Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng vì dịch COVID – 19

16:03 13/08/2021

Theo đánh giá của Cục Việc Làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở một số địa phương, đặc biệt là làn sóng dịch lần thứ 4 bùng phát từ cuối tháng 4/2021 đến nay đã ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động, việc làm.

Theo ghi nhận của Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong 7 tháng đầu năm 2021, thị trường lao động nước ta chịu tác động theo chiều hướng tiêu cực do dịch Covid-19, cùng với tốc độ gia tăng số ca nhiễm bệnh.

Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động không tăng theo đà tăng dân số, bị sụt giảm nghiêm trọng. Lực lượng lao động Quý II/2021 là 51,1 triệu người, tăng 1,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn 304 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet)

Theo xu thế tăng lực lượng lao động hằng năm trước khi có dịch, lực lượng lao động thực tế đang thấp hơn trạng thái bình thường mới là 1,7 triệu lao động.

Lao động có việc làm suy giảm theo tốc độ của lực lượng lao động. Trong quý II/2021, lao động có việc làm chỉ còn 49,9 triệu người, tăng gần 1,8 triệu người so với cùng kỳ năm 2020 nhưng thấp hơn 500 nghìn người so với năm 2019.

Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi ở khu vực thành thị tiếp tục cao hơn so với khu vực nông thôn, trái ngược với xu thế thường thấy trước khi có dịch và năm 2020. Vào quý II/2021, thiếu việc làm cả nước là 1,1 triệu người (2,6%), trong đó khu vực thành thị là 2,8%, khu vực nông thôn là 2,49%.

Số lao động thất nghiệp tăng do nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh không còn khả năng chống đỡ với dịch bệnh nên buộc phải cắt giảm lao động. Số người thất nghiệp trong quý II/2021 là 1,2 triệu người (2,62%), tăng so với quý I là 0,2% và 0,46% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong quý II năm 2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Trong số này, 557 nghìn người bị mất việc, chiếm 4,4%.

Cùng với đó, 4,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 31,8%; 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 34,1% và 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 66,4%.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất nhóm giải pháp hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động trong thời gian phòng, chống dịch. Đồng thời, các địa phương triển khai các giải pháp để làm cơ sở phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, ổn định xã hội như có các chương trình, chính sách khuyến khích thanh niên và lao động trẻ nâng cao trình độ để sẵn sàng chủ động gia nhập thị trường lao động với hành trang là các kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế trong thời đại kỷ nguyên số 4.0, phục hồi sản xuất kinh doanh; Tiếp tục bổ sung nguồn vốn để cho vay đối với các hộ sản xuất kinh doanh, người lao động đang gặp khó khăn có nhu cầu vay vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm; khoanh nợ cho vay mới để doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất.

 PV