đến và đi từ Trung Quốc cũng như xuyên lục địa. Một số thị trường trong nước đang phục hồi, nhưng công suất nội châu Á thường vẫn thấp hơn 60% so với năm 2019". 

Trái ngược với cảnh ảm đạm ở  bên kia thế giới, hàng không Mỹ nhộn nhịp mùa cuối năm
Trái ngược với cảnh ảm đạm ở bên kia thế giới, hàng không Mỹ nhộn nhịp mùa cuối năm. (Ảnh: AP)

Ngược lại, các hãng hàng không lớn nhất ở Mỹ gồm Delta Air Lines, United Airlines và American Airlines, đều báo cáo lợi nhuận ròng trong quý 7-9 với doanh thu phục hồi lên khoảng 70% so với cùng kỳ hai năm trước nhờ nhu cầu trong nước mạnh mẽ. Đây là lần đầu tiên kể từ quý 10-12 năm 2019, cả ba công ty đều báo cáo lợi nhuận ròng. Morris chỉ ra rằng thu nhập của các hãng hàng không Hoa Kỳ đang "được củng cố bởi cả hỗ trợ tài chính từ chính phủ và thị trường nội địa gia tăng trở lại mức tương đương trước đại dịch. Do đó, họ có thể tái xây dựng mạng lưới và doanh thu để mang lại hiệu quả tài chính hiện tại".

Ngược lại, ngành hàng không của châu Á đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến các hãng hàng không tư nhân phải thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí đáng kể, bao gồm sa thải nhân viên và nghỉ việc không lương và loại bỏ các máy bay cũ đồng thời tìm kiếm nguồn tài trợ từ các tổ chức cho vay và chính phủ. Nhiều hãng bay bắt đầu đẩy mạnh hoạt động kinh doanh hàng hóa để nắm bắt nhu cầu vận chuyển toàn cầu đối với vật tư y tế và linh kiện điện tử. Ví dụ, hãng hàng không hàng đầu của Hàn Quốc là Korean Air Lines đã ghi nhận lợi nhuận ròng từ tháng 4 đến tháng 6 nhờ nhu cầu vận tải hàng hóa cao. Trong một diễn biến khác, hãng hàng không giá rẻ AirAsia của Malaysia đang đa dạng hóa sang các dịch vụ kỹ thuật số, tung ra dịch vụ giao đồ ăn và thanh toán điện tử ở một số thị trường, đồng thời đóng cửa hoạt động kinh doanh hàng không ở Nhật Bản. 

AirAsia phải ngừng bay, chuyển sang giao hàng ăn để tồn tại giữa đại dịch
AirAsia phải ngừng bay, chuyển sang giao hàng ăn để tồn tại giữa đại dịch. (Ảnh: AirAsia)

Tuy nhiên, một số hãng vận tải hàng đầu tại các nền kinh tế mới nổi vốn ở trong tình trạng tài chính suy yếu từ trước khi đại dịch xảy ra đã không thể tự vượt qua cuộc khủng hoảng. Thai Airways International hiện đang phục hồi dưới sự giám sát của tòa án, trong khi Philippines Airlines đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản. 

May mắn thay, trước thềm kỳ nghỉ lễ lớn cuối năm, các hãng hàng không châu Á cuối cùng cũng nhìn thấy tia hy vọng ở phía chân trời. Trong những tuần qua, các chính phủ đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế trong nước và các biện pháp kiểm soát biên giới khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên. Vào tháng 9, Singapore đã ra mắt "Vaccinated Lane" cho phép du khách nhập cảnh mà không cần kiểm dịch đồng thời mở rộng chương trình sang 12 quốc gia đối tác vào đầu tháng 11. Thái Lan trong tháng này đã bắt đầu cho phép nhập cảnh miễn kiểm dịch đối với du khách từ 63 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm hầu hết các nền kinh tế lớn của châu Á.

Cũng theo Morris nhận định: "Mở cửa một số thị trường là bước phát triển đáng hoan nghênh đối với các hãng hàng không ở châu Á, giúp họ xây dựng lại mạnh lưới và doanh thu theo phương Tây đã làm". Singapore Airlines cho biết trong tuyên bố thu nhập hôm thứ năm sẽ "hỗ trợ sự phục hồi an toàn và dần dần của Sân bay Changi với vai trò một trung tâm hàng không chính", đồng thời cho biết thêm rằng công suất hành khách hoạt động của hãng dự kiến ​​sẽ tăng lên 43%. 

Triển vọng phục hồi toàn ngành khu vực châu Á - Thái Bình Dương thấp hơn mức trước đại dịch
Triển vọng phục hồi toàn ngành khu vực châu Á - Thái Bình Dương thấp hơn mức trước đại dịch. (Ảnh: QUICK-FactSet)

Giá cổ phiếu phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư đối với việc mở cửa trở lại biên giới. ANA và JAL đã tăng lần lượt 4% và 5% vào thứ hai khi chính phủ Nhật Bản quyết định khai thông biên giới cho khách nhập cảnh là doanh nhân và sinh viên. Cổ phiếu của Singapore Airlines tăng 8% vào ngày 11 tháng 10, sau khi chính phủ thông báo mở rộng chương trình du lịch không kiểm dịch tới một số quốc gia, bao gồm Anh, Mỹ và Canada. Brendan Sobie, một nhà phân tích hàng không độc lập cho hay: "Chúng tôi đang chứng kiến ​​sự cải thiện trong quý 4 ở châu Á - Thái Bình Dương. Lưu lượng truy cập trong nước đang tăng trở lại và cuối cùng đã có những dấu hiệu đầu tiên của việc du lịch quốc tế quay trở lại". "Nhưng tiến trình diễn ra chậm và từ từ", ông lưu ý. "Chắc chắn sẽ có một số phát triển tích cực đáng khích lệ nhưng châu Á sẽ tiếp tục tụt hậu so với phần còn lại của thế giới trong một thời gian".

Hầu hết cổ phiếu của các hãng hàng không châu Á vẫn ở dưới mức tháng 1 năm 2020, trừ một số trường hợp ngoại lệ như Korean Air hoạt động kinh doanh hàng hóa ổn định. Hiện, mối quan tâm hàng đầu của ngành là giá dầu tăng làm phát sinh chi phí nhiên liệu máy bay. Cho đến nay, công suất hoạt động tương đối thấp có nghĩa là tác động của các chiến lược chưa đáng kể nhưng nếu sử dụng nhiều máy bay hơn, chi phí đội lên cao có thể gây ra mối đe dọa lớn hơn đối với thu nhập của các hãng hàng không.

Trong bối cảnh đó, các hãng hàng không cố gắng hoạt động để có lãi trở lại. Ví dụ, JAL có kế hoạch giảm tổng số nhân viên của tập đoàn từ 2.500 xuống còn 33.500 vào cuối năm tài chính 2023. ANA cũng đặt mục tiêu cắt giảm khoảng 9.000 nhân viên vào cuối năm tài chính 2025, từ khoảng 38.000 trong năm tài chính 2020. Thế nhưng, trong cuộc họp báo về thu nhập, giám đốc điều hành ANA Holdings, Shinya Katanozaka, đã kêu gọi chính phủ Nhật Bản dỡ bỏ hoàn toàn kiểm dịch bắt buộc đối với khách doanh nhân và sử dụng chứng nhận tiêm chủng kỹ thuật số, một công cụ quan trọng giúp thúc đẩy hoạt động kinh tế.

Giữa các khu vực, hỗ trợ chính sách phối hợp nhịp nhàng hơn mang lại ý nghĩa to lớn cho phục hồi toàn ngành. Henk Ombelet, người đứng đầu hoạt động cố vấn tại Ascend by Cirium, chia sẻ kinh nghiệm ở châu Âu cho thấy nhu cầu đi lại sẽ tăng cao khi các chính phủ áp dụng các quy tắc đa quốc gia được đơn giản hóa cho các chuyến du lịch nước ngoài. "Có lẽ đây là một cách tiếp cận khả thi tại châu Á. Khu vực này vẫn diễn ra "chắp vá" các quy định từ nhiều nước khác nhau, cản trở phục hồi hàng không".

TL