5 thách lớn trong nhiệm kỳ của nữ thủ tướng Pháp đầu tiên sau 3 thập kỷ

17:53 18/05/2022

Ngày 16/5 vừa qua, bà Elisabeth Borne đã được chính thức bổ nhiệm làm Thủ tướng Pháp, đánh dấu việc nước Pháp có nữ Thủ tướng đầu tiên trong 30 năm trở lại đây.

Tân thủ tướng Pháp Elisabeth Borne tại điện Matignon, Paris, ngày 16/05/2022. AP - Christian Hartmann
Tân Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne tại Điện Matignon, Paris, ngày 16/05/2022. Nguồn ảnh AP - Christian Hartmann. 

Trong bài phát biểu ngắn gọn đầu tiên của mình sau buổi bàn giao công việc với người tiền nhiệm Jean Castex tại Điện Matignon, tân Thủ tướng Elisabeth Borne đã đề cập tới một số ưu tiên trong chính sách sắp tới, như về thương mại hay chống biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, bà muốn truyền cảm hứng cho tất cả các trẻ em gái để theo đuổi ước mơ của mình. "Không gì có thể ngăn cuộc đấu tranh giành vị trí của phụ nữ trong xã hội. Tất cả cô gái nhỏ nên thực hiện ước mơ của mình".

Nữ Thủ tướng Elisabeth Borne nói: "Hôm nay, tôi vô cùng xúc động. Và tôi không thể không nghĩ đến người phụ nữ đầu tiên giữ vị trí này, bà Edith Cresson. Nhân đây, tôi cũng có lời muốn nói với các cô gái nhỏ, hãy thực hiện ước mơ của bạn và không gì có thể ngăn cuộc đấu tranh giành vị trí của phụ nữ trong xã hội".

Đó là phát biểu ngắn gọn của tân Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne sau buổi bàn giao công việc với người tiền nhiệm. Những lời chia sẻ truyền cảm hứng cho tất cả các trẻ em gái theo đuổi ước mơ của mình cho thấy, một trong những ưu tiên của bà Borne sắp tới là tập trung vào sự phát triển của phụ nữ bên cạnh các chính sách khác như thương mại hay chống biến đổi khí hậu.

Bà Elisabeth Borne từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông, Bộ trưởng Bộ Môi trường và Bộ trưởng Bộ Lao động Pháp. Bà Borne được truyền thông Pháp miêu tả là người có hiểu biết sâu sắc về đất nước, chính trị địa phương và kinh doanh. Bà cũng từng tham gia nhiều cuộc đàm phán với các tổ chức công đoàn trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Macron. Đồng minh của Tổng thống Macron, ông Christophe Castaner đã đặt biệt danh cho bà Borne là “bộ trưởng biến những cải cách bất khả thi thành điều có thể thực hiện được”.

Trong thời gian bà Borne làm Bộ trưởng Bộ Lao động, tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 15 năm, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 40 năm. Báo chí Pháp cho rằng, với vốn kiến thức sâu sắc về hoạt động chính quyền, bà sẽ có thể giúp Tổng thống Macron tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy các chủ trương cải cách.

Báo chí Pháp cho rằng, với vốn kiến thức sâu sắc của bà Borne về hoạt động chính quyền, bà sẽ có thể giúp Tổng thống Macron tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy các chủ trương cải cách.

Trang Télégramme nhấn mạnh đây chỉ là 1 trong 5 thách lớn trong nhiệm kỳ của nữ thủ tướng Pháp đầu tiên từ hơn 30 năm qua. Ưu tiên chính trị đầu tiên là bà Élisabeth Borne phải điều phối để đảng Renaissance (Phục Hưng) và liên minh giành được đa số ở Hạ Viện trong cuộc bầu cử lập pháp ngày 12 và 19/06. Như vậy, chính phủ của bà mới tiếp tục tồn tại. Nếu thất bại sẽ mở ra thời kỳ "chung sống chính trị" (cohabitation) với việc chính phủ và chức thủ tướng nằm trong tay phe đối lập. 

Thứ hai, bà Élisabeth Borne giữ trọng trách triển khai "phương pháp mới" dựa trên đồng thuận và đối thoại, được Tổng thống Pháp hứa với người dân Pháp. Tân Thủ tướng được cho là người hội tụ đủ tiêu chí, về kinh nghiệm quản lý, cũng như khuynh hướng xã hội trong chính quyền Macron, để tiến hành các kế hoạch cải cách, đặc biệt là kéo dài tuổi nghỉ hưu, từ giờ đến cuối nhiệm kỳ là 64 tuổi, sau đó là 65 tuổi đến năm 2031. 

Thứ ba là bà Élisabeth Borne sẽ phải cụ thể hóa các biện pháp, như kéo dài thời hạn khống chế giá khí đốt và điện đến cuối năm 2022, tăng lương hưu và trợ cấp xã hội… Kế hoạch này sẽ được trình lên Hội đồng Bộ trưởng sau kỳ bầu cử lập pháp để được áp dụng vào mùa hè này. 

Thứ tư là lập kế hoạch sinh thái. Tân thủ tướng Pháp có hai kinh nghiệm trong lĩnh vực này do từng làm chánh văn phòng của Bộ trưởng Môi Trường, Ségolène Royal, năm 2014 và giữ chức Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi Năng lượng trong vòng một năm, cho đến tháng 07/2020. 

Cuối cùng, làm thế nào để triển khai kế hoạch chi tiêu thêm trong môi trường kinh tế đang xấu đi. Nền kinh tế Pháp tăng chậm lại, có thể chỉ đạt 0,2% trong quý 2 do tác động của lạm phát. 

Hải An