Chính sách của Thái Lan về tiền ảo

00:00 12/10/2020

Bitcoin là một loại tiền tệ kỹ thuật số được mã hóa xuất hiện vào năm 2008. Hiện nay Bitcoin đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới và các nước cũng đưa ra cảnh báo về sự rủi ro của loại tiền ảo này. Tại Việt Nam, đồng bitcoin được phát triển rầm rộ từ năm 2014 trở lại đây và đang gây nhiều tranh cãi. Việc tham khảo kinh nghiệm của Thái Lan về chính sách đối với tiền ảo Bitcoin là rất hữu ích với Việt Nam.

Từ việc cấm giao dịchbằng Bitcoin

Một gian hàng bán thiết bị khai thác tiền điện tử tại triển lãm Commart ở Bangkok vào ngày 22 tháng 6

Năm 2013, khi tổ chức Bitcoin nhắm vào thị trường Thái Lan, Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã tuyên bố từ chối cho lưu hành đồng tiền Bitcoin tại nước này. Có nghĩa là mọi giao dịch liên quan đến đồng Bitcoin tại đây bị coi là trái pháp luật; mọi giao dịch mua bán, chuyển nhượng thông qua Bitcoin với cá nhân, tổ chức bên ngoài Thái Lan đều là phạm pháp. Thái Lan là nước đầu tiên trên thế giới cấm giao dịch bằng Bitcoin. Cấm là phù hợp, vì khi đó Thái Lan chưa có qui định của pháp luật để áp dụng hoặc kiểm soát vốn liên quan đến Bitcoin và nhiều khu vực tài chính khác; ngay cả định nghĩa về Bitcoin cũng chưa có.

Đó là phản ứng tự vệ phù hợp tình hình. Song, vì thế giới là một ngôi nhà chung và sự lan tỏa của hội nhập kinh tế quốc tế như một qui luật của kinh tế thị trường khiến cho việc ngăn cấm không phải là thái độ phù hợp và cũng không thể thực hiện được trên thực tế.

Đến chấp nhận và những bước đầu trong xây dựng chính sách, pháp luật về tiền ảo

Tháng 7/2014, Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã tuyên bố: giao dịch Bitcoin không bị coi là bất hợp pháp tại Thái Lan và phê duyệt hai sàn trao đổi Bitcoin tại đây. Sự thay đổi cách nhìn nhận tiền ảo tại Thái Lan đã thể hiện thái độ tích cực và thực tiễn hơn – sử dụng Bitcoin làm công cụ trung gian để mua, bán và trao đổi hàng hóa dịch vụ.

Nhưng Thái Lan đã thận trọng đưa ra một lộ trình và những nội dung cần nghiên cứu, xử lý từng bước cho phù hợp và để yên tâm trong bối cảnh cụ thể về nhiều mặt của đất nước mình. Đó là các nội dung: định nghĩa tiền ảo, tiền ảo không phải là tiền tệ và không phải là phương thức chuyển đổi ngoại tệ, tiền ảo được giao dịch như một loại hàng hóa và phải được trao đổi theo một thể thức luật định để ngăn ngừa hệ lụy xấu có thể xẩy ra, phải bổ sung Bộ luật dân sự, Luật thương mại, Luật bảo vệ người tiêu dùng và các qui định về chống rửa tiền của Thái Lan cho phù hợp. Đồng thời, Thái Lan cũng cho nghiên cứu điều chỉnh pháp luật để phù hợp với việc điều chỉnh tiền ảo và công nghệ mới để tiến tới bước nghiên cứu sâu hơn về tiền ảo và phát triển công nghệ thanh toán.

Chặng đường 5 năm từ 2014 đến nay, nghiên cứu, xây dựng chính sách, pháp luật về tiền ảo của Thái Lan chỉ là những bước đi đầu tiên và sẽ phải một quá trình tiếp tục không mấy dễ dàng. Nửa cuối năm 2017, Chính phủ Thái Lan tiếp tục đặt hàng cho Ngân hàng Trung ương nước này nghiên cứu về Bitcoin để trả lời câu hỏi liệu nó có thể phù hợp để xem như một phương thức thanh toán hợp pháp tại Thái Lan hay không. Chính phủ còn thận trọng giao cho Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương phối hợp để hỗ trợ tài chính và công nghệ nhằm nghiên cứu về công nghệ ngân hàng và xem xét khai thác khả năng của những phát minh như Bitcoin làm cơ sở cho việc xem xét có nên chấp nhận nó không và liệu có những giải pháp nào để chống rủi ro, chống gian lận trong cuộc bắt tay giữa doanh nghiệp tài chính và công nghệ tài chính để chuẩn bị cho sự cạnh tranh gay gắt trong tương lai.

Tuy nhiên, đến nay còn không ít nội dung của lộ trình này vẫn chưa có đáp án. Cụ thể, chưa có một định nghĩa nào về Bitcoin hay tiền ảo gây khó cho việc ban hành văn bản điều chỉnh tiền ảo tại Thái Lan; vẫn duy trì thái độ coi tiền ảo không phải là tiền tệ và không phải là phương thức chuyển đổi ngoại tệ; tuy cho phép tiền ảo được giao dịch như một loại hàng hóa và phải được trao đổi theo một thể thức luật định nhưng còn nhiều nội dung vẫn “dựa” vào qui định của pháp luật hiện hành của Thái Lan; một số nội dung còn đang tiếp tục nghiên cứu sửa đổi trong các Luật giao dịch điện tử 2011, Luật Bảo mật dữ liệu, v.v..

Những kinh nghiệm cho Việt Nam

Vụ việc Công ty ModernTech ở TP Hồ Chí Minh được cho là lừa đảo thông qua việc huy động vốn từ đồng tiền ảo iFan hiện đang được các cơ quan chức năng điều tra. Không chỉ số tiền huy động do các nạn nhân tố cáo quá lớn, lên đến 15.000 tỉ đồng, mà quan trọng hơn là những tác động tiêu cực của những vụ phát hành tiền ảo huy động vốn đa cấp sẽ tiếp tục lặp lại nếu không có biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn.

 Với sự phát triển mạnh của đồng tiền ảo trên thế giới và tham khảo kinh nghiệm của Thái Lan, chúng ta có thể xem xét các bước công việc nghiên cứu để tìm lời giải về một loạt vấn đề. Trước hết, phải đưa ra được định nghĩa về tiền ảo và xác định địa vị pháp lý của nó. Lựa chọn một lộ trình xây dựng pháp luật về tiền ảo sao cho phù hợp, bao gồm cả vấn để rà soát các đạo luật liên quan (Luật giao dịch điện tử 2005, Luật các tổ chức tín dụng 2010, Luật các công cụ chuyển nhượng 2005,…). Bên cạnh đó, có thể xem xét kinh nghiệm của Thái Lan trong việc không cho phép tự do giao dịch bằng Bitcoin mà phải chuyển đổi sang đồng bản tệ để kiểm soát và chống chảy máu ngoại tệ, hoặc cấp phép sàn giao dịch tiền ảo dưới hình thức đăng ký công ty thương mại điện tử để tránh sự ràng buộc với các hàng hóa thông thường mà công ty này cung cấp.

Nghị quyết Phiên họp của Chính phủ tháng 3/2018 nêu rõ: Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành hiệu quả chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá; kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng. Quản lý chặt chẽ các giao dịch thanh toán điện tử. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng hệ thống ngân hàng, hệ thống thanh toán để mua bán, trao đổi tiền ảo, sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán trái với quy định pháp luật. Quản lý tốt tăng trưởng tín dụng, nâng cao chất lượng tín dụng, giảm thiểu nợ xấu phát sinh; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như: bất động sản, chứng khoán.

Vấn đề còn lại là tự thân chúng ta lên kế hoạch và hành động để bắt kịp sự mở rộng của thị trường trong điều kiện hội nhập mạnh mẽ hiện nay và mục tiêu quốc gia khởi nghiệp đã được Chính phủ xác định. Trong tương lai, các sản phẩm của chương trình này sẽ phục vụ thiết thực cho việc huy động vốn phát triển doanh nghiệp, sự kết hợp với các hợp đồng thông minh, giúp các giao dịch, thỏa thuận được xác nhận mà không tiết lộ thông tin của các bên hay là giúp giảm thiểu chi phí hoạt động trong quản lý hành chính.

Phan Lê Thu (Nguồn Tạp chí DNH&HN)