Báo chí cũng nhảy vào NFT

22:22 02/04/2021

Cơn sốt mua bán các tác phẩm mỹ thuật ở dạng NFT nay đã lan sang báo chí. Như Kinh tế Sài Gòn số 10 trong bài “Mua bán mỹ thuật kỹ thuật số” đã tường thuật, đang có hiện tượng người ta đưa các tác phẩm, thậm chí chỉ là hình vẽ đơn sơ hay một mẩu viết ngắn, vào cơ sở dữ liệu quản lý bằng blockchain rồi bán nó ở dạng một token không thay thế (Non-Fungible Token) với giá trên trời. Nay một số tờ báo bắt chước làm theo.

Tờ Time bán một lần ba cái bìa trình bày như nhau, chỉ có dòng tít màu đỏ chạy hết bìa nền màu đen chứ không có hình ảnh gì cả. Các tít này là: “Is God Dead?”; “Is Truth Dead?” và “Is Fiat Dead?”.

“Is God Dead?” (Thượng đế đã chết?) là bìa số báo phát hành ngày 8-4-1966, cũng là tít bài báo chính của số báo này do John Elson chấp bút. Như tác giả viết, “đây là câu hỏi quấy đảo cả người có đức tin, có lẽ đang âm thầm lo sợ rằng đúng như thế và cả những kẻ vô thần, cũng có lẽ đang nghi ngờ câu trả lời là chưa”. Bìa báo này gây ra một làn sóng phẫn nộ, tòa soạn nhận 3.421 lá thư phản đối của độc giả.

Các hình bìa báo Time rao bán dưới dạng NFT.
Các hình bìa báo Time rao bán dưới dạng NFT..

Hơn nửa thế kỷ sau, Time lại dùng mô típ này để dựng một bìa báo tương tự với dòng tít “Is Truth Dead?” (Sự thật đã chết rồi chăng?) trên số báo ra ngày 3-4-2017. Vì font chữ của bìa gốc là dựa vào font Bodoni Poster hiện không có trên máy tính nên các họa sĩ phải vẽ tay. Bắt chước cách đặt vấn đề năm 1966, bìa và bài báo này muốn nói đến hiện tượng “hậu sự thật” khi sự thật không còn mang tính khách quan nữa. Nước Mỹ vào những năm này luôn tranh cãi đúng sai quanh các tuyên bố của Tổng thống Trump - với nhiều người những gì họ tin là đúng là sự thật bất kể các chứng lý khác.

Bìa thứ ba, “Is Fiat Dead?” là một trường hợp đặc biệt khi Time đem bán đấu giá một cái bìa chưa xuất hiện. Theo kế hoạch bìa này sẽ được dùng cho số báo ra ngày 5-4-2021 cho chuyên đề đặc biệt về NFT. Cơn sốt NFT gắn kèm với cơn sốt Bitcoin và các đồng tiền mã hóa khác làm tờ báo này phải đặt câu hỏi “Liệu tiền pháp định đã chết?” - tiền pháp định là đồng tiền chính thức của các nước phát hành mà không được bảo đảm bằng các tài sản khác như vàng. Cũng như bìa số 2, bìa này phải do họa sĩ vẽ tay chứ không đơn thuần gõ trên máy tính.

Hình hãng tin AP bán đấu giá.

Tờ Time đem ba cái bìa này lên trang chuyên tổ chức đấu giá tác phẩm NFT SuperRare rao bán. Họ bán cái gì? Với hai bìa đã xuất bản, chắc chắn không có chuyện bán cái bìa trên giấy; thư viện hay nhà nhiều người ắt còn giữ các bìa báo này. Cái họ bán chỉ là một dãy mã số cho phép truy cập vào một sổ cái blockchain ghi nhận câu chuyện này và có thể là kèm theo hình ảnh kỹ thuật số các bìa. Như một người từng ví von, chẳng khác gì bạn có cái áo khoác đem bán đấu giá nhưng thật sự chỉ bán cái phiếu gửi áo bên ngoài rạp hát, có kèm hình chụp chứ chưa hẳn là cái áo đó nữa. Thế mà vẫn có người mua.

Kết thúc cuộc đấu giá, Time thu về 70 Ether (tương đương 110.000 đô la Mỹ) cho bìa số 1; 83 Ether (chừng 132.000 đô la) cho bìa số 2 và 88 Ether (140.000 đô la) cho bìa số 3. Không tệ chút nào cho một ý tưởng ăn theo cơn số NFT kịp thời. Thật ra quấy động dư luận, thu hút sự chú ý của mọi người vào chuyên đề của số báo sắp ra mắt mới là điều tờ Time nhắm tới và đã thành công ngoài mong đợi. Đại diện của tờ này còn tuyên bố trong vòng 30 ngày nữa họ sẽ chuẩn bị xong để có thể tiếp nhận đặt mua báo dài hạn mà chi trả bằng tiền mã hóa.

Sau Time là tờ New York Times, cũng biến một bài bình luận của cây bút chuyên về công nghệ Kevin Roose thành một NFT và đem bán đấu giá trên trang Foundation. Điều nực cười là bản thân bài viết, mang tựa đề “Hãy mua bài báo này trên Blockchain!” là để kể về chuyện biến bài báo thành NFT để bán với lý do như tác giả viết, “Sao các nhà báo không thể tham gia cuộc chơi NFT nhỉ?”.

Dĩ nhiên bài giải thích NFT là gì, các tác phẩm nào đang sốt, giá cả như thế nào và cái quyết định bán ngay bài viết nhưng tiền thu được sẽ góp vào quỹ từ thiện của báo. Tác giả cũng kể cách thức tạo ví Ethereum, tạo tài khoản trên Foundation, tải hình bài báo lên rồi tạo token (như kiểu một chữ ký mã hóa) gắn với file hình ảnh đó để chứng thật nó là đồ thật, duy nhất. Chi phí tạo token trên blockchain Ethereum hiện nay từ 50-100 đô la. Ai đấu giá thành công thì token đó sẽ chạy về ví của họ, tiền về ví tác giả, trừ 15% hoa hồng cho Foundation rồi sẽ được tác giả đổi thành đô la Mỹ để chuyển cho quỹ từ thiện.

Như vậy người thắng đấu giá sẽ nhận cái token kèm hình chụp bài báo ở dạng PNG (luật sư của tác giả nhắc người thắng sẽ không nhận được bản quyền vì bản quyền bài viết vẫn thuộc New York Times), khả năng được nêu tên trên bài viết kể về kết quả đấu giá (như tác giá cũng lưu ý sếp anh ta dặn quyền đăng hay không đăng là của báo) và danh tiếng là người đầu tiên sở hữu một NFT là bài báo New York Times trong lịch sử 170 năm của nó. Bất ngờ thay, bài báo này cuối cùng được mua với giá tương đương 560.000 đô la Mỹ!

Trước đó hãng tin AP bán đấu giá bức tranh vẽ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 nhìn từ ngoài không gian sử dụng thông tin dữ liệu kết quả bầu cử của AP vào lúc đó. Sau tám ngày đấu giá, bức tranh bán được 100 Ether (tương đương 158.000 đô la Mỹ). Chưa biết lúc nào cơn sốt NFT sẽ dừng lại và chưa biết thêm tờ báo nào khác cũng nghĩ đến chuyện biến bài báo thành NFT để bán đấu giá! 

Thư Kì/ Theo thesaigontimes