Tỷ phú Ernesto Bertarelli: “Thà chiến thắng dưới mưa còn hơn là thất bại dưới ánh nắng rực rỡ"

15:04 06/07/2021

Ernesto Bertarelli là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc của Serono S.A, tập đoàn dược phẩm và công nghệ lớn nhất châu Âu. Không chỉ là một ông chủ, Ernesto Bertarelli cũng đang được đánh giá là một trong những nhà quản lý doanh nghiệp hàng đầu hiện nay. Tuy vậy, Ernesto Bertarelli còn nổi danh trong cả lĩnh vực thể thao hơn cả trong kinh doanh. Ông là một vận động viên chèo thuyền xuất sắc nhất cuả Thụy Sĩ, đem về với nhiều Cúp vàng vô địch cho nước này.

Nhà quản lý hiện đại

Tỷ phú Ernesto Bertarelli sinh ngày 22/9/1965 tại Rome trong một gia đình lý tưởng. Gia đình Bertarelli thực ra có nguồn gốc từ Italia, mãi sau này mới sang định cư tại Thụy Sĩ và gia nhập quốc tịch nước này. Ernesto Bertarelli được cha ông giáo dục và đào tạo rất bài bản để có thể tiếp quản được Tập đoàn dược phẩm Serono. Ernesto Bertarelli học đại học tại trường Tổng hợp nổi tiếng tại Boston. Sau đó ông học tại trường kinh doanh danh giá Harvard. 

Tỷ phú Ernesto Bertarelli. Ảnh: Baron Magazine
Tỷ phú Ernesto Bertarelli. Ảnh: Baron Magazine.

Mới 19 tuổi, Ernesto Bertarelli đã có trong tay tấm bằng MBA quản trị kinh doanh. Ngay sau đó, từ năm mới 20 tuổi, Ernesto Bertarelli về làm việc tại Tập đoàn Serono của cha ông. Ernesto cho đến nay vẫn luôn tự hào về cha ông. Ông cũng rất biết ơn cha đã sớm đưa mình vào con đường kinh doanh một cách rất bài bản, chuyên nghiệp.

Và Ernesto Bertarelli đã được đào tạo, thử thách, tôi luyện để trở thành một nhà quản lý hiện đại và rất chuyên nghiệp. Cha của Ernesto Bertarelli đã vạch ra cả một chiến lược đào tạo ông thành người kế tục. Đầu tiên Ernesto Bertarelli đựợc làm trong bộ phận marketing và kinh doanh. Những quan hệ xã hội, quan hệ khách hàng và đặc biệt là những cảm nhận về thị trường đã được nhà quản lý trẻ tuổi và thông minh tích luỹ rất nhiều trong thời gian này.

Những người không biết Ernesto đều nói ông là người may mắn. Nhưng trên thực tế, ngoài tiền của cha, Ernesto cũng có tài kinh doanh, biết tổ chức công việc và quan hệ với mọi người. Để dạy con tiếp nối sự nghiệp, vào dịp Giáng sinh mỗi năm, ông Fabio đều để Ernesto tặng quà cho các nhân viên. Vì thế ngay từ khi còn nhỏ, cậu bé Ernesto đã hiểu hãng Serono như lòng bàn tay của mình. Đến năm 15 tuổi Ernesto lần đầu tiên phát biểu trước HĐQT Serono. Hãng phát triển vững chắc để đến cuối những năm 1980 đưa ra thuốc Saizen – loại sản phẩm sinh học để chữa bệnh thiếu hoócmon tăng trưởng ở trẻ em.

Vào đầu những năm 1990, Ernesto bắt đầu tham gia lãnh đạo Serono và trở thành ông chủ hãng khi kế nghiệp cha vào năm 1996. Những kiến thức học tại Mỹ giờ đây mới bắt đầu được phát huy. Serono là dạng nhà máy, xí nghiệp theo kiểu cũ nên năm 2000 Ernesto đã đưa cổ phiếu của hãng lên sàn chứng khoán New York và sau đó cả ở London.

Phương châm sống của Ernesto Bertarelli rất đơn giản: “Thà chiến thắng dưới mưa còn hơn là thất bại dưới ánh nắng rực rỡ”. Nguồn ảnh: Internet
Phương châm sống của Ernesto Bertarelli rất đơn giản: “Thà chiến thắng dưới mưa còn hơn là thất bại dưới ánh nắng rực rỡ”. Nguồn ảnh: Internet.

Vào đầu thế kỷ 21, Ernesto cùng chị ruột là Danatella nắm giữ khối tài sản khoảng 11 tỉ USD. Trong vòng 10 năm nắm quyền lãnh đạo hãng, Ernesto đã biến Serono trở thành hãng dược phẩm lớn thứ ba trên thế giới trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Trong khoảng thời gian này, doanh thu của Serono tăng gấp 4 lần. Năm 2001, lợi nhuận ròng của hãng đạt 317 triệu USD và đến năm 2002 Serono mua lại hãng Genset của Pháp. Công cuộc kinh doanh phát triển buộc Ernesto phải lựa chọn: Hoặc kiếm thêm tiền để tiếp tục đầu tư, mở rộng kinh doanh, hoặc bán đứt hãng Serono. Còn nhớ, sinh thời ông Fabio Bertarelli trả lời phỏng vấn báo Le Nouveau Quotidien, Thụy Sĩ: “Điều chính yếu là sự lựa chọn: Anh muốn vẫn tiếp tục là nhà công nghiệp, hay đơn giản hơn là trở thành người giàu có”. Ernesto chọn cách thứ hai: Vào năm 2005, ông bán Serono cho hãng Merck KgaA của Đức với giá 10,6 tỉ USD.

Vừa là tỉ phú, vừa là nhà vô địch chèo thuyền

Giã từ sự nghiệp kinh doanh, với hơn 10 tỉ USD và xếp thứ 75 trong danh sách Những người giàu của Forbes (2008), Ernesto hoàn toàn có thể cho phép mình sống sung sướng, an nhàn. Tuy nhiên nhà tỉ phú này lại lao vào chinh phục đại dương. Cũng cần nói thêm rằng, thuở nhỏ Ernesto và người chị Danatella đã nghĩ ra thế giới Anlingi, mà ở đó có những con cá heo biết nói, những con người khỏe mạnh sinh ra từ biển, những hòn đảo tuyệt vời... Đấy là vương quốc chỉ có trong mơ, nhưng Ernesto đã lấy tên Anlingi đặt tên cho đội thuyền buồm của mình để chinh phục đại dương bằng tốc độ, bằng vẻ đẹp của những cánh buồm luôn khát khao vươn tới những chân trời xa thẳm.

Ngay từ khi còn nhỏ, Ernesto đã mê say thuyền buồm khi ra hồ Geneva. Cũng kể từ đó, biển đã là ngôi nhà thứ hai của Ernesto. Nhà tỉ phú tương lai liên tục giật giải trong các cuộc thi thuyền buồm tại Thụy Sĩ và Pháp. Tuy nhiên “quanh quẩn” mãi trong biển hẹp của châu Âu cũng chán, Ernesto luôn mơ ước chinh phục đại dương một cách đích thực bằng cách tham dự Giải đua thuyền nước Mỹ đã tồn tại hơn 150 năm qua.

Trong chuyện này, Ernesto lại gặp may mắn, Vào năm 1997, tỉ phú gặp nhà hàng hải người Pháp Marco Pajot. Ông này giúp Ernesto thành lập một đội đua thuyền lớn. Trên chiếc thuyền mang tên Vava, vào năm 2000, Ernesto cùng đội đua đến New Zealand, quốc gia đang giữ chiếc Cúp Giải đua thuyền nước Mỹ. 

Người ta nói rằng, Ernesto chi 55 triệu USD để thành lập ê-kíp đua thuyền của mình. Ông tự mình tuyển chọn các tay đua thuộc 16 quốc gia và chính ông sắm vai trò là hoa tiêu. Ông sống giản dị, hòa đồng cùng mọi người, đến nỗi nhiều người khi tìm Ernesto đều không tin rằng đó là  nhà tỉ phú. Chỉ đến khi ông hỏi: Anh tìm ai, có việc gì? Ernesto à? Là tôi đây, thì người ta mới tin đích thực đó là Ernesto.  

Sau 152 năm tồn tại, Giải đua thuyền nước Mỹ luôn thuộc về các đội đua Mỹ hay New Zealand thì vào năm 2003, lần đầu tiên, mới có một đội đua Thụy Sĩ do Ernesto dẫn đầu giành chức vô địch. Sau chiến thắng này, Ernesto Bertarelli nói với các nhà báo: “Với tôi, chiến thắng trong thể thao quan trọng hơn chiến thắng trong kinh doanh”. Và chiến thắng đó cũng gây sốc cho không ít người. Bởi Thụy Sĩ không phải là quốc gia có lối ra biển lớn. Sự kiện này khiến Tổng thống Pháp khi đó là Jacques Chirac trao cho Ernesto Huân chương cao quý Bắc đẩu bội tinh...

Hiện nay, giải đua thuyền nước Mỹ được sánh ngang với Giải đua xe tốc độ Công thức 1 (F-1). Tham dự giải là niềm vui của Ernesto, nhưng lợi nhuận chảy vào tài khoản của ông mỗi năm khoảng 30 triệu USD. Có người còn gọi ông là “anh hùng thời đại”. Tuy nhiên, nhà tỉ phú không hướng tới vinh quang, không muốn được nổi tiếng để đeo vòng nguyệt quế như trong văn học.

Phương châm sống của Ernesto Bertarelli rất đơn giản: “Thà chiến thắng dưới mưa còn hơn là thất bại dưới ánh nắng rực rỡ”.

TH